Đón dòng đầu tư chất lượng cao từ Trung Quốc

Phạm Sơn - 09:49, 14/12/2023

TheLEADERTrung Quốc đang và sẽ tăng cường đầu tư mạnh vào Việt Nam, không chỉ ở những lĩnh vực truyền thống dệt may mà còn là những dự án sản xuất, chế biến sâu, có hàm lượng công nghệ cao hơn.

Đón dòng đầu tư chất lượng cao từ Trung Quốc
Chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hứa hẹn mở ra nhiều cơ hội trong quan hệ kinh tế Việt - Trung. Ảnh: Hoàng Anh

Theo thông tin từ Cục Đầu tư nước ngoài, lũy kế đến 20/10, Trung Quốc giữ vị trí thứ sáu trong 143 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư FDI vào Việt Nam với hơn 4.000 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký hơn 26,5 tỷ USD.

Tính riêng 11 tháng năm 2023, Trung Quốc dẫn đầu về số dự án đăng ký cấp mới vào Việt Nam với khoảng 632 dự án, đứng thứ hai về tổng vốn đăng ký với khoảng hơn 3 tỷ USD.

Chuyến thăm Việt Nam mới đây của Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội mới về hợp tác kinh tế giữa hai nước, đem lại sự thay đổi không chỉ về lượng mà còn cả về chất.

Dòng vốn công nghệ cao

Nhiều nguyên nhân được chỉ ra cho việc Trung Quốc tăng cường đầu tư vào Việt Nam những năm gần đây. Theo một chuyên gia quốc tế, việc đầu tư vào Việt Nam còn nằm trong kế hoạch cải cách nền kinh tế của Trung Quốc, khi tiến đến bậc thang cao hơn trong chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu và đưa các dự án có giá trị gia tăng thấp hơn sang nước khác.

Lập luận này được củng cố bởi số liệu về chi phí lao động. Cụ thể, công xưởng của thế giới hiện đã có chi phí lao động trung bình cao gấp hơn ba lần Việt Nam và còn tiếp tục tăng nhanh. Với chi phí đó, các công đoạn giá trị gia tăng thấp sẽ mất hết sức cạnh tranh nếu được triển khai tại Trung Quốc.

Tuy nhiên, không thể không nhìn nhận những lợi thế Việt Nam có được sau hơn 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài và đang không ngừng được củng cố. Đó là nền kinh tế, chính trị ổn định, thị trường có độ mở lớn, vị trí địa lý thuận lợi và những chính sách ưu đãi, hỗ trợ nhà đầu tư ở mức cao.

Với những lợi thế đó, ngày càng nhiều nhà đầu tư công nghệ cao đã và đang cân nhắc lựa chọn Việt Nam làm điểm đến triển khai dự án và các tập đoàn lớn của Trung Quốc cũng không ngoại lệ.

Mới đây, tỉnh Quảng Ninh đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho dự án trị giá 1,5 tỷ USD của Jinko Solar, tập đoàn công nghệ cao đến từ Trung Quốc chuyên sản xuất tế bào quang điện, ứng dụng cho chất bán dẫn và pin năng lượng mặt trời.

Nếu áp lực từ thương chiến Mỹ - Trung là động lực để tập đoàn Jinko Solar đa dạng hóa chuỗi cung ứng thì yếu tố nhân lực, vị trí địa lý và chi phí sản xuất là những nguyên nhân khiến doanh nghiệp này lựa chọn Việt Nam cho nhà máy thứ ba ngoài Trung Quốc, theo thông tin lãnh đạo tập đoàn trao đổi với truyền thông.

Trước đó, một doanh nghiệp đến từ Trung Quốc khác là Pegatron cũng đã chọn Việt Nam là nơi đặt nhà máy sản xuất, lắp ráp điện thoại iPhone. Đáng chú ý, theo kế hoạch đầu tư, Pegatron tiến tới việc xây dựng cơ sở nghiên cứu phát triển (R&D) tại Việt Nam, qua đó hoàn thiện thêm một cứ điểm chuỗi giá trị khoa học công nghệ toàn diện.

Một số dự án đầu tư công nghệ cao đến từ Trung Quốc đang hoạt động hiệu quả tại Việt Nam có thể kể đến như Goertek, Energy China. Tiếp nối những dự án này, nhiều doanh nghiệp công nghệ cao Trung Quốc, bao gồm Wingtech, BYD cũng đang khảo sát các địa phương và cho biết sẽ triển khai thêm nhiều dự án tại Việt Nam.

Trong đó, chỉ trong một thời gian ngắn, BYD đã tăng vốn đầu tư lên gần 600 triệu USD cho cơ sở sản xuất máy tính bảng, linh kiện điện tử tại tỉnh Phú Thọ.

Theo Bộ Kế hoạch và đầu tư, các dự án FDI từ Trung Quốc vào Việt Nam không còn co cụm ở một số lĩnh vực truyền thống như bán lẻ, khách sạn hay các ngành chế biến, gia công như dệt may, da giày, lắp ráp mà đang dần đa dạng, mở rộng sang cả một số lĩnh vực công nghệ cao như điện tử, năng lượng, nghiên cứu phát triển.

Đón cơ hội mới

Vấn đề lớn nhận được nhiều bàn luận, tranh cãi của giới học thuật kể từ khi thương chiến Mỹ - Trung nổ ra là liệu Việt Nam có thể trở thành công xưởng mới của thế giới.

Không thể phủ nhận rằng những bất ổn toàn cầu, bao gồm thương chiến và đại dịch Covid-19 đã tạo ra xu thế dịch chuyển chuỗi cung ứng mạnh mẽ và Việt Nam nhận được nhiều lợi ích từ xu thế này.

Cụ thể, vào năm 2018, khi thương chiến Mỹ Trung bùng nổ, Việt Nam thu hút được hơn 35 tỷ USD vốn FDI, sau đó tiếp tục tăng lên đến 38 tỷ USD vào năm 2019. Sau khi bị chững lại do Covid-19 năm 2020, đến năm 2021, Việt Nam tiếp tục thu hút gần 39 tỷ USD vốn FDI. Trong đó, vốn từ Trung Quốc tăng mạnh.

Thực tế, Việt Nam có thể trở thành công xưởng của thế giới hay không còn phụ thuộc vào những yếu tố quan trọng mà Trung Quốc có được, bao gồm quy mô lực lượng lao động, lao động tay nghề cao và chuỗi công nghiệp hoàn chỉnh.

Những yếu tố đặc trưng của Việt Nam, nếu có thể tận dụng tốt, có thể trở thành lợi thế để phát triển quan hệ hợp tác kinh tế với Trung Quốc cũng như các quốc gia, nền kinh tế khác để tạo ra điểm tựa cho tăng trưởng, thực hiện hóa các mục tiêu kinh tế, xã hội.

Theo ông Bruno Jaspaert, Giám đốc Khu công nghiệp Deep C, ngành sản xuất chưa hình thành một chuỗi hoàn chỉnh là cơ hội để Việt Nam đưa yếu tố bền vững vào chuỗi cung ứng một cách dễ dàng và ít tiêu tốn chi phí. Lợi thế này còn được củng cố bởi những gói tài trợ lớn hứa hẹn được rót vào Việt Nam sau cam kết đầy tham vọng tại COP26.

Quá trình chuyển đổi xanh tại Trung Quốc, khi sở hữu chuỗi công nghiệp hoàn chỉnh, sẽ khó khăn và đắt đỏ hơn so với Việt Nam. Đây chính là nền tảng quan trọng cho sự hợp tác kinh tế Việt Nam – Trung Quốc trong thời gian tới.

Hợp tác kinh tế xanh cũng mở ra cơ hội cho hợp tác trong lĩnh vực công nghệ cao, bởi lẽ công nghệ cao là yếu tố quan trọng để xanh hóa sản xuất. Ngược lại, các ngành công nghệ cao cũng rất cần đảm bảo yếu tố “xanh” để có thể thuận lợi xuất khẩu sang những thị trường tiên tiến.

Các trao đổi trong khuôn khổ chuyến thăm của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình cũng khẳng định những lĩnh vực hứa hẹn sẽ tạo đột phá trong hợp tác kinh tế hai nước, bao gồm kinh tế xanh, năng lượng tái tạo cũng như công nghệ cao và cơ sở hạ tầng.

Thực tế, tiềm năng hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc là rất lớn, bởi những tương đồng về kinh tế, chính trị, văn hóa, vị trí địa lý. Bổ sung thêm yếu tố tiềm năng mới phù hợp với thời đại, quan hệ kinh tế Việt – Trung được kỳ vọng sẽ lên những tầm cao mới.

Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng không chỉ Việt Nam mà nhiều quốc gia khác trên thế giới như Ấn Độ, Bangladesh, Mexico, các nước ASEAN cũng đang có lợi thế để hấp thu dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc và xu thế dịch chuyển chuỗi cung ứng cũng như có các kế hoạch xanh hóa nhiều tham vọng.

Các dự án đầu tư có thể đến và đi khỏi một nền kinh tế bởi động lực mang tính thị trường là tìm đến nơi có tỷ suất lợi nhuận cao hơn. Có được lợi thế nhưng nếu Việt Nam không kiên trì, nỗ lực để duy trì và phát huy lợi thế, dòng vốn đầu tư xanh, công nghệ cao từ Trung Quốc hoàn toàn có thể chuyển sang những đối thủ cạnh tranh khác.