Giảm mạnh thuế thu nhập đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ

Minh Anh - 08:16, 13/01/2018

TheLEADERTheo đề xuất của Bộ Tài chính, thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ được điều chỉnh còn 17% đối với doanh nghiệp nhỏ và 15% với doanh nghiệp siêu nhỏ.

Giảm mạnh thuế thu nhập đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ
Ảnh minh hoạ

Bộ Tài chính đang đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật thuế thu nhập doanh nghiệp nhằm mục tiêu hỗ trợ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa ổn định, phát triển sản xuất kinh doanh.

Trong đó, phương án bộ này đưa ra là doanh nghiệp nhỏ áp dụng thuế suất 17%, doanh nghiệp siêu nhỏ áp dụng thuế suất 15%. Tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa được hưởng thuế suất ưu đãi chỉ áp dụng đối với doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ như đang nêu tại Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (không áp dụng mức thuế suất 17% đối với doanh nghiệp vừa). 

Về vấn đề này, sau khi được Bộ Tài chính lấy ý kiến các cơ quan bộ ngành đã có nhiều quan điểm đề nghị áp dụng chung mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) là 17%, thay cho phương án 17% đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ và 15% đối với doanh nghiệp siêu nhỏ như dự thảo để dễ quản lý doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc áp dụng hai mức thuế khác nhau có thể dẫn đến ttrường hợp doanh nghiệp thành lập các công ty con để được hưởng chính sách ưu đãi.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, về thuế thu nhập doanh nghiệp đối với DNNVV: dự thảo Luật sử dụng tiêu chí lao động tham gia bảo hiểm xã hội và doanh thu để xác định các doanh nghiệp này. 

Tuy nhiên tại khoản 1 Điều 4 Luật hỗ trợ DNNVV quy định doanh nghiệp nhỏ và vừa có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 200 người và đáp ứng một trong hai tiêu chí hoặc tổng nguồn vốn không quá 100 tỷ đồng, hoặc doanh thu năm trước liền kề không qua quá 300 tỷ đồng.

Ngoài ra, Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa quy định ưu đãi miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp, tổ chức đầu tư, kinh doanh chuỗi phân phối sản phẩm có ít nhất 80% số doanh nghiệp tham gia cung ứng cho chuỗi sản phẩm sản xuất tại Việt Nam; doanh nghiệpchuyển đổi từ hộ kinh doanh; thu nhập từ khoản đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

Do đó, để đảm bảo tính thống nhất giữa các Luật, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung áp dụng tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa, bổ sung các đối tượng hưởng ưu đãi miễn, giảm thuế theo đúng quy định của Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Về những ý kiến nêu trên, Bộ Tài chính cho rằng, để đảm bảo mục tiêu tiếp tục thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh và đảm bảo phù hợp với nguyên tắc tại Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, đảm bảo phù hợp với khả năng hỗ trợ của Nhà nước trong từng thời kỳ thì việc nghiên cứu đề xuất mức thuế thu nhập doanh nghiệp phù hợp với doanh nghiệp nhỏ và vừa là cần thiết.

Về đề nghị áp dụng chung mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa là 17% có ưu điểm là đơn giản về quản lý thuế, dễ phân loại đối tượng. Tuy nhiên sẽ không bám sát đúng đối tượng cần hỗ trợ như phương án đề xuất tại dự thảo Luật. 

Do đó, để thực hiện mục tiêu mà Quốc hội và Chính phủ đã đặt ra là tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp siêu nhỏ, khuyến khích chuyển đổi hộ kinh doanh lên doanh nghiệp, phấn đấu đến năm 2020 xây dựng doanh nghiệp Việt Nam có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững, cả nước có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động thì việc đề xuất như dự thảo (doanh nghiệp siêu nhỏ được áp dụng thuế suất 15%; doanh nghiệp nhỏ và vừa (được áp dụng thuế suất 17%) là phù hợp thực tế, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay. Bộ Tài chính đề nghị giữ như dự thảo Luật.

Ngoài ra, để tránh các trường hợp doanh nghiệp thành lập các công ty con để được hưởng chính sách nêu trên, Bộ Tài chính cho biết, mức thuế suất 17% và 15% quy định tại khoản này không áp dụng đối với doanh nghiệp là các công ty có quan hệ liên kết mà một doanh nghiệp nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp từ 25% vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp kia trở lên.

Thực hiện theo đề xuất này sẽ khắc phục được nhược điểm là những công ty có quan hệ liên kết nắm giữ vốn từ 25% của doanh nghiệp khác là thuộc diện điều chỉnh, thay vì chỉ áp dụng loại trừ đối với mô hình công ty mẹ - công ty con như dự thảo.

Bên cạnh đó, về tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa quy định doanh nghiệp nhỏ và vừa bao gồm doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp vừa có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân của năm trước liền kề không quá 200 người và đáp ứng một trong hai tiêu chí: tổng nguồn vốn của năm trước liền kề không quá 100 tỷ đồng và doanh thu của năm trước liền kề không quá 300 tỷ đồng.

Do đó, dự thảo Luật này chỉ đề xuất giảm thuế áp dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa theo tiêu chí doanh thu và tiêu chí lao động (không sử dụng tiêu chí vốn) có ưu điểm là đúng bản chất kinh tế và không gây giảm thu quá lớn, Bộ Tài chính khẳng định.

Tại Việt Nam, doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam cũng chiếm tỷ lệ cao trong tổng số doanh nghiệp (khoảng từ 97-98%) và được xác định là “động lực tăng trưởng”, là “xương sống” của nền kinh tế.