EVFTA với ngành chăn nuôi: Cơ hội mới chỉ là tiềm năng

Phạm Sơn - 09:17, 25/09/2020

TheLEADERNgành chăn nuôi có thể là lĩnh vực nông nghiệp chịu nhiều thách thức nhất khi hiệp định tự do thương mại Việt Nam – EU (EVFTA) đi vào hiệu lực.

EVFTA với ngành chăn nuôi: Cơ hội mới chỉ là tiềm năng
Nhiều thách thức đặt ra là động lực để ngành chăn nuôi không ngừng kiện toàn năng lực.

Đánh giá về EVFTA, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định, đây là một hiệp định thương mại đặc biệt và mở ra những cơ hội rất lớn cho việc phát triển kinh tế Việt Nam.

Đặc biệt, quy định miễn thủ tục thanh tra đối với các cơ sở sản xuất đủ tiêu chuẩn theo chứng nhận của bên xuất khẩu cũng như tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc công nhận tương đương với các biện pháp kiểm dịch động thực vật (SPS) là một thuận lợi đáng lưu ý cho ngành nông nghiệp nói chung và chăn nuôi nói riêng.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Xuân Dương, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho rằng, những cơ hội, những tích cực mà EVFTA đem lại đối với ngành chăn nuôi chỉ đang dừng lại ở mức độ tiềm năng.

Ngược lại, áp lực cạnh tranh từ phía thị trường EU mới thực sự là vấn đề hiện hữu, cụ thể, tạo ra thách thức không hề nhỏ cho ngành này.

Theo ông Dương cho biết, các quốc gia EU có lợi thế rất lớn về sản xuất chăn nuôi, với diện tích chăn nuôi rộng, năng lực và trình độ sản xuất cao, sở hữu các giống vật nuôi tốt, công nghệ chuồng trại, giết mổ, chế biến và nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đều hơn hẳn so với Việt Nam.

Tuy nhiên, ngành chăn nuôi Việt Nam cũng có những điểm mạnh riêng, với năng suất sinh khối (đồng cỏ, cây trồng, dược liệu) phục vụ chăn nuôi cao, tiềm năng phát triển công nghệ vi sinh cùng nguồn lao động dồi dào, sáng tạo và có ý chí làm giàu.

Bên cạnh đó, nền ẩm thực phong phú, đa dạng với hàng nghìn món ăn sinh động cũng là điều đặc biệt của ngành chế biến sản phẩm chăn nuôi Việt Nam mà EU không có được.

Không ai bị bỏ rơi trên đường cao tốc EVFTA

Theo ông Dương, nhiều thách thức đặt ra không khiến ngành chăn nuôi rơi vào bi quan, mà là động lực lớn để thực hiện các biện pháp kiện toàn năng lực toàn diện.

Để tận dụng cơ hội, giải quyết khó khăn còn vướng mắc, ông Dương đề xuất các biện pháp sau.

Đầu tiên, hiểu thật sâu về EVFTA. Theo đó, các doanh nghiệp cũng như công chức, cán bộ trung ương cho tới từng địa phương cần phải hiểu những quy định trong hiệp định tự do thương mại này cũng như xác định rõ trách nhiệm của bản thân trong việc giúp ngành chăn nuôi tận dụng tối đa lợi thế mà hiệp định đem lại.

Lý giải về điều này, ông Dương dẫn lời Chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan: “đánh mà không hiểu thì thời cơ chưa chắc đã thành hiện thực”.

Đây cũng chính là một trong những lý do quan trọng khiến Cục Chăn nuôi nghiên cứu, soạn thảo và đệ trình chiến lược Phát triển chăn nuôi giai đoạn 2020 – 2030, tầm nhìn 2040, dự kiến sẽ được phê duyệt vào tuần sau.

Chiến lược là bước chuẩn bị về mặt pháp chế của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn nói chung cũng như Cục Chăn nuôi nói riêng, với nội dung vạch ra nhiều tồn tại, vướng mắc trong nội bộ ngành, vẽ sẵn các kịch bản cũng như phương hướng hoạt động, định hướng thị trường trong giai đoạn tới.

Thứ hai, liên kết các đơn vị chăn nuôi, bao gồm từ các nông hộ nhỏ lẻ cho tới doanh nghiệp thu mua, chế biến, xuất khẩu thành chuỗi cung ứng chăn nuôi.

“Phải liên kết, phải cùng hội cùng thuyền thì mới thành công. Doanh nghiệp nhỏ mà lại tách nhau ra thì lại càng yếu”, ông Dương nhấn mạnh.

EVFTA với ngành chăn nuôi: Cơ hội mới chỉ là tiềm năng
Thị trường trong nước vẫn rất tiềm năng và quan trọng đối với ngành chăn nuôi.

Việc liên kết thành chuỗi cung ứng được xem là xu thế tất yếu của tất cả các lĩnh vực kinh tế. Đối với ngành chăn nuôi, mô hình chuỗi cung ứng có thể cung cấp công cụ phòng ngừa rủi ro tối ưu thông qua việc nhanh chóng xác định điểm nghẽn để giải quyết, bên cạnh việc tạo động lực đẩy toàn ngành cùng đi lên, không ai bị bỏ lại phía sau dù là doanh nghiệp hay nông hộ nhỏ nhất.

Cuối cùng, ông Dương cũng cho rằng, tập trung vào thị trường xuất khẩu nhưng ngành chăn nuôi cũng không được bỏ quên những tiềm năng thị trường nội địa, với 100 triệu dân cư, chưa kể khách du lịch nước ngoài.

Cân bằng phát triển cả thị trường trong nước và quốc tế là yếu tố then chốt giúp ngành chăn nuôi thực hiện vẹn toàn sứ mệnh, bao gồm đảm bảo an ninh lương thực và ổn định sinh kế của hàng triệu nông dân.