Về các dự án điện chậm tiến độ của ĐBSCL, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói gì?
Nhã Lam
Thứ năm, 07/11/2019 - 12:52
ĐBSCL không còn đủ điều kiện để phát triển điện than. Trong khi đó, nhiều dự án điện từ năng lượng tái tạo lại đang chậm tiến độ, dẫn đến nguy cơ thiếu điện ở khu vực này tăng cao.
Tại phiên chất vấn Quốc hội sáng nay, nhiều đại biểu đã đặt nhiều câu hỏi cho Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh về các dự án điện bị chậm tiến độ, đặc biệt là các dự án năng lượng tái tạo ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) như Nhà máy điện khí LNG Bạc Liêu, Dự án nhiệt điện Long Phú 1.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, dự án điện Long Phú 1 cho Đồng bằng sông Cửu Long đã thất bại.
“Bây giờ khả năng sẽ trở thành một trong những dự án gia nhập câu lạc bộ thua lỗ nghìn tỉ đồng. Đây là vấn đề hết sức quan trọng và Nhà nước có khả năng sẽ mất hàng trăm triệu USD”, ông Nhưỡng nhận định.
Trả lời đại biểu Nhưỡng, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, Long Phú 1 là dự án quan trọng trong tổng sơ đồ điện 7 và đặt tại tỉnh Sóc Trăng.
Hiện nay, nhà thầu của Nga đang nằm trong danh sách cấm vận của Mỹ, không cho phép tham gia thực hiện các hoạt động giao dịch quốc tế. Trong đó có những thanh toán sử dụng đồng USD, cũng như các hoạt động liên quan đến các nhà thầu phụ của Mỹ.
Phương án xử lý, theo Bộ trưởng, suốt 2 năm qua, Chính phủ và các bộ, ngành đã tập trung để thúc đẩy tiến độ và tìm ra giải pháp để giải quyết.
Đến nay, do bị Mỹ cấm vận nên năng lực của tổng thầu không còn đủ điều kiện để thực hiện. Vì vậy, đang tính đến phương án có thể tiếp quản lại dự án và để cho đối tác khác thực hiện.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Công thương lưu ý đây là vấn đề phức tạp, hiện PVN đang đàm phán với nhà thầu này.
Theo ông Tuấn Anh, hiện nay tổng thầu đã trình hồ sơ kiện ra Toà án quốc tế và trọng tài Singapore. Chính phủ đang chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục phối hợp chặt chẽ để tìm ra giải pháp đảm bảo dự án này vẫn tiếp tục được triển khai, đóng góp cho cân đối điện trong thời gian tới.
Dự án nhiệt điện Long Phú 1 do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đầu tư, với tổng vốn hơn 29,5 nghìn tỉ đồng. Kế hoạch ban đầu là 45 tháng và 49 tháng lần lượt hoàn thành cho từng tổ máy, hoàn thành tổ máy 1 vào 30/10/2018, và tổ máy 2 vào 29/2/2019. Tuy nhiên, dự án đã chậm tiến độ.
Theo PVN, dự án hiện mới hoàn thành 77,5% so với kế hoạch. Nguyên nhân chính xuất phát từ phía nhà thầu Power Machines (PM - Nga) và việc Chính phủ Mỹ áp đặt lệnh cấm vận trực tiếp đối với nhà thầu này (PM) từ 28/1/2018.
Theo Đại biểu Nhưỡng, trước tình hình của dự án điện Long Phú 1, thì dự án điện Cà Ná cần được tập trung đẩy nhanh để đảm bảo cung cấp điện cho ĐBSCL.
Ngoài ra, về dự án Nhà máy điện khí LNG Bạc Liêu, Đại biểu Nguyễn Huy Thái (Bạc Liêu) tỏ ra sốt ruột khi dự án vẫn chưa được triển khai. Trong khi Thủ tướng đã đồng ý về nguyên tắc từ 18 tháng trước. Đến nay, tròn 12 tháng sau khi nhà đầu tư hoàn thành thủ tục cho dự án theo yêu cầu của Bộ Công Thương.
Thủ tướng đã hai lần chỉ đạo Bộ Công Thương có văn bản trình Thủ tướng phê duyệt bổ sung dự án vào Quy hoạch Điện VII điều chỉnh.
Mặt khác Trong thời gian chờ đợi, tỉnh Bạc Liêu và đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã có không dưới 30 văn bản đề nghị và kiến nghị sớm trình để phê duyệt dự án. Tuy nhiên, cho đến nay thì dự án quan trọng này của tỉnh nghèo Bạc Liêu vẫn chưa được Bộ trưởng Bộ Công Thương trình Thủ tướng phê duyệt.
"Vì sao chậm trễ như vậy và bao giờ dự án này sẽ triển khai được?", ông Thái chất vấn.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết đã hai lần báo cáo Chính phủ về bổ sung dự án vào quy hoạch điện lực. Báo cáo mới đây nhất vừa gửi Chính phủ vào cuối tháng 10.
Ông cũng mong sớm có quyết định triển khai dự án vì thực tế đang thiếu điện, và cho biết thêm "Tôi chắc cũng không thể nói được khi nào triển khai vì còn chờ Thủ tướng ý kiến. Hy vọng sẽ vào đầu năm 2020, theo hiểu biết của tôi".
Dự án Nhà máy điện khí LNG Bạc Liêu, với quy mô công suất 3.200 MW, tổng vốn đầu tư 4,3 tỷ USD, tổng diện tích dự án là 140 ha, gồm 100 ha ngoài khơi bờ biển Bạc Liêu (phục vụ khu tổ hợp trên biển) và 40 ha đất tại xã Vĩnh Hậu B, huyện Hòa Bình (phục vụ cho khu vực nhà máy điện trên bờ).
Nhà đầu tư phát triển dự án là Công ty TNHH Delta offshore Energy Pte.Ltd (Singapore) cùng 2 đối tác chiến lược là Tập đoàn GE (Mỹ) và Ngân hàng DNB (Na uy).
Cũng tại phiên chất vấn, về dự án điện Bạc Liêu, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương bổ sung vào quy hoạch và yêu cầu Bộ Công Thương phải tính toán tổng thể đảm bảo cơ cấu nguồn hợp lý trong tổng thể các dự án điện khí trong giai đoạn đến năm 2030, vì hiện nay có 8 đề xuất đầu tư lĩnh vực này.
Quan điểm của Thủ tướng Chính phủ là rất ủng hộ những dự án đầu tư điện khí, đặc biệt là khu vực phía Nam để bù đắp phần thiếu hụt, giảm việc vận tải điện từ phía Bắc vào, Phó thủ tướng khẳng định.
Phó Thủ tướng đánh giá, điện năng có vai trò đặc biệt quan trọng, không thể thiếu và là một nhân tố quyết định thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Theo Phó Thủ tướng, những năm qua, trong điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng ngành điện, trong đó có các cơ quan quản lý Nhà nước, tập đoàn kinh tế Nhà nước cùng các nhà đầu tư đã nỗ lực để đầu tư phát triển hệ thống điện.
"Tuy nhiên, việc phát triển hệ thống điện đang gặp rất nhiều khó khăn. Nếu chúng ta không có giải pháp hữu hiệu, quyết liệt để tháo gỡ sẽ có nguy cơ thiếu điện trong những năm tới”, theo Phó Thủ tướng.
Lãnh đạo Chính phủ cũng đề cập tới yêu cầu phải điều chỉnh quy hoạch điện nếu không sẽ khó đáp ứng yêu cầu đủ điện cho sản xuất. Đặc biệt, trong bối cảnh chúng ta đã dừng phát triển điện hạt nhân và nguồn điện than gặp phải vấn đề lo ngại ảnh hưởng môi trường.
"Rất nhiều dự án chậm tiến độ cũng ảnh hưởng đến việc cung cấp, cung ứng nguồn điện cho phát triển kinh tế xã hội”, ông nêu thực tế.
Thống kê sơ bộ cho thấy, trong khoảng 60 dự án đang đầu tư, có 35 dự án công suất trên 200 MW chậm tiến độ từ 1-5 năm, thậm chí có dự án còn chậm kéo dài hơn nữa và với tổng công suất khoảng 39.000 MW, từ đó dẫn đến nguy cơ thiếu điện ngay từ năm 2019.
"Đúng là quá trình thực hiện thì đã có sự chủ quan, đánh giá không hết nên trong thời gian ngắn đã có sự phát triển bùng nổ, gần 4.900 MW điện mặt trời vận hành tới cuối tháng 6/2019", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhận định.
Việc Trung Quốc xây dựng các đập thủy điện bên trong lãnh thổ cũng như tham gia các dự án tại các nước láng giềng đang khiến khu vực hạ lưu ngày càng phụ thuộc vào thiện chí giải phóng nước của Bắc Kinh.
Hai dự án nhà máy điện tuabin khí hỗn hợp Dung Quất I và III tại Quãng Ngãi dự kiến sử dụng nguồn khí từ mỏ Cá voi xanh khi đi vào vận hành trong 4 - 5 năm tới.
Công ty cổ phần Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi (DHD) vừa nhận khoản vay trị giá 37 triệu USD từ ADB để lắp đặt một dàn pin điện mặt trời nổi với công suất đỉnh là 47,5 MWp trên hồ chứa hiện thời của nhà máy thủy điện Đa Mi.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh yêu cầu doanh nghiệp nhà nước phải hoạt động theo cơ chế thị trường, khi thảo luận về dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Phát triển bền vững giúp thương hiệu vươn xa với việc định hình hành vi tiêu dùng và thúc đẩy giá trị tích cực, tạo động lực cho tăng trưởng toàn diện và lâu dài.
Triển lãm quốc tế về lạnh và điều hòa không khí, phòng sạch và phụ trợ nhà máy công nghệ cao 2024 diễn ra tại Trung tâm Hội chợ và triển lãm Sài Gòn từ ngày 21 – 23/11.
Vietnam Airlines Group, bao gồm Vietnam Airlines, Pacific Airlines và Vasco, lên phương án thuê thêm bốn máy bay để đáp ứng nhu cầu đi lại tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán 2025.