Ghi danh hoạt hình Việt Nam lên bản đồ thế giới

Việt Hưng - 09:21, 27/08/2023

TheLEADERNgành hoạt hình ở Nhật Bản và Việt Nam thực chất có cùng xuất phát điểm nhưng Nhật Bản lại đang giữ vị trí thống lĩnh tại thị trường châu Á, chiếm khoảng 45% thị phần.

Ngành phim hoạt hình Việt Nam đến nay đã có lịch sử 64 năm, kể từ ngày thành lập Xưởng phim hoạt họa búp bê Việt Nam (nay là Hãng phim hoạt hình Việt Nam) thì ngày 9/11/1959 được coi là ngày thành lập của ngành hoạt hình nước nhà.

Từ bộ phim hoạt hình đầu tiên có tên "Đáng đời thằng cáo" ra đời tháng 6/1960, theo thống kê Việt Nam đã có khoảng 800 phim hoạt hình các loại, với quy mô sản xuất hiện tại là 17-18 phim/năm.

Mặc dù đã có bề dày lịch sử, nhưng so với ngành phim hoạt hình thế giới, dấu ấn mà người Việt để lại là chưa nhiều. Theo Yahoo Finance, thị trường phim hoạt hình toàn cầu có giá trị khoảng 391 tỷ USD năm 2022 và sẽ sớm đạt trên 580 tỷ USD vào năm 2030.

Trong đó, khu vực Bắc Mỹ hiện chiếm 35% thị phần toàn cầu và là thị trường dẫn dắt ngành phim hoạt hình. Tuy nhiên, vị thế của thị trường Bắc Mỹ được dự báo sẽ sớm bị thay thế bởi khu vực châu Á - Thái Bình Dương vào năm 2026, điển hình là các quốc gia như Nhật Bản và Hàn Quốc, theo hãng nghiên cứu Statista.

Có một thực tế là xã hội càng phát triển, nhu cầu xem phim hoạt hình càng tăng cao. Không chỉ nhóm đối tượng trẻ em là khán giả trung thành với phim hoạt hình mà một bộ phận người trưởng thành cũng đặc biệt yêu thích các nội dung này.

Tại các quốc gia như Nhật Bản hay Hàn Quốc, phim hoạt hình thậm chí là một ngành công nghiệp, được thúc đẩy bởi sự phổ biến của điện thoại thông minh và mạng lưới Internet ngày càng được mở rộng.

Điều đáng suy ngẫm ở đây là ngành hoạt hình ở Nhật Bản và Việt Nam thực chất có cùng xuất phát điểm, nhưng Nhật Bản lại đang giữ vị trí thống lĩnh tại thị trường châu Á, chiếm khoảng 45% thị phần, cũng theo Statista.

Ngược dòng lịch sử, 2 bộ hoạt hình đầu tiên được phát sóng trên truyền hình Nhật vào năm 1963, ra đời sau 3 năm bộ phim "Đáng đời thằng cáo" của Việt Nam công chiếu. Cuối những năm của thập niên 90 và đầu năm 2000, Nhật Bản mới chính thức chuyển từ hoạt hình vẽ tay sang kỹ thuật số, thì Việt Nam cũng có bộ phim "Cuộc phiêu lưu của chú ong vàng".

"Cách đây 20 năm, bộ phim 'Cuộc phiêu lưu của chú ong vàng' là phim hoạt hình công nghệ số đầu tiên phát trên truyền hình. Thời điểm ấy tôi nghĩ rằng chúng ta có nhiều điều kiện phát triển hơn nữa, vì nguồn nhân lực, cũng như niềm say mê là rất lớn", NSND - đạo diễn Phạm Minh Trí nói.

Ghi danh hoạt hình Việt Nam lên bản đồ thế giới
Đạo diễn - họa sĩ Trịnh Lâm Tùng - CEO Alpha Animation Studio

Nhưng say mê thôi là chưa đủ, ông Trí cho biết, để tiếp cận các công nghệ mới trong ngành hoạt hình, giai đoạn trước đây Việt Nam chủ yếu vẫn là gia công cho các đối tác nước ngoài, do đó chưa có một sản phẩm nào thực sự thuần Việt.

Băn khoăn của ông Trí cũng chính là những gì mà đạo diễn - họa sĩ Trịnh Lâm Tùng - CEO Alpha Animation Studio đang ấp ủ với dự án phim hoạt hình 3D có tên "Trạng Quỳnh thời nhí nhố".

"Từ khi còn là một cậu bé, tôi đã rất thích thú và tìm hiểu về những hình ảnh văn hóa dân gian, cuộc sống làng quê nơi mình sinh ra. Mong muốn của tôi thông qua bộ phim này là giới thiệu đến khán giả trong nước cũng như quốc tế về các nét đẹp văn hóa của người Việt Nam", ông Tùng chia sẻ.

Lấy cảm hứng từ nhân vật Trạng Quỳnh trong văn hóa dân gian Việt Nam, cùng với thiết kế hình ảnh 3D hiện đại và sống động, dự án được họa sĩ Trịnh Lâm Tùng sản xuất với quy mô dự kiến lên tới 450 tập phim.

Điểm đặc biệt của "Trạng Quỳnh thời nhí nhố" là Alpha Animation Studio sẽ cùng với Sconnect Việt Nam phát hành đa nền tảng: mạng xã hội, truyền hình, OTT/IPTV tại nhiều quốc gia, dự kiến phiên bản chiếu rạp cũng sẽ được nhà sản xuất ra mắt công chúng.

Sconnect được đánh giá là doanh nghiệp tiên phong trong ngành sáng tạo nội dung số, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất nội dung hoạt hình, khi đã làm chủ toàn bộ quy trình sản xuất và gặt hái được nhiều thành công với 13 IP hoạt hình nổi tiếng thế giới như: Wolfoo, Tiny Clay Mixer, Fairy Tales...

Ông Tạ Mạnh Hoàng - CEO Sconnect cho biết, doanh nghiệp sở hữu thế mạnh là hệ sinh thái trên các nền tảng giải trí nhanh, nên đây cũng là bước đầu để Sconnect chinh phục khán giả, sau đó nâng cao chất lượng phim để chinh phục những nền tảng truyền hình, xa hơn nữa là chinh phục nền tảng dành cho phim chiếu rạp.

"Song song với việc hoàn thiện chất lượng phim, chúng tôi cũng tiến hành hoạt động phát triển các hệ sinh thái sản phẩm bao quanh bộ IP của Trạng Quỳnh như: các sản phẩm thương mại nhượng quyền, các game dành riêng cho nhân vật trong bộ phim", ông Tạ Mạnh Hoàng nói thêm. 

Chia sẻ về chiến lược phát hành phim hoạt hình đa nền tảng, CEO Sconnect lấy ví dụ về mạng xã hội YouTube, khi đây là một trong những nền tảng tiếp cận rất nhanh với xu hướng, thị hiếu người xem, đồng thời mở rộng được tập khán giả trên toàn thế giới. 

Ghi danh hoạt hình Việt Nam lên bản đồ thế giới 1
Ông Tạ Mạnh Hoàng - Nhà sáng lập và CEO Sconnect

Tất nhiên, khi bước chân ra sân chơi lớn, thách thức đặt ra cho các doanh nghiệp Việt Nam cũng lớn dần, đơn cử như vấn đề về bản quyền, nhãn hiệu, thương hiệu.

Từ cuối năm 2021 đến nay, Sconnect vẫn đang trong chuỗi tranh chấp bản quyền giữa hai bộ phim hoạt hình Wolfoo của Việt Nam và Peppa Pig của Entertainment One, Vương quốc Anh trên nền tảng Youtube.

Dù lợi thế trong cuộc chiến pháp lý đang nghiêng về phía Sconnect tại Mỹ, Nga và Liên minh Châu Âu, nhưng doanh nghiệp Việt vẫn đang chịu thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế khi YouTube đã gỡ bỏ, xóa hơn 3.000 video phim hoạt hình Wolfoo khỏi nền tảng.

Ông Hoàng Đình Chung - Giám đốc Trung tâm Bản quyền số, Hội Truyền thông số Việt Nam bày tỏ: "Thách thức trên thế giới thì rất nhiều, cách đây khoảng 20 năm khi chúng ta bắt đầu xuất khẩu, bắt đầu gây sức ép tại các nước sở tại, chúng ta cũng phải đối mặt với nhiều vấn đề. Bây giờ chúng ta ra thế giới, thì thế giới cũng tạo ra những rào cản mà chúng ta cần vượt qua".

Ngoài yếu tố con người, công nghệ, ông Chung đặc biệt nhấn mạnh về yếu tố cơ sở pháp lý cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, để đảm bảo doanh nghiệp Việt Nam không bị cuốn vào những vấn đề "oan uổng".

Theo đại diện Hội Truyền thông số Việt Nam, sáng tạo nội dung số nói chung và ngành hoạt hình nói riêng đang đứng trước những cơ hội rất lớn, và doanh nghiệp cần xem đó là những cơ hội "thiên thời địa lợi nhân hòa".

"Chúng ta có đủ điều kiện tiếp cận các nền tảng số. Các cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Thông tin và truyền thông đã có những hoạt động khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam ra nước ngoài. Chúng ta lâu nay nhấn mạnh nhiều đến công nghệ số, thì sáng tạo nội dung số cũng là lĩnh vực chúng ta hoàn toàn có khả năng tạo dấu ấn với những lợi thế của mình", ông Hoàng Đình Chung nhấn mạnh.

Về phía doanh nghiệp, ông Tạ Mạnh Hoàng - CEO Sconnect cho rằng, để đưa được sản phẩm Việt Nam ra thế giới và có được sự đón nhận tích cực, thì doanh nghiệp cần một chiến lược rất dài hạn.

Bên cạnh yếu tố nội tại của mỗi doanh nghiệp, cần có sự hợp lực giữa các doanh nghiệp liên quan, từ đơn vị sản xuất, phát hành, những đơn vị có khả năng đầu tư tài chính, đến các đơn vị phân phối sản phẩm thương mại.

Trong sứ mệnh của mình, Sconnect đã đồng hành với Liên minh Sáng tạo nội dung số Việt Nam (DCCA), hợp tác chiến lược với các đơn vị như: CGV, Galaxy, và đã gặp gỡ tiếp xúc với Netflix để có thể tạo ra cơ hội cho phim hoạt hình Việt nhanh chóng tiếp cận với những nền tảng tiêu chuẩn chất lượng quốc tế.