Hành trình 'biến mục nát thành thần kỳ' ở doanh nghiệp

Hường Hoàng - 08:46, 29/05/2023

TheLEADERTừ những ngày đầu thành lập Học viện đào tạo doanh nhân MVV, ông Nguyễn Thanh Sơn đã luôn chia sẻ với nhân viên: “Sứ mệnh của MVV là “biến mục nát thành thần kỳ” - biến những tri thức rải rác khắp nơi, và đôi khi, bị coi nhẹ, thành vàng ròng cho doanh nghiệp”.

Hành trình 'biến mục nát thành thần kỳ' ở doanh nghiệp
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Học viện đào tạo doanh nhân MVV

Sứ mệnh này đến từ quá trình đội ngũ MVV tiếp xúc và làm việc với các chuyên gia, các doanh nghiệp trên khắp Việt Nam và nhận ra rằng, nhiều doanh nghiệp vẫn còn chưa chú ý đến hoạt động khai thác, hệ thống và quản trị tri thức nội bộ; cũng như chưa chia sẻ hoặc thương mại hóa trí thức trong xã hội.

Trong khi đó, quá trình xây dựng và đào tạo doanh nhân đồng thời cũng là quá trình MVV khai thác tri thức từ nhiều nguồn khác nhau: tri thức xã hội, tri thức từ các đối tác và thậm chí từ quá trình tư vấn và đào tạo chính khách hàng của MVV.

Với nguồn tri thức khổng lồ từ những hoạt động của mình, MVV đã và đang tập trung vào quản trị tri thức, biến tri thức thành nguồn năng lượng, xây dựng các sản phẩm tri thức để phục vụ cho nền kinh tế của tương lai - kinh tế tri thức.

Dưới đây là những chia sẻ của ông Sơn với TheLEADER về hành trình đầy khao khát đó.

Ông có thể giải thích rõ hơn về sứ mệnh quản trị và truyền tải tri thức của MVV Academy?

Một trong những trăn trở lớn của tôi khi hoạt động tư vấn cho các doanh nghiệp, và sau này cũng trở thành tôn chỉ hoạt động của MVV Academy, đó chính là sự lãng phí khủng khiếp tại các doanh nghiệp Việt.

Cách đây 4 năm, khi MVV xây dựng chương trình đào tạo iCEO dành cho lãnh đạo các doanh nghiệp trẻ, một trong mười môn học bắt buộc chương trình đó là môn học về quản trị tri thức.

Nhiều doanh nghiệp có bao nhiêu tri thức, kinh nghiệm quý báu, nhưng cứ để nằm rải rác,  trong đầu của các nhân viên, quản lý kỳ cựu của công ty không được hệ thống lại.

Nghĩa là khi những nhân viên này rời đi, thì khối lượng tri thức đó cũng rời khỏi doanh nghiệp, để thất thoát mất. Ngược lại, cũng có những doanh nghiệp nhạy bén, tận dụng được chính sự thất thoát của các doanh nghiệp này để làm giàu kho tri thức của mình.

Nhiều doanh nghiệp có bao nhiêu tri thức, kinh nghiệm quý báu, nhưng cứ để nằm rải rác, trong đầu của các nhân viên, quản lý kỳ cựu của công ty không được hệ thống lại.
Ông Nguyển Thanh Sơn
Giám đốc Học viện đào tạo doanh nhân MVV

Không nói đâu xa, khi làm việc với một hãng bay tại Việt Nam, tôi đã được “bật mí” cách tuyển dụng nhân tài của họ. Là một hãng bay mới được thành lập lúc đó, họ gặp vấn đề về nhân lực trình độ cao, và đào tạo cho nhân lực mới. Vậy là khi có những cán bộ kỹ thuật, sửa máy bay của một hãng bay lâu đời khác, đối thủ lớn nhất của họ, nghỉ hưu, họ liền chiêu mộ những người này về công ty của mình.

Đối với những nhân sự kỳ cựu này, họ trả lương gấp đôi so với vị trí trước kia, rồi sắp xếp để đội ngũ đó huấn luyện, giảng dạy cho các kỹ sư trẻ của hãng. Từ đó, kỹ thuật của hãng bay này phát triển lên rất nhanh, bài bản, mà các kiến thức của đội ngũ nhân sự kỳ cựu kia cũng được hệ thống hóa một cách cẩn thận. Trong khi đó thì hãng bay lớn kia lại gặp vấn đề về chảy máu chất xám, dù có lợi thế về thời gian phát triển hơn.

Do đó, nói “biến mục nát thành thần kỳ”, thì thực chất mục tiêu của MVV Academy là biến những tri thức rải rác, đôi khi bị coi nhẹ mà thất thoát, trở thành những hệ thống hoàn chỉnh. Điều này tưởng chừng là khó, nhưng nếu biết bắt đầu ở đâu, như thế nào, thì quá trình vận dụng sẽ đơn giản hơn.

Giống như lần trước tôi có dịp nói chuyện với một lãnh đạo cao cấp tại Việt Nam, thì anh ấy có đùa là, tri thức đỉnh cao, tri thức lõi thực ra lại thường miễn phí. Mỗi lần nói chuyện với những nhân sự quản lý đầu ngành, những người làm chính sách như anh ấy chẳng hạn, thì là mỗi lần tiếp nhận được rất nhiều tri thức rồi, mà những cuộc đối thoại đấy đôi khi lại chẳng mất quá nhiều thời gian hay công sức từ mình cả.

Vấn đề là làm thế nào để hệ thống hóa tri thức, và quan trọng hơn là sử dụng tri thức để thu hút tri thức, làm thế nào để có cơ hội được tiếp xúc, nói chuyện với những cá nhân sở hữu tri thức bậc cao kia? Đó là vị trí mà MVV Academy muốn thực hiện cho các doanh nghiệp Việt.

MVV giúp các doanh nghiệp quản trị tài sản tri thức bằng cách nào?

Để hoàn thành sứ mệnh đó, MVV Academy có chiến lược dùng chính những sản phẩm tri thức để tạo ra giá trị từ các chuyên gia, khách hàng và nguồn tri thức bên ngoài, lấy chính việc tạo ra tri thức mới làm thước đo cho việc quản trị tri thức để làm giàu vốn kinh nghiệm, kiến thức cho nhiều ngành hàng khác nhau để có thể phục vụ doanh nghiệp theo cách tốt nhất.

Về công nghệ, chúng tôi hệ thống hóa và quản trị tri thức thông qua hệ thống quản trị riêng có tên là Evermind và sử dụng nó trong việc lưu trữ, xếp loại dữ liệu, cũng như áp dụng hệ thống đào tạo MOOC MVV Everlearn như bước đầu tiên cho việc thương mại hóa tri thức. Ngoài ra, chúng tôi cũng vẫn thực hiện các hoạt động tư vấn cho các doanh nghiệp, tổ chức tại Việt Nam, để đưa tri thức được lan tỏa, lưu thông trong thực tiễn.

Như một công ty kinh doanh tri thức, tại MVV Academy, chúng tôi áp dụng 4 trụ cột cơ bản, đó là: xây dựng tri thức, xây dựng sản phẩm tri thức, phân phối tri thức và quản lý tri thức.

Để phục vụ các doanh nghiệp hiệu quả, tôn chỉ của chúng tôi là lấy khách hàng làm trung tâm. Chúng tôi liên tục nghiên cứu xem thị trường cần gì, và chúng tôi có thể khai thác những tri thức này từ đâu. Giống như mô hình của các công ty tư vấn lớn trên thế giới, chúng tôi cũng đa dạng hóa tri thức theo các nhóm ngành, nhóm doanh nghiệp, đồng thời phát triển cả theo chiều rộng, xem có thể học hỏi từ ai, nghiên cứu ở đâu và trao đổi những tri thức trong nội bộ với nhau như thế nào.

Học viện doanh nhân MVV: Hành trình 'biến mục nát thành thần kỳ'
Năm 2020, UNDP lựa chọn nền tảng học tập Everlearn của Việt Nam để cung cấp chương trình đào tạo hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển kinh doanh hậu Covid (Ảnh: MVV Academy)

Chúng tôi thường xuyên tổ chức các buổi thảo luận nhóm về những đề tài của các nhóm ngành từ các khách hàng của mình, hoặc những đề tài mới, kiến thức mới để phát triển, xây dựng tri thức.

Từ những tri thức đó, chúng tôi tạo ra các sản phẩm được “đo ni đóng giày” với từng khách hàng cụ thể, nghĩa là biến những lượng thông tin khổng lồ từ nhiều nguồn khác nhau, trở thành những công cụ hữu ích dành riêng cho mỗi khách hàng, để họ có thể tiêu hóa, sử dụng được những kiến thức này một cách hữu ích nhất.

Tri thức đỉnh cao, tri thức lõi thực ra lại thường miễn phí. Mỗi lần nói chuyện với những nhân sự quản lý đầu ngành, những người làm chính sách là mỗi lần tiếp nhận được rất nhiều tri thức, mà những cuộc đối thoại đấy đôi khi lại chẳng mất quá nhiều thời gian hay công sức.

Bước thứ ba, MVV Academy sẽ phân phối những sản phẩm tri thức này, thương mại hóa nó. Chúng tôi cũng chia nhỏ các kênh phân phối của mình, như trực tiếp tư vấn với lãnh đạo hay là với nhân viên một ngành dọc, hoặc thông qua hoạt động đào tạo, giảng dạy, kèm cặp chuyên sâu. Chúng tôi cũng tạo ra các hoạt động phân phối từ máy tới người, như đào tạo trực tuyến, tư vấn trực tuyến… để khách hàng có thể chủ động và có nhiều lựa chọn nhất.

Bước thứ tư, chúng tôi quản trị các sản phẩm đó, trước, trong và sau khi được sử dụng. Như đã đề cập, một hệ thống tốt cần có cách để đo lường tác động của nó trong môi trường đặc thù. Việc này giúp chúng tôi biết được các sản phẩm của mình đã được sử dụng như thế nào, phù hợp nhất hay chưa, và ngay cả khi có vấn đề xảy ra cũng kịp thời giải quyết.

Chính nền tảng tri thức này, sau đó cũng sẽ được kiểm kê đánh giá, trở thành nguồn tri thức giàu mạnh hơn trong kho tàng tri thức của MVV Academy, từ đó phục vụ ngược lại doanh nghiệp một cách hiệu quả hơn.

Xin chân thành cảm ơn anh!