Đưa Quảng Nam thành động lực phát triển của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung

Tùng Anh - 09:32, 01/08/2022

TheLEADERĐể Quảng Nam có thể trở thành động lực phát triển của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, nhiều điểm nghẽn cần được tháo gỡ, đặc biệt là về hạ tầng và kết nối vùng.

Đưa Quảng Nam thành động lực phát triển của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung
Quảng Nam có nhiều lợi thế để phát triển nhanh, bền vững

Quảng Nam là một địa phương có vị trí quan trọng và nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển nhanh, bền vững. Tỉnh này có cảng biển, cảng hàng không, đường biên giới và đường bờ biển dài, có 3 di sản văn hóa thế giới…

Thời gian qua, Quảng Nam đã khai thác khá tốt các tiềm năng, lợi thế trong phát triển kinh tế. Sáu tháng năm 2022, tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực. GRDP tăng 12,8% (cả nước tăng 6,42%), thuộc nhóm bốn tỉnh có mức tăng cao nhất cả nước và đứng thứ hai các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung. Các chỉ tiêu về công nghiệp và thương mại đều tăng trưởng cao trên hai con số, cao hơn mức tăng chung của cả nước đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế của tỉnh.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên trong buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam mới đây, vẫn còn nhiều điểm nghẽn hạn chế sự phát triển của tỉnh này.

Thứ nhất, động lực tăng trưởng còn hạn chế, nguồn thu ngân sách phụ thuộc vào một số lĩnh vực trong sản xuất công nghiệp quan trọng như ô tô, thủy điện... nên còn bấp bênh, khó lường.

Thứ hai, tỉnh có dung lượng thị trường khá lớn (dân số đứng thứ 18 cả nước) nhưng khai thác tiềm năng sức mua còn chưa tương xứng (tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 2021 đứng thứ 46 trên cả nước).

Quảng Nam vẫn chưa khai thác hiệu quả việc gắn tiêu thụ hàng hóa và xuất khẩu hàng hóa tại chỗ phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước trên địa bàn. Cơ cấu mặt hàng xuất khẩu của tỉnh đơn điệu ít sản phẩm có thương hiệu, chưa kết nối thông suốt từ khâu sản xuất đến tiêu thụ.

Thứ ba, sự gia tăng các hoạt động sản xuất công nghiệp và hoạt động du lịch là hai lĩnh vực thế mạnh của tỉnh song đang có một số tác động đến môi trường.

Thứ tư, hạ tầng đã được cải thiện những vẫn chưa thu hút đầu tư hiệu quả trong bối cảnh mới, bao gồm hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế, giao thông, logistics.

Thứ năm, chênh lệch phát triển rõ rệt giữa hai vùng phía Tây và Đông. Việc kết nối với các địa phương lân cận để có thể hình thành chuỗi giá trị sản xuất, đưa Quảng Nam trở thành khu kinh tế động lực trong vùng vẫn chưa hiệu quả.

“Quảng Nam chưa có quy hoạch đồng bộ; hạ tầng giao thông nhất là hạ tầng giao thông kết nối chưa được đầu tư tương xứng; thiếu nguồn lực đầu tư, nhất là thiếu cơ chế huy động vốn, đất đai; chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế; có tới 6/15 huyện là huyện miền núi khó khăn”, ông Diên nói và cho rằng đó là những điều khiến cho việc thu hút đầu tư còn khó khăn.

Đưa Quảng Nam thành động lực phát triển của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên

Về định hướng, giải pháp phát triển trong thời gian tới, người đứng đầu Bộ Công thương đề nghị Quảng Nam rà soát xây dựng các chiến lược, đề án, kế hoạch phát triển công nghiệp và thương mại; rà soát, đánh giá lại quy hoạch, tiến độ, hiệu quả đầu tư hạ tầng, tỷ lệ lấp đầy của các khu, cụm công nghiệp để đề xuất quy hoạch mới các khu, cụm công nghiệp phù hợp với thực tế tích hợp vào quy hoạch tỉnh.

Quá trình quy hoạch tỉnh cần nghiên cứu để đồng bộ với Quy hoạch tổng thể Quốc gia, Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung và Quy hoạch ngành quốc gia, kịp thời tích hợp trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Quảng Nam cần phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo là trung tâm với các ngành đang có lợi thế như: cơ khí, ô tô, công nghiệp hỗ trợ, máy nông nghiệp, hóa chất… và mạnh về kinh tế biển đưa tỉnh trở thành động lực phát triển của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Tỉnh cũng phải nghiên cứu xây dựng chương trình kết nối hiệu quả các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong tỉnh cũng như các tỉnh lân cận để hình thành chuỗi giá trị sản xuất, tạo nên hệ sinh thái công nghiệp cơ khí, ô tô, công nghiệp hỗ trợ… đầu tàu của cả nước, tạo lan tỏa sang các tỉnh trong khu vực. Tập trung tăng tỷ trọng nội địa trong các sản phẩm công nghiệp.

Vùng phía Tây cần được quan tâm để rút ngắn chênh lệch trong phát triển giữa hai vùng Đông – Tây, trong đó, đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến vùng phía Tây có lợi thế như nông, lâm sản, dược liệu gắn với vùng nguyên liệu để hình thành chuỗi giá trị sản phẩm khép kín nhằm tạo sản phẩm mới cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

Về thu hút đầu tư, ông Diên cho rằng, Quảng Nam cần chủ động tạo quỹ đất sạch, quy mô đủ lớn để thu hút các nhà đầu tư lớn phát triển theo chuỗi, khép kín, sản xuất sạch. Hỗ trợ các nhà đầu tư hoạt động kinh doanh có hiệu quả tiếp tục nghiên cứu, tái đầu tư và mở rộng đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Chú trọng thu hút đầu tư hạ tầng logistics, kho, bãi tạo thuận lợi để phát triển khu kinh tế cửa khẩu Nam Giang góp phần giải quyết nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa, đặc biệt là hàng nông sản, trái cây… có cơ chế chính sách đủ mạnh, hấp dẫn để thu hút đầu tư vào khu inh tế mở Chu Lai và khu kinh tế cửa khẩu Nam Giang nhằm khai thác tiềm năng và thế mạnh hành lang kinh tế Đông Tây.

Tháng 3/2022, Chính phủ đã giao tỉnh Quảng Nam phối hợp với các bộ, ngành xây dựng đề án thí điểm cơ chế khuyến khích hợp tác liên kết sản xuất theo cụm, ngành công nghiệp phụ trợ và công nghiệp cơ khí tại Khu kinh tế mở Chu Lai; đề án phát triển hình thành Trung tâm công nghiệp chế biến sâu các sản phẩm Silica.

Trong lĩnh vực thương mại, Quảng Nam cần xây dựng đề án phát triển thương mại hàng hóa gắn với du lịch; nghiên cứu quy hoạch các tuyến phố thúc đẩy phát triển kinh tế ban đêm. Tỉnh cần có kế hoạch xúc tiến thương mại phù hợp với nhu cầu và năng lực xúc tiến thương mại của doanh nghiệp địa phương, đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu sản phẩm, khai thác cơ hội các FTA để đẩy mạnh xuất khẩu, kích cầu tiêu dùng để khai thác tiềm năng sức mua của tỉnh.

Địa phương này cần đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực cao để cung cấp không những cho tỉnh mà còn cho vùng. Rà soát, điều chỉnh, quy hoạch lại hệ thống đào tạo và giáo dục nghề nghiệp, đào tạo cần kết hợp với thực hành, gắn với nhu cầu và mục tiêu phát triển.