Định hướng phát triển nhà ở của Bình Dương

Hứa Phương - 10:44, 19/11/2022

TheLEADERBình Dương phát triển đa dạng các loại hình nhà ở nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân.

Được coi là thủ phủ công nghiệp của cả nước, Bình Dương đã thành lập 29 khu công nghiệp, trong đó 27 khu đi vào hoạt động với tổng diện tích đất là 10.900ha. Sự phát triển của các khu, cụm công nghiệp kéo theo làn sóng nhập cư của người dân.

Số liệu của tỉnh Bình Dương cho thấy, năm 2021 ước tính dân số khoảng 2,7 triệu người, trong đó người đang trong độ tuổi lao động khoảng 1,7 triệu nhưng có khoảng 1,5 triệu người đang ở nhà thuê.

Do đó, nhu cầu về nhà ở của người lao động đang làm việc trên địa bàn Bình Dương còn rất lớn.

Mặc dù, trong năm 2021, diện tích sàn nhà ở trên địa bàn Bình Dương tăng thêm 3,2 triệu m2. Trong đó, nhà ở thương mại phát triển mới tăng thêm đã được chấp thuận chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư năm 2020 là 2,2 triệu m2 sàn (tương đương với khoảng 12.638 căn). Nhà ở xã hội và nhà ở tái định cư tăng thêm 63 nghìn m2, còn lại là nhà ở dân tự xây.

Tuy nhiên các chỉ tiêu về phát triển nhà ở năm 2021 của Bình Dương đều chưa đạt kế hoạch.

Nhằm đáp ứng nhu cầu về chỗ ở ngày càng tăng, Bình Dương đặt ra mục tiêu trong năm 2022 sẽ phát triển được 4,4 triệu m2. Trong đó, khu vực đô thị là 3,7 triệu m2, nông thôn là 701 nghìn m2. Qua đó, tăng tỷ lệ nhà chung cư trong các dự án phát triển nhà ở tại đô thị lên 30%.

Để thực hiện được điều đó, Bình Dương chủ trương đa dạng các loại hình nhà ở. Cụ thể, đối với nhà ở thương mại, Bình Dương sẽ tập trung chủ yếu theo dự án gồm nhà chung cư, nhà ở liên kế, biệt thự. Đặc biệt địa phương sẽ khuyến khích phát triển nhà ở thương mại giá thấp phù hợp với thu nhập của một bộ phận người dân.

Riêng nhà ở cho công nhân thì các địa phương có khu công nghiệp khuyến khích các doanh nghiệp và nhà đầu tư tham gia đầu tư thông qua các chính sách ưu đãi về đất đai, quy hoạch, thuế, tài chính - tín dụng.

Đối với nhà ở cho người có thu nhập thấp khu vực đô thị sẽ tập trung huy động nguồn vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư, vốn vay, vốn huy động khác để thực hiện xây dựng hạ tầng kỹ thuật, nhà ở xã hội.

Ngoài ra, nhà nước hỗ trợ kinh phí giải phóng mặt bằng, thực hiện các chính sách ưu đãi về thuế, tiền sử dụng đất... để thực hiện các dự án nhà ở xã hội tại khu vực đô thị.