Hành trình tìm về chính mình của Đặng Hoàng Giang

Quỳnh Chi - 09:53, 06/05/2022

TheLEADERMỗi sự thay đổi lớn trong cuộc đời TS. Đặng Hoàng Giang như một lần ông nhảy xuống ao nước lạnh và bơi mà không biết được có gì chờ đón ở bờ bên kia, chỉ biết rằng, nếu không đón nhận sự bất an và dấn thân để tìm về chính mình, ông sẽ khó có được sự hạnh phúc như hôm nay.

Hành trình tìm về chính mình của Đặng Hoàng Giang
TS. Đặng Hoàng Giang. Ảnh lấy từ Facebook nhân vật

Là một người viết sách, với TS. Đặng Hoàng Giang, sách là cửa sổ mở ra cho con người tiếp cận một thế giới, cuộc sống khác. Nếu không có sách, cuộc sống sẽ vô cùng nghèo nàn về mặt kiến thức.

Bên cạnh sở thích đọc tiểu thuyết và sách phi hư cấu, ông chủ yếu dành thời gian để đọc/nghe các đầu sách phục vụ cho dự án viết lách sắp triển khai, thường là mấy chục cuốn trong vòng nửa năm.

Nhắc đến Đặng Hoàng Giang, người ta sẽ nghĩ ngay đến những quyển “best-seller” (bán chạy nhất) trên văn đàn Việt Nam như Đại dương đen; Thiện, ác và smartphone; Điểm đến của cuộc đời; Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ; đặc biệt là cuốn sách đầu tay “Bức xúc không làm ta vô can” với 2 năm thực hiện như một cuốn bản lề trong quá trình phát triển cá nhân. 

Cuốn sách đầu tay đó đã dẫn ông đến với cái tôi hiện tại là một người viết sách và nhà hoạt động xã hội, từ một người làm trong ngành tin học và hoạt động phi chính phủ.

“Hai năm đấy khá quan trọng vì nó mở ra con đường mới với chính bản thân tôi, cho tôi thấy tôi có thể viết ra một điều gì đó trở thành điều suy ngẫm cho người khác, khiến họ suy nghĩ nhiều hơn hoặc nghĩ khác về thế giới quanh mình”, ông Giang nói trong chương trình “Đi tìm lẽ sống: Tìm về chính mình” do Mạng tri thức số Metaminds và đại học Fulbright Việt Nam đồng tổ chức.

TS. Đặng Hoàng Giang và hành trình tìm về chính mình
TS. Đặng Hoàng Giang, tác giả sách "Bức xúc không làm ta vô can"

Cuốn sách đầu tay được xuất bản cũng là lúc ông Giang bước vào tuổi 50, một độ tuổi không hề sớm trong việc thay đổi cuộc đời và tiếp cận được bản thể hiện nay của ông.

Hơn nữa, mọi sự thay đổi trong cuộc sống đều đi kèm những nỗi bất an, hoang mang và sợ hãi vì không biết tương lai ra sao. Đặc biệt, khi bản thể cũ đang ở trong cuộc sống yên ổn, đầy đủ, được xã hội đánh giá cao, sự thay đổi càng khó khăn hơn nhiều. Nỗi lo lắng về sự thất bại khiến ông suy nghĩ nhiều hơn.

“Bắt đầu cuộc sống mới có đúng hay không thì tôi nghĩ trong khoảnh khắc thay đổi tôi không biết, như kiểu rơi xuống ao nước lạnh và bơi, vì đó là nhu cầu cá nhân, nếu không làm sẽ khổ sở. Cũng như đi vào con đường viết lách có đúng không thì vào lúc đó tôi không biết được, chính vì vậy nên mới bất an, sợ hãi và đầy hoang mang”, ông Giang chia sẻ.

Dù sự thay đổi đó không suôn mượt nhưng với ông, việc dừng lại cuộc sống cũ và bước sang một cuộc sống mới bất an hơn là một trong những quyết định đúng nhất của ông.

“Có nhiều người hạnh phúc và vui vẻ khi làm trong lĩnh vực công nghệ thông tin luôn đi đầu với những cái mới nhưng tôi thì không. Tôi băn khoăn hỏi tại sao. Mình đã tập trung, nhìn sâu và toàn tâm toàn ý nhưng vẫn còn thiếu cái gì đó. Không phải là mình không cố gắng đủ mà là mình có nhu cầu khác, mình cần lắng nghe nhu cầu đó của chính mình”, ông Giang nói.

Mình đã tập trung, nhìn sâu và toàn tâm toàn ý nhưng vẫn còn thiếu cái gì đó. Không phải là mình không cố gắng đủ mà là mình có nhu cầu khác, mình cần lắng nghe nhu cầu đó của chính mình.
TS. Đặng Hoàng Giang

Những thành quả đã đạt được trong bảy năm qua đã chứng minh con đường ông chọn phù hợp với sự phát triển cá nhân của ông, giúp ông thoả mãn nhu cầu của chính mình.

Tiếp xúc với các bệnh nhân ung thư cận tử, trầm cảm, người có tuổi thơ dữ dội... trong các dự án sách cũng như dự án vì xã hội, ông cảm thấy may mắn và biết ơn vì được đưa vào trong thế giới của họ, được tin tưởng, kết nối và lắng nghe chia sẻ. 

Hành trình khám phá sâu sắc này chẳng phải nhờ vào hỗ trợ tiền bạc, vật chất mà đơn giản chỉ vì sự kết nối giữa hai con người. Điều đó cho ông cảm giác hài lòng, tốt đẹp nhất.

Ông thấy nhân vật thú vị nếu họ có đủ dũng cảm và tinh tế để nhìn vào cuộc sống và chiêm nghiệm, tự vấn về cuộc sống của họ. Các câu chuyện đó khiến ông thấy cuộc sống phong phú, như được ăn một món ngon, dù đó chỉ là câu chuyện của một cậu bé 18 tuổi hay một cô gái bị ung thư.

Nếu như trước đây, thứ mà ông Giang cho rằng có ý nghĩa nhất trong cuộc sống là tri thức thì giờ đây, khi bước vào cuộc sống mới, đó là sự kết nối, tương tác ngắn hoặc dài với các cá nhân khác, không nhất thiết phải người giỏi giang hay nổi tiếng mà chỉ cần là những nhân vật bình thường như người lái xe ôm, bác hàng xóm hay một bạn trẻ có cùng mối quan tâm.

Ông thích nhìn vào tất cả những gì phức tạp nhất, mặt sáng lẫn mặt tối trong bản thể của nhân vật. Ông đặc biệt quan tâm đến cách các nhân vật vật lộn với số phận, họ có thể thất bại nhưng họ luôn nỗ lực hết mình cho một cuộc sống đáng sống và đầy ý nghĩa.

Mỗi sáng thức dậy, ông đưa mình qua các tầng suy nghĩ khác nhau. Từ tầng cụ thể nhất là các đầu việc cần giải quyết trong ngày cho đến tầng cao hơn chưa đựng ý nghĩa của các công việc ông làm, điều gì là quan trọng nhất. Việc di chuyển suy nghĩ liên tục ở hai tầng khiến cho ông không bị sa vào các tiểu tiết vụn vặt trong cuộc sống nhưng cũng không quá bay bổng trong các tầng triết học xa rời cuộc sống.

Ông chia sẻ, thực ra không phải lúc nào ông cũng hạnh phúc và vui vẻ với cuộc sống mới vì đâu đó trên hành trình, ông vẫn gặp phải những khoảnh khắc quá tải, vật lộn và bế tắc, đôi khi chỉ là khai thác một nhân vật cho đến sự bế tắc của cả một cuốn sách dù đã đi được nửa đường. Có những khi ông cũng định bỏ cuộc sau những lần vật lộn về mặt tâm trí. Ông bế tắc vì không biết rồi nó sẽ đi đến đâu.

Thế nhưng như một lần nữa rơi xuống ao nước lạnh và tiếp tục bơi, ông biết rằng nếu cuộc sống như một bản chỉ dẫn thì chẳng khác nào một cỗ máy đã được lập trình sẵn, thật nhàm chán và kinh khủng.

Như việc ông triển khai hai dự án xã hội là “Đường dây nóng ngày mai” và “Vườn xả”, nơi chữa lành cho những tâm hồn đang lạc lối, dù cố gắng để giải quyết các vấn đề liên quan đến tuyển người, tài chính, kiến thức… nhưng đôi khi, ông cũng không biết dự án sẽ đi được đến đâu. Ông chấp nhận sự bất an này và quyết định bước vào vì ông biết rằng dự án sẽ đóng góp được cho xã hội. 

Nhiều khi viết sách, ông cũng phải tự tạo deadline cho chính bản thân mình, chẳng hạn, sau 18 tháng ra được cuốn sách thì 10 tháng đầu ông thu thập tư liệu và 8 tháng kế tiếp dành để viết sách. Nếu bị trễ deadline, ông sẽ cân nhắc các yếu tố và đặt ra deadline mới. Điều quan trọng là đánh giá được sự cố gắng của bản thân liệu đã đủ hay chưa, không sỉ vả bản thân vì trễ deadline bởi đó là một việc làm rất tệ với chính bản thân mình.