HAGL bị thu hồi 742 ha đất trồng cao su tại Campuchia

Trần Anh - 15:00, 28/03/2019

TheLEADERReuters đưa tin, HAGL đồng ý trả lại phần đất chưa biến thành đồn điền hoặc chưa giải tỏa được giao tại Campuchia cho cộng đồng bản địa.

HAGL bị thu hồi 742 ha đất trồng cao su tại Campuchia
Công nhân HAGL khai thác cao su.

Một bài viết trên Reuters cho biết, ngày 26/3, tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) phải trả lại 742 ha đất được giao làm trang trại cao su cho cộng đồng bản địa tại tỉnh Ratanakiri, Campuchia

Quyết định này khiến quỹ đất của HAGL giảm đi nhưng sẽ không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của tập đoàn vì mảng trồng và khai thác cây cao su hiện chưa đóng góp nhiều vào kết quả kinh doanh của tập đoàn.

Từ những năm 2000, Campuchia đã trao những dải đất rộng lớn cho các công ty nước ngoài để khai khoáng, lập nhà máy điện và nông trại với mục đích thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và xóa đói giảm nghèo. Tuy vậy việc cấp đất đang dần bị xiết chặt lại trong những năm gần đây.

Cùng với tập đoàn Cau su Việt Nam, tập đoàn HAGL cũng được Campuchia giao hàng chục nghìn ha đất để trồng cây cao su và sau này là các cây công nghiệp và cây ăn trái khác.

Trong một báo cáo thường niên năm 2009, HAGL cho biết, tập đoàn này được Chính phủ Campuchia cấp 12.000 ha để trồng cây cao su. Đến năm 2016, diện tích trồng cao su tăng lên trên 23.000 ha, ngoài ra tập đoàn còn mở rộng thêm hơn 22.000 ha khác trồng cây cọ dầu.

Theo Reuters, từ năm 2014, người dân địa phương đã đệ đơn khiếu nại lên Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) thuộc Ngân hàng Thế giới. Được biết, IFC đã đầu tư vào một quỹ cung cấp tài chính cho các liên doanh của Hoàng Anh Gia Lai.

Trong tiến trình giải quyết tranh chấp, HAGL đồng ý dừng việc giải phóng mặt bằng thêm đối với các phần đất chưa giải tỏa, Reuters viết.

Ngoài Campuchia, HAGL còn trồng cao su tại Lào và Việt Nam với tổng diện tích cao nhất từng được công bố là 51.000 ha. Tuy nhiên do giá cao su thấp, HAGL đã giảm dần diện tích cây cao su, đến cuối năm 2017 còn khoảng 47.000 ha. Đồng thời, HAGL chuyển đổi và mở rộng sang trồng các cây cọ dầu, ngô, mía đường và gần đây là cây ăn trái.

Giá cao su thấp khiến mảng nông nghiệp của HAGL (HAGL Agrico) gặp khó trong nhiều năm qua. Chiến lược chuyển đổi sang lĩnh vực chăn nuôi bò sữa và bò thịt cũng không đạt kết quả mong đợi.

Cuối năm 2018, Trường Hải (Thaco), một trong những tập đoàn lớn nhất Việt Nam đã quyết định hợp tác với HAGL trong việc tái cấu trúc hai mảng kinh doanh nông nghiệp và bất động sản của tập đoàn này với một kế hoạch tài chính lên đến 1 tỷ USD.

Trong một sự kiện gần đây, ông Đoàn Nguyên Đức cho biết Thaco đã ứng vốn hơn 10 nghìn tỷ đồng cho công ty nông nghiệp của HAGL. Số tiền được sử dụng để mở rộng diện tích trồng cây ăn trái và cơ cấu lại khoản nợ. Thaco mới đây cũng khởi công xây dựng khu công nghiệp nông - lâm nghiệp để chế biến trái cây xuất khẩu.

Trong mảng bất động sản, công ty Đại Quang Minh của Thaco sẽ đầu tư nắm giữ cổ phần chi phối tại HAGL Myanmar để tiếp tục phát triển giai đoạn 2 của dự án tại Myanmar.