ĐBSCL đối mặt nguy cơ thiếu nước ngọt do bị xâm mặn nghiêm trọng

Nhật Hạ - 20:00, 03/01/2020

TheLEADERXâm nhập mặn tại ĐBSCL năm nay xảy ra sớm hơn và nghiêm trọng hơn so với trung bình nhiều năm. Nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp sẽ có nguy cơ bị hạn hán, thiếu nước và nhiễm mặn. Nguồn nước sinh hoạt của người dân cũng bị ảnh hưởng.

ĐBSCL đối mặt nguy cơ thiếu nước ngọt do bị xâm mặn nghiêm trọng
Dòng chảy về ĐBSCL từ đầu mùa khô đến nay giảm nhanh, xuống ở mức rất thấp so với trung bình nhiều năm.

Vào các tháng mùa khô, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) luôn chịu tác động mạnh bởi xâm nhập mặn. Đây là đặc tính của vùng, mức độ xâm nhập những năm trước đây có tính quy luật tương đối rõ rệt.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, do biến đổi khí hậu và nguồn nước thượng lưu sông Mê Kông về ĐBSCL đã thay đổi quy luật tự nhiên bởi việc xây dựng, vận hành các hồ chứa thủy điện thượng lưu, dẫn đến xâm nhập mặn có những thay đổi lớn, gây khó khăn trong việc cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt.

Cụ thể, thời gian xâm nhập mặn có xu hướng xuất hiện sớm hơn trước đây từ 1 đến 1,5 tháng. Giai đoạn trước năm 2012, mặn thường xâm nhập đáng kể từ tháng 2 đến tháng 4, đỉnh mặn xuất hiện vào cuối tháng 3 hoặc tháng 4 (là tháng có dòng chảy kiệt nhất).

Những năm gần đây thường xuyên xuất hiện dòng chảy thượng nguồn đầu mùa khô về thấp, xâm nhập mặn bắt đầu từ cuối tháng 12 năm trước, đỉnh mặn xuất hiện vào tháng 2 hoặc đầu tháng 3 năm sau.

Phạm vi xâm nhập mặn tăng so với trước đây, ranh mặn 4g/l trước đây chỉ vào sâu nhất đến 60 km ở các cửa sông Cửu Long ở những năm bị xâm nhập cao, còn nay xảy ra thường xuyên hơn, điển hình đợt xâm nhập mặn kỷ lục năm 2016, chiều sâu xâm nhập mặn cao nhất lên tới 90 km.

Đặc biệt, năm nay, ‘xâm nhập mặn tại ĐBSCL còn xảy ra sớm hơn và nghiêm trọng hơn so với trung bình nhiều năm, trong một số thời điểm mặn trên các sông tương đương mùa khô năm 2015 -2016’, theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Theo tính toán Viện khoa học thủy lợi Việt Nam, dự báo mức độ, phạm vi xâm nhập mặn 4 gam/lít tại các cửa sông sẽ sâu hơn trung bình nhiều năm và kỷ lục năm 2016.

Sông Vàm Cỏ Đông, phạm vi xâm nhập 100 km, sâu hơn trung bình nhiều năm 40 km, sâu hơn năm 2016 là 3 km. Vùng Sông Vàm Cỏ Tây là 110 km, sâu hơn trung bình nhiều năm 52 km, sâu hơn năm 2016 là 5 km.

Vùng các cửa sông Cửu Long bị mặn xâm nhập từ 55-80 km, sâu hơn trung bình nhiều năm từ 23-49 km, sâu hơn năm 2016 từ 3-7 km. Vùng biển Tây (sông Cái Lớn) là 70 km, sâu hơn trung bình nhiều năm 30 km, sâu hơn năm 2016 là 5 km.

Nguy cơ xâm nhập mặn ảnh hưởng đến 74/137 huyện, thị xã thuộc 10/13 tỉnh trong khu vực (trừ Đồng Tháp, An Giang và thành phố Cần Thơ). Nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp sẽ có nguy cơ bị hạn hán, thiếu nước và nhiễm mặn.

Nguồn nước sinh hoạt cho người dân cũng có nguy cơ bị thiếu hụt. Theo dự báo, có khoảng 136.000 ha diện tích cây ăn quả bị ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn; 120.800 hộ thiếu nước sinh hoạt, đặc biệt là tại Bến Tre với khoảng 36.800 hộ, Long An 32.400 hộ và Sóc Trăng 24.400 hộ.

Theo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, mùa mưa năm 2019 trên lưu vực sông Mekong xuất hiện muộn. Tổng thời gian mưa ngắn, lượng mưa khoảng 1.240 mm, thấp hơn các năm trước 8%.

Dòng chảy về ĐBSCL từ đầu mùa khô đến nay giảm nhanh, xuống ở mức rất thấp so với trung bình nhiều năm. Mực nước tại trạm Kratie (Campuchia) từ đầu tháng 11 đến nay thấp hơn gần 2,33 m so với các năm trước.

Dự báo trong hai tháng đầu năm, lưu lượng nước tại trạm Kratie thấp hơn gần 35% so với các năm. 

Đáng chú ý, Biển Hồ (Campuchia) ở mức thấp, khả năng bổ sung nước cho ĐBSCL không nhiều. Từ khoảng tháng 3, lưu lượng dòng chảy về trạm Kratie (Campuchia - đầu châu thổ Mekong) sẽ tăng do các hồ xả nước theo quy luật nhiều năm gần đây.

ĐBSCL đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước do xâm nhập mặn nghiêm trọng
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại hội nghị hôm nay. Ảnh trên trang điện tử Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Tại Hội nghị phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, bảo đảm sản xuất nông nghiệp và dân sinh khu vực ĐBSCL diễn ra hôm nay, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Nguyễn Xuân Cường, cho biết, Chính phủ đã hỗ trợ ngân sách, cùng với các địa phương, doanh nghiệp, quốc tế cung cấp trên 20.000 bồn trữ nước ngọt cho các hộ dân. 

Đồng thời, mở rộng hơn 1.600 km đường ống cấp nước, khoan thêm hàng chục giếng để bổ sung cho các công trình cấp nước.

Nếu kịch bản hạn mặn xảy ra như năm 2016, bộ yêu cầu các địa phương dùng xe bồn lưu động chở nước ngọt đến vùng sâu, ven biển; đầu tư bồn, túi nhựa dẻo trữ nước và máy lọc nước mặn tại các các điểm tập trung cho người dân sử dụng. 

Bộ cũng khuyến khích người dân tự tính toán lượng nước cần thiết chia theo đầu người ở mỗi gia đình để chủ động trữ nước ngọt đủ dùng qua mùa khô hạn.

"Đối với các công trình cống, đập ngăn mặn đang thi công, cần nhanh chóng hoàn thành các hạng mục cơ bản để có thể sử dụng ngay trong mùa hạn mặn này", ông Cường cho biết. 

Về lâu dài, bộ đề nghị Chính phủ tiếp tục hỗ trợ kinh phí xây dựng các hồ trữ nước ngọt, đập tạm ngăn mặn; đầu tư lắp đặt thiết bị giám sát độ mặn tự động; ưu tiên nguồn lực hoàn thiện khép kín hệ thống thủy lợi, nạo vét các kênh; khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp; đàm phán, đấu tranh để các quốc gia có hồ chứa thủy điện lớn xả nước xuống hạ du...

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhận định, ĐBSCL là vùng đồng bằng trù phú, là vùng trọng điểm về lương thực, thực phẩm của cả nước, có vai trò đặc biệt quan trọng bảo đảm an ninh lương thực quốc gia.

Trong khi đó, ĐBSCL hiện đang chịu tác động lớn của BĐKH, nước biển dâng, đồng thời với việc chịu ảnh hưởng của khai thác nguồn nước từ thượng nguồn sông Mekong.

Trước những diễn biến phức tạp về hạn mặn năm nay, Phó thủ tướng ghi nhận, 'các địa phương và ngành nông nghiệp đã chủ động đối phó với kịch bản cực đoan nhất ngay từ đầu'. 

Theo đó, đã điều chỉnh giảm diện tích lúa Đông Xuân còn khoảng 1,55 triệu ha, giảm khoảng 50.000 ha; đẩy sớm khung thời vụ sản xuất ngay từ tháng 10/2019 nhằm tránh giai đoạn mặn căng thẳng nhất; hình thành các vùng chuyên canh thích ứng với tình trạng thiếu nước ngọt.

Về lâu dài, Phó thủ tướng đề nghị Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, các địa phương vùng ĐBSCL cần tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, trong đó tập trung chuyển đổi sản xuất theo tinh thần Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trên cơ sở tái cấu trúc, tập trung lập quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn 2045, từ đó xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch, xác định rõ cơ cấu nguồn vốn, công trình, dự án ưu tiên đầu tư.

Đặc biệt là các công trình tích trữ nước ngọt, điều khối, điều tiết ngăn mặn, giữ nước ngọt trên cơ sở quy hoạch thủy lợi; các dự án cấp nước đô thị và nông thôn, đặc biệt là cho các vùng ven biển.

Về hỗ trợ kinh phí phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn theo đề nghị của một số địa phương trong thời gian qua, Phó Thủ tướng yêu cầu, trước hết, các địa phương phải chủ động bố trí ngân sách địa phương và tìm kiếm các nguồn xã hội hoá để triển khai khẩn cấp các nhiệm vụ cấp bách. 

Đồng thời, giao Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tổng hợp, đề xuất báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ các địa phương phòng, chống, khắc phục hạn hán, xâm nhập mặn theo quy định.