Du lịch đơn điệu, miền Tây mất sức hút với khách quốc tế
Phạm Sơn
Thứ bảy, 30/04/2022 - 10:27
Đồng bằng sông Cửu Long rộng lớn với 13 tỉnh thành, đa dạng về văn hóa, cảnh quan nhưng đối với nhiều du khách quốc tế, chỉ cần đi chợ nổi là “kết thúc hành trình khám phá miền Tây”.
Là một đồng bằng trẻ, chịu nhiều tác động từ biến đổi khí hậu, đồng bằng sông Cửu Long được định hướng phát triển tập trung vào các ngành công nghiệp, dịch vụ bền vững, ít phát thải, ít gây ảnh hưởng tới môi trường.
Trong đó, du lịch được đặt làm ngành trọng tâm tại khu vực này. Theo báo cáo của Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Đại học Fulbright, phát triển du lịch gắn với hình ảnh nông thôn, gắn với giá trị bản sắc văn hóa truyền thống sông nước miền Tây giúp vẹn toàn các mục tiêu, vừa phát triển kinh tế, tạo thêm sinh kế, vừa bảo tồn được văn hóa và tài nguyên, môi trường.
Tuy nhiên, nhiều năm nay, du lịch miền Tây vẫn rất mờ nhạt, chưa được phát triển tương xứng với tiềm năng của vùng. Theo phản ánh của một số doanh nghiệp cung cấp dịch vụ du lịch đồng bằng sông Cửu Long, du khách quốc tế đến miền Tây thường ít tỏ ra mặn mà và tỷ lệ quay trở lại khá thấp.
Một doanh nghiệp còn cho biết, du khách quốc tế của họ thường chỉ đi trong ngày đến chợ nổi ở Cần Thơ, Bến Tre hay Mỹ Tho là coi như đã kết thúc hành trình khám phá miền Tây, sau đó di chuyển sang Campuchia để tiếp tục chuyến du lịch.
Chất lượng dịch vụ chưa cao, điểm đến vẫn còn đơn điệu và các vấn đề về sinh thái, môi trường là các lý do được cộng đồng doanh nghiệp đưa ra. “Du khách chèo thuyền tới đâu là rác tới đó, dù dòng sông của chúng ta rất đẹp”, ông Nguyễn Hồng Hiếu, Giám đốc công ty Hieutour, nêu thực trạng khi cung cấp dịch vụ chèo thuyền trên sông.
Đồng quan điểm, bà Lê Đình Minh Thy, Giám đốc Vietravel tại Cần Thơ, cho biết, du lịch miền Tây đang “hụt hơi” so với các địa phương khác trên cả nước. Dù có tiềm năng về cảnh quan thiên nhiên và giá trị văn hóa, nhưng sản phẩm du lịch không có sự đầu tư bài bản, dẫn đến trùng lặp, đơn điệu và không tạo được sự hấp dẫn.
Tìm đường cho du lịch miền Tây
Theo Hiệp hội Du lịch đồng bằng sông Cửu Long, năm 2019 có khoảng 47 triệu lượt khách đến với vùng đất Chín Rồng. Đặt mục tiêu đưa lượng du khách lên 50 triệu vào năm 2020 nhưng ngành du lịch bị tàn phá nặng nề bởi Covid-19 nên đến năm 2021 vẫn chưa đạt được.
Hiện nay, với chiến lược “sống chung an toàn với Covid-19”, ngành du lịch đang được mở cửa trở lại, gỡ dần các biện pháp hạn chế. Kế hoạch thu hút 50 triệu lượt khách du lịch đến với miền Tây có thể đạt được trong ngắn hạn, tuy nhiên sẽ không đem lại quá nhiều giá trị nếu bộ mặt ngành du lịch khu vực này không có sự thay đổi.
TS. Trần Hữu Hiệp, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch đồng bằng sông Cửu Long, cho biết, miền Tây sở hữu 3 loại hình du lịch đặc trưng bao gồm du lịch xanh gắn với hệ sinh thái miệt vườn và cảnh quan sông nước; du lịch nông nghiệp, nghỉ dưỡng, văn hóa truyền thống, lịch sử; du lịch biển đảo chất lượng cao.
Đây đều là những loại hình du lịch có tiềm năng tạo ra sự khác biệt và rất hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước. Các tỉnh, thành miền Tây, tùy thuộc theo điều kiện tự nhiên, xã hội cũng được định hướng phát triển theo loại hình riêng, ví dụ như chợ nổi Cần Thơ, nghỉ dưỡng biển đảo ở Kiên Giang, du lịch nông nghiệp ở Bạc Liêu… Đây chính là nền tảng để tạo ra đa dạng sản phẩm du lịch, tránh đơn điệu, nhàm chán.
Bà Phạm Lê Thảo, Phó vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch, nhận định, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, tập trung phát triển dịch vụ du lịch có thế mạnh là chiến lược đặc biệt quan trọng để giữ chân du khách.
Mặt khác, trong bối cảnh mới, ngành du lịch cũng cần triển khai chiến lược thích ứng an toàn với Covid-19, đồng thời tổ chức kích cầu du lịch, khảo sát xây dựng sản phẩm du lịch, liên kết du lịch giữa các tỉnh, thành và giữa miền Tây với miền Đông Nam Bộ.
Chuyển đổi số cũng là giải pháp hữu hiệu cho du lịch miền Tây, theo đề xuất của ông Arindam Das, Trưởng ban phát triển kinh doanh, Google Travel khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Theo đó, doanh nghiệp cần ứng dụng các công nghệ số để tìm hiểu nhu cầu của khách, cung cấp thông tin cho khách và tăng cường sự hiện diện của du lịch đồng bằng sông Cửu Long trên các phương tiện truyền thông.
Hết phòng, đầy khách, tăng ngày khởi hành, tăng chuyến bay… những thông tin cho thấy lượng khách du lịch trong kỳ nghỉ lễ 30/4 – 1/5 tiếp tục tăng cao. Các tỉnh, thành, các doanh nghiệp du lịch cùng ra sức quảng bá những nét đặc sắc của du lịch từng địa phương, tung ra nhiều hoạt động vui chơi, giải trí, khám phá mới lạ với mong muốn thu hút du khách dịp này để lấy đà vào một mùa du lịch hè hứa hẹn thật bận rộn.
Được mệnh danh là Việt Nam thu nhỏ với cảnh quan thiên nhiên đa dạng và nhiều cơ sở hạ tầng hiện đại, Quảng Ninh đang nắm trong tay nhiều lợi thế lớn trong việc thu hút và quảng bá du lịch trong Đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 31.
Trong xu hướng phát triển du lịch của tỉnh Thừa Thiên Huế, Bộ trưởng Bộ Văn hoá thể thao và du lịch Nguyễn Văn Hùng cho rằng, tỉnh đang gặp phải sự mâu thuẫn lớn giữa bảo tồn và phát triển.
Sau một thời gian dài chịu tác động nặng nề của đại dịch, du lịch Quảng Ninh đang bật dậy mạnh mẽ, trên đà hồi phục và dự kiến sẽ hoàn thành mục tiêu hơn 10 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 1,5 triệu lượt khách quốc tế năm 2022.
Zalopay xác định phát triển theo hướng trở thành một nền tảng thanh toán toàn diện đã liên tục đưa ra các sản phẩm mới hướng tới trải nghiệm người dùng.
MSB công bố báo cáo tài chính quý III với tín dụng tăng 15,11% nhờ đa dạng hóa giải pháp, đặc biệt trên nền tảng số, và vốn điều lệ nâng lên 26.000 tỷ đồng.
Khoản vay nằm trong chương trình hướng tới các mục tiêu về phát triển bền vững, đã và đang trở thành lĩnh vực trọng tâm trong các cam kết của IFC tại Việt Nam.