Formosa Hà Tĩnh cân nhắc dừng kế hoạch xây lò cao số 3

Trần Anh - 14:13, 24/06/2019

TheLEADERCuộc chiến thương mại Mỹ - Trung có thể khiến thép giá rẻ của Trung Quốc tràn vào Việt Nam và kéo giá thép trên thị trường giảm mạnh.

Một bài viết trên trang Nikkei Asian Review hôm nay cho biết, dự án thép Formosa Hà Tĩnh (FHS) đang cân nhắc tạm dừng kế hoạch triển khai lò cao số 3 do những ảnh hưởng từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

Nhà sản xuất thép lớn nhất khu vực cho rằng Việt Nam có thể được hưởng lợi từ chiến tranh thương mại, nhưng riêng ngành công nghiệp sẽ chịu tác động nghiêm trọng. Với ngành thép, cuộc chiến thương mại có thể khiến thép giá rẻ Trung Quốc tràn vào Việt Nam và kéo giá thép giảm mạnh.

Hiện tại, Việt Nam nhập khẩu hơn 8 triệu tấn thép cán cuộn nóng mỗi năm, trong đó 40% là từ Trung Quốc. Nếu không còn thuế nhập khẩu đánh vào mặt hàng này, thép cán cuộn giá rẻ sẽ tiếp tục tràn vào Việt Nam.

Theo Nikkei Asian Review, Chủ tịch FHS, Chen Yuan-cheng cho biết sẽ “đánh giá cẩn thận kế hoạch phát triển dựa trên tình hình căng thẳng thương mại Mỹ - Trung” và quyết định thời điểm xây dựng lò cao vào thứ 3 vào cuối năm nay.

Dự án thép Formosa Hà Tĩnh được cấp giấy chứng nhận đầu tư vào tháng 6/2008 tại Khu Kinh tế Vũng Áng, nằm giữa tỉnh Hà Tĩnh. Dự án bắt đầu khởi công vào tháng 7/2008. Đây là một dự án có quy mô tầm cỡ thế giới, với vốn đầu tư năm 2017 lên đến 12,87 tỷ USD.

Trước khi những bất ổn giữa Mỹ và Trung Quốc diễn ra, FHS đã liên tục mở rộng sản xuất. Lò cao số 1 của dự án được hoạt động vào năm 2017 và lò cao số 2 hoạt động một năm sau đó. Trong giai đoạn 1, công suất nhà máy thép của Formosa Hà Tĩnh khoảng 7,1 triệu tấn và giai đoạn 2 có thể lên tới 22,5 triệu tấn. 

So với các doanh nghiệp thép lớn trong khu vực, Formosa Hà Tĩnh có vị trí địa lý đắc địa nhờ có cảng nước sâu Sơn Dương, có thể tiếp nhận tàu có trọng tải 300.000 DTW và cách mỏ quặng của Úc khoảng 3.000 dặm trong khi các doanh nghiệp thép khác trong khu vực cách hơn 4.000 dặm.

Hiện tại sản phẩm chủ lực của Formosa Hà Tĩnh là thép cuộn cán nóng (dùng để làm ống, tôn mạ, vật liệu dùng cho ô tô xe máy) và thép dây cuộn (dùng để sản xuất vật liệu rút dây, dây thép, lưới sắt, ốc vít, đinh…).

Năm 2018, Công ty này sản xuất hơn 5 triệu tấn thép thô; 3,44 triệu tấn thép cán nóng. Riêng sản lượng thép thô đã gấp đôi sản lượng của công ty thép lớn nhất Việt Nam là Hòa Phát.

Sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam thúc đẩy mạnh nhu cầu sử dụng thép những năm gần đây. Năm 2018, Việt Nam tiêu thụ trung bình 240kg thép/người, gấp 4 lần Indonesia, dẫn đầu khu vực Đông Nam Á, chủ yếu do nhu cầu xây dựng nhà ở gia tăng.

Bên cạnh đó, các dự án hạ tầng lớn như tàu điện trên cao hay sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô nội địa được dự báo sẽ thúc đẩy tiêu thụ thép. Tập đoàn Vingroup mới đây vừa bắt đầu mở bán ô tô sản xuất tại Việt Nam, dự kiến sản xuất 250.000 xe mỗi năm và sẽ sớm nâng công suất lên 500.000 xe mỗi năm

Công ty sản xuất thép lớn nhất trong nước là Hòa Phát cũng đang gấp rút hoàn thành và đưa vào vận hành giai đoạn 1 của dự án thép Dung Quất tại Quảng Ngãi. Theo kế hoạch của Hòa Phát, trong năm nay dự án sẽ đóng góp hơn 1 triệu tấn thép vào sản lượng của tập đoàn. Sau khi hoàn thành vào năm sau, toàn bộ dự án có công suất 4 triệu tấn thép.