Gỡ nút thắt cho 5 tỉnh Đông Nam bộ

Hứa Phương - 08:15, 13/04/2023

TheLEADERCác tỉnh Đông Nam Bộ mong muốn những mâu thuẫn, chồng chéo giữa Luật Đầu tư và Luật Đất đai hoặc việc xác định nghĩa vụ tài chính của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khi nhận chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án đầu tư sẽ được gỡ khó để các địa phương phát triển.

Tại buổi làm việc giữa Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng do Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì với lãnh đạo 5 tỉnh vùng Đông Nam bộ là Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Phước, Đồng Nai và Tây Ninh, các địa phương đã nêu lên những khó khăn đang kìm hãm sự phát triển.

Năm tỉnh Đông Nam Bộ muốn được gỡ khó để phát triển
Các tỉnh Đông Nam Bộ muốn được gỡ khó để phát triển

Cụ thể, ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, việc mâu thuẫn, chồng chéo giữa Luật Đầu tư và Luật Đất đai đang khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó trong công tác đấu thầu.

Ở Đồng Nai, tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp đạt hơn 80% và đất ở các vị trí đẹp đã hết nên việc thu hút đầu tư bị chững lại. Trước thực trạng đó, vừa qua Đồng Nai đã bổ sung được 6.500ha để phát triển công nghiệp và có các nhà đầu tư mong muốn hợp tác nhưng chưa được Chính phủ phê duyệt.

Các tuyến đường cao tốc đi qua địa bàn sắp đấu nối, cảng biển ngay gần, sân bay Quốc tế Long Thành đang xây dựng…đây là những điều kiện nổi trội của Đồng Nai nhưng khi doanh nghiệp hỏi đất ở đâu thì chưa có. Do đó, ông Dũng kiến nghị Bộ Kế hoạch và đầu tư, Chính phủ giúp cho Đồng Nai có đất công nghiệp để thu hút các nhà đầu tư.

Bà Trần Tuệ Hiền, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước nêu, địa phương đang có những bất cập về vấn đề đất đai, đặc biệt là đất công nghiệp.

Cụ thể, hiện trạng đất khu công nghiệp thực tế của Bình Phước trên 6.800ha, nhưng được phê duyệt lại chỉ khoảng 4.000ha. Trong khi đó tiềm năng phát triển công nghiệp của Bình Phước là rất lớn. BàHiền kiến nghị Chính phủ tháo gỡ khó khăn cho địa phương để phát huy hết tiềm năng.

Còn tỉnh Bình Dương đang gặp khó khăn, vướng mắc về việc xác định nghĩa vụ tài chính của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khi nhận chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án đầu tư. Ngoài ra, còn các vướng mắc liên quan quy định về cấp giấy phép phòng cháy, chữa cháy chưa được cải thiện làm ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh.

Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương trăn trở, hiện nay hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp gặp khó về thị trường nên thu hẹp quy mô sản xuất, giảm giờ làm nên ảnh hưởng đến thu nhập của hơn 200 nghìn lao động.

Bình Dương kiến nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và chính sách an sinh xã hội cho người lao động.

Sau khi nghe các ý kiến phát biểu của các bộ, ngành, địa phương, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho rằng cuộc họp hôm nay giúp các bộ, ngành và địa phương nhận diện rõ những khó khăn, bất cập từ cơ sở để từ đó có định hướng rõ ràng trong việc tháo gỡ trong thời gian tới.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị các địa phương rà soát lại những khó khăn, vướng mắc, gửi Bộ Kế hoạch và đầu tư chậm nhất trước cuối giờ chiều thứ 2 tuần tới.

Trong vòng 10 ngày, Bộ Kế hoạch và đầu tư phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổng hợp đầy đủ các vướng mắc của các địa phương, tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cho từng bộ, ngành trên nguyên tắc rõ về trách nhiệm, cụ thể về thời gian hoàn thành giải quyết hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền cách giải quyết từng khó khăn, vướng mắc, ưu tiên những vấn đề cấp bách.

Phó Thủ tướng lưu ý, trong các kiến nghị, đề xuất, cần chú trọng đẩy mạnh phân cấp, tránh tình trạng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phải ban hành những quyết sách hợp thức hóa các quyết định của địa phương.