Hà Nội 'khai tử' hàng loạt dự án

Nguyễn Cảnh - 10:56, 16/09/2022

TheLEADERUBND TP. Hà Nội thống nhất chấm dứt, dừng thực hiện một số dự án chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai và Luật Đầu tư trên địa bàn.

Hà Nội 'khai tử' hàng loạt dự án
Nhiều dự án quy mô hàng trăm do HUD nắm giữ nhiều năm qua (nhưng chậm triển khai) đã lọt danh sách thu hồi của TP. Hà Nội. Ảnh minh họa

Nội dung trên được lãnh đạo Hà Nội đưa ra trên cơ sở đề xuất của Sở Kế hoạch và đầu tư (nhằm thực hiện kế hoạch tăng cường kiểm tra, xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm quy định pháp luật từ tháng 10/2021).

Theo đó, các dự án nhận ‘án tử” lần này gồm: Tòa nhà hỗn hợp dành một phần để bán cho cán bộ chiến sỹ Văn phòng Interpol Việt Nam tại phường Mỹ Đình 2 (quận Nam Từ Liêm), khu đô thị sinh thái Đại Thịnh (tại các xã Mê Linh, Văn Khê và Đại Thịnh, huyện Mê Linh), khu đô thị Việt Á tại xã Thanh Lâm, huyện Mê Linh (quy mô khoảng 23ha, do Công ty CP Tập đoàn đầu tư thương mại công nghiệp Việt Á làm chủ đầu tư), khu đô thị BMC Thăng Long xã Đại Thịnh, Mê Linh (diện tích khoảng 41ha, chủ đầu tư Công ty Vật liệu xây dựng và lắp ráp thương mại), khu nhà ở cao cấp Phương Viên, khu đô thị Quang Minh Bắc và khu đô thị Quang Minh Nam tại huyện Thường Tín.

Bên cạnh đó, ghi nhận 2 trường hợp không thuộc diện Sở Kế hoạch và đầu tư chủ trì, kiểm tra theo kế hoạch của UBND thành phố (gồm khu đô thị mới Mê Linh – Đại Thịnh và khu đô thị mới Thanh Lâm – Đại Thịnh 1 (đều thuộc huyện Mê Linh với phạm vi nghiên cứu khoảng 202,5ha). Phó chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn giao Sở Kế hoạch và đầu tư nghiên cứu, đánh giá xem xét việc báo cáo Thành ủy, đồng thời làm việc với HUD – Bộ Xây dựng để có văn bản thống nhất dừng thực hiện dự án theo quy định.

Được biết, 2 dự án Mê Linh – Đại Thịnh và Thanh Lâm – Đại Thịnh 1 đều do HUD làm chủ đầu tư, và đã xuất hiện trong danh mục 59 dự án chậm giải phóng mặt bằng được TP. Hà Nội lên kế hoạch tiếp tục theo dõi, giám sát từ gần 1 năm nay.

Tính tổng cộng, HUD được tạm giao gần 1,9 triệu m2 theo các quyết định liên quan (vào các năm 2005 và 2008). Khoảng 12 năm sau (khi Hà Nội vào cuộc tăng cường xử lý các dự án chậm triển khai), 2 dự án của HUD vẫn đang trong trạng thái chưa giải phóng mặt bằng cũng như chưa đầu tư xây dựng công trình.

HUD cũng sở hữu một dự án khác thuộc diện chậm giải phóng mặt bằng (dù đã có quyết định giao đất, cho thuê đất từ năm 2004) là khu đô thị mới Việt Hưng (tại quận Long Biên)

Đáng chú ý, là dự án khu nhà vườn, chung cư phục vụ người có thu nhập thấp tại thị trấn Quang Minh (huyện Mê Linh) nằm trong danh mục thống kê bàn giao của ngành xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc cho TP. Hà Nội, nhưng đến nay không có thông tin, tài liệu liên quan pháp nhân chủ đầu tư, hồ sơ đất đai, nhà đầu tư cũng không liên hệ giải quyết thủ tục dự án… Về trường hợp này, Sở Kế hoạch và đầu tư sẽ đăng thông tin liên hệ, làm việc với nhà đầu tư, báo cáo Thành phố xem xét, chỉ đạo việc chấm dứt dự án.

Khu nhà ở cao cấp Phương Viên có diện tích gần 31ha (nhưng chưa có quyết định giao đất), do Công ty CP Thương mại và Dịch vụ du lịch Phương Viên làm chủ đầu tư. Theo kết quả thanh tra thời điểm năm 2021, dự án chưa hoàn thiện xong thủ tục điều chỉnh quy hoạch do có vướng mắc và Sở Quy hoạch và kiến trúc Hà Nội đã xin ý kiến Bộ Xây dựng.

Tháng 3/2021, Đoàn giám sát của Thường trực HĐND TP Hà Nội đã tái giám sát việc thực hiện kết luận giám sát của HĐND TP Hà Nội về tình hình quản lý các dự án sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn huyện Mê Linh.

Địa phương cho biết, huyện Mê Linh có 60 dự án vốn ngoài ngân sách sử dụng đất chậm triển khai; trong đó có 47 dự án đô thị và 13 dự án khác được giao đất, cho thuê đất, sử dụng đất chậm triển khai, với tổng diện tích khoảng 2.140 ha.

Trong tổng số 47 dự án đô thị có 11 trường hợp không phải điều chỉnh quy hoạch được tiếp tục triển khai ngay; 32 dự án phải thực hiện điều chỉnh quy hoạch; 2 dự án mới phê duyệt nhiệm vụ, chưa được phê duyệt quy hoạch chi tiết; 1 dự án nằm trong quy hoạch mặt nước, chủ đầu tư đã dừng triển khai dự án.

Dù đã được giao đất thực hiện, nhưng mới có 20 dự án hoàn thành nghĩa vụ tài chính nộp tiền sử dụng đất vào ngân sách nhà nước với tổng số khoảng 1.256 tỷ đồng; 26 dự án cơ quan thuế chưa có quản lý thu. Tất cả 60 dự án đều đã hết hạn đầu tư và phải thực hiện điều chỉnh chủ trương, giấy chứng nhận đầu tư.

Theo đánh giá của lãnh đạo UBND TP Hà Nội, các dự án chậm triển khai ở Mê Linh 13 năm nay cũng là vấn đề do hợp nhất Mê Linh về Hà Nội, nhiều doanh nghiệp cũng có sự thiệt thòi. Vì vậy cần tháo gỡ hai bên.