Hàn Quốc muốn gia nhập CPTPP

Phạm Sơn - 08:37, 17/04/2022

TheLEADERQuốc gia Đông Á mong muốn tham gia vào Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) nhằm thúc đẩy xuất khẩu khi kinh tế trong và ngoài nước phát sinh nhiều rủi ro.

Quyết định này của Hàn Quốc được thông qua trong cuộc họp giữa các bộ trưởng về kinh tế. Dự kiến, đơn chính thức xin gia nhập sẽ được nộp trước ngày 9/5 tới đây, sau khi chính phủ Hàn Quốc hoàn tất các thủ tục và báo cáo với quốc hội.

Bộ trưởng Bộ Thương mại Hàn Quốc Yeo Han-koo cho biết, quyết định này mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng, giúp Hàn Quốc chuẩn bị ứng phó với bối cảnh toàn cầu đang nhanh chóng thay đổi. Mặt khác, điều này cũng đem lại sự ổn định cho chuỗi cung ứng châu Á – Thái Bình Dương.

CPTPP được ký kết vào tháng 12/2018 với 11 thành viên. Tiền thân của hiệp định này là hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), do Mỹ đóng vai trò đàm phán trung tâm. Tuy nhiên, Mỹ bất ngờ rút khỏi TPP năm 2017. Theo Viện Nghiên cứu kinh tế quốc tế Peterson, các nước thành viên CPTPP chiếm 13% GDP và 15% giá trị thương mại toàn cầu.

7 trong số 11 nước thành viên CPTPP, bao gồm cả Việt Nam, cũng là thành viên của Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). RCEP là hiệp định tự do thương mại đầu tiên có sự tham gia của cả 3 ông lớn Đông Á là Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc.

Quy mô lớn hơn gấp đôi về quy mô GDP nhưng hiệp định RCEP không được đánh giá cao bằng CPTPP do không phải là một hiệp định tự do thương mại thế hệ mới, không bao gồm các điều khoản hỗ trợ doanh nghiệp nhà nước hay về môi trường và lao động.

Cùng với Hàn Quốc, một số thành viên khác của RCEP là Trung Quốc và Thái Lan đã bày tỏ mong muốn gia nhập CPTPP. Một số quốc gia ở khu vực khác là Anh và Ecuador cũng bày tỏ sự quan tâm tới hiệp định này, trong đó Vương quốc Anh đang tiến hành quá trình đàm phán.

Hiện tại, việc gia nhập CPTPP của Hàn Quốc vấp phải nhiều tranh cãi trong nước. Mặc dù có thể giúp tăng khoảng 0,33 – 0,35% GDP, theo ước tính của Viện Chính sách kinh tế Hàn Quốc nhưng nhiều nông dân và ngư dân e ngại các sản phẩm của họ sẽ chịu thiệt hại do cạnh tranh gay gắt.

Hàn Quốc là một đối tác kinh tế và thương mại quan trọng của Việt Nam, xếp hàng đầu về cung cấp vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Doanh nghiệp FDI lớn nhất tại Việt Nam là Samsung, nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc.

Qua 2 năm Covid-19 tàn phá nặng nề nền kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc cho biết vẫn sẽ tiếp tục đầu tư và hợp tác với Việt Nam. Mới đây nhất, tại hội nghị xúc tiến đầu tư ở Hải Phòng, cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc nêu kế hoạch đầu tư khoảng 2 – 4 tỷ USD vào thành phố này trong năm 2022.