Đi tàu lửa sẽ bị ép mua suất ăn?

Trâm Anh - 19:15, 31/10/2017

TheLEADERTừ 1/1/2018, sẽ thí điểm việc vé tàu lửa cộng thêm chi phí suất ăn, hành khách đi tàu không quyền lựa chọn như đi máy bay.

Đi tàu lửa sẽ bị ép mua suất ăn?
Hành khách mua vé tàu lửa tại ga Sài Gòn. Ảnh: Trâm Anh

Theo ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, từ 1/1/2018 sẽ thí điểm kế hoạch hành khách trên tàu được cung cấp suất ăn có chất lượng như trên máy bay.

Ăn sang như đi máy bay

Hai Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn và Hà Nội (VTĐS) sẽ phối hợp với Công ty Sasco cung cấp suất ăn nấu sẵn đến các ga với giá đề xuất ban đầu: Suất ăn chính 35.000 đồng/phần, suất ăn phụ 25.000 đồng/phần. Chi phí suất ăn sẽ được gộp vào giá vé tàu. Các suất ăn được đưa lên tàu tại ba đầu mối: Sài Gòn, Đà Nẵng và Hà Nội.

Theo chỉ đạo từ Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, hai công ty này sẽ thí điểm tuyến Sài Gòn - Nha Trang, nếu thành công thì áp dụng rộng ra nhiều đoàn tàu khác. Nhưng sau khi tính toán lại, thấy tuyến tàu này có quãng đường ngắn, khách ít ăn cơm nên phải chuyển sang tuyến Sài Gòn - Hà Nội trên các đôi tàu SE3/4 và SE5/6.

Ngày 18/10, văn phòng Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thông báo kết luận cuộc họp của ông Vũ Anh Minh: "Giao người đại diện phần vốn phối hợp với Hội đồng quản trị tại Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn, Hà Nội phối hợp chặt chẽ với Sasco khẩn trương hoàn tất thủ tục, cải tạo nội thất toa xe, lắp đặt thiết bị để triển khai phục vụ suất ăn trên tàu kể từ 1/1/2018".

Thực hiện chỉ đạo này, các đơn vị liên quan lập tức khẩn trương triển khai kế hoạch thí điểm. Trong đó có mua sắm thiết bị, huấn luyện nhân viên, xây dựng phương án xử lý khi tàu chậm giờ...

Trao đổi với phóng viên, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, ông Đoàn Duy Hoạch, cho biết hiện nay đơn vị có chủ trương cho phép Công ty Vận tải đường sắt Sài Gòn và Hà Nội nghiên cứu thí điểm suất ăn hàng không vào phục vụ hành khách đi tàu tại một số tuyến ngắn như Sài Gòn - Nha Trang. Sau đó sẽ đánh giá ưu điểm, khuyết điểm của chương trình, nếu tốt sẽ tiếp tục triển khai trên các tuyến đường dài. “Tuy nhiên, hiện nay các công ty trên đang xây dựng phương án thực hiện và đàm phán với nhà cung cấp. Đến nay đơn vị chưa nhận được báo cáo cụ thể từ các công ty”, ông Hoạch nói.

Trả lời câu hỏi liệu suất ăn có được quy định linh hoạt, hành khách được quyền lựa chọn vé có suất ăn hoặc không có suất ăn, ông Hoạch cho biết việc này sẽ do hai công ty trên xây dựng và báo cáo cụ thể các phương án. Khi nhận được báo cáo, ngành đường sắt sẽ xem xét, lựa chọn các phương án phù hợp và hiệu quả nhất.

Lo ngại vệ sinh an toàn thực phẩm

Được biết, kế hoạch thí điểm việc bán suất ăn sẽ được bắt đầu từ 1/1/2018. Vậy câu hỏi đặt ra là các hành khách mua vé tàu Tết (lộ trình sau ngày 1/1/2018) thì có bị ảnh hưởng không? Một lãnh đạo Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn giải đáp rằng tới nay chưa thể công bố thông tin cụ thể về việc những người mua vé tàu dịp Tết Mậu Tuất (sau ngày 1/1/2018) có bao gồm chi phí suất ăn, hay phải trả thêm tiền ăn. 

“Vé Tết chúng tôi đã bán, hành khách mua mức nào sẽ giữ nguyên như vậy chứ không tăng giảm gì nữa”, vị này cho biết.

Một hành khách cho biết, mỗi người có những sở thích riêng, ví dụ đến ga Huế người ta thích xuống ăn cơm hến, bún bò Huế; đến ga Tam Kỳ người ta muốn thưởng thức món cơm gà Tam Kỳ. Mỗi ga đều có những món sản vật địa phương. Vậy tại sao lại bắt hành khách phải mua suất ăn sẵn có kèm theo vé? 

Không những thế, thực tế khi đi tàu, không ít người do không có điều kiện sẽ chuẩn bị đồ ăn mang đi (cơm nắm, muối vừng, trứng luộc...) hoặc đến mỗi ga có thể xuống mua cái bánh, gói xôi, ổ bánh mì ăn cho qua bữa ... Việc ép mua suất ăn qua vé tàu chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng tới những hành khách này. 

Trao đổi ý kiến của mình về việc bán suất ăn của đường sắt, anh Bùi Đức Thành, quận Tân Bình, TP. HCM, nói: “Quê tôi ở Quảng Nam nên tôi thường xuyên đi tàu hoả để về thăm quê. Với thông tin ngành đường sắt sẽ gộp tiền suất ăn vào vé thì tôi hoàn toàn không tán thành. Ngành đường sắt nếu muốn bán suất cơm, ít nhất cần lấy ý kiến hành khách đi tàu chứ không thể có kiểu ép buộc như vậy. Bên cạnh đó, nếu muốn bán cơm để hành khách có thể “nuốt trôi” thì cần nâng cao cải tạo toa xe và vệ sinh trên tàu. Thêm vào đó, cần nâng cao chất lượng suất ăn và đảm bảo an toàn vệ sinh thực thẩm, nếu làm được như vậy thì hành khách sẽ thấy thoải mái, không bị bắt buộc”.

Đồng quan điểm trên, chị Nguyễn Mỹ Anh, quận Gò Vấp, nói: “Ngành đường sắt không thể giống hàng không mà thực hiện bán suất ăn máy bay cho hành khách. Huống hồ, chúng tôi đi máy bay còn được quyền lựa chọn mua suất cơm thì làm sao đường sắt lại có tính chất ép buộc như thế. Theo tôi cứ cho hành khách hai lựa chọn, vé bao gồm suất ăn hoặc vé không bao gồm suất ăn, vừa chủ động được số lượng suất ăn phải chuẩn bị, tránh lãng phí, vừa tạo sự thoải mái cho hành khách”.

Chị Nguyễn Thị Lan, quê Quảng Ngãi, cho biết: “Chỉ có chuyến tàu đi từ Huế vào Sài Gòn là nấu ăn còn tạm được, các tàu khác nấu ăn xin lỗi tôi không bao giờ nuốt nổi. Nhìn cái khay cơm thì nhão, canh thì lèo tèo được vài cọng rau là thấy ngao ngán. Xin lãnh đạo ngành đường sắt tập trung vào vấn đề vệ sinh trên tàu chứ đừng thực hiện thêm những chính sách làm ảnh hưởng đến túi tiền của người dân nữa”.

Đã từng triển khai và bị "khai tử"

Phương án gộp chi phí suất ăn vào giá vé từng được ngành đường sắt thực hiện trên tàu từ năm 2007 trở về trước. Thời điểm đó, ngành đường sắt cũng rầm rộ cải tạo toa xe, nhập tủ cấp đông, rã đông, tủ nấu cơm, tủ mát về lắp cho các toa tàu.

Các suất ăn được chế biến dưới mặt đất rồi đóng hộp chuyển lên tàu. Đến bữa ăn, tiếp viên hâm nóng thức ăn rồi mang ra cho hành khách.

Đến tháng 10/2007, việc gộp chi phí suất ăn vào giá vé bị "khai tử". Hệ thống bảo quản suất ăn nấu sẵn dần dần bị tháo bỏ. Giá vé tàu cũng được tiết giảm, hành khách tự mua khẩu phần ăn theo nhu cầu.