Hoạ sỹ Nguyễn Trung: Đi tìm cái đẹp trong nỗi tuyệt vọng của chính mình

Yến Nhi - 15:05, 10/02/2019

TheLEADERBước vào xưởng vẽ của hoạ sỹ Nguyễn Trung vào một chiều mưa tầm tã, bỗng thấy cả xưởng vẽ rực ấm bởi một gam đỏ nồng nàn của những bức trừu tượng sơn vẫn còn ướt. Có thể thấy một thời kỳ mới đang manh nha, đang phấp phỏng tượng hình.

Hoạ sỹ Nguyễn Trung: Đi tìm cái đẹp trong nỗi tuyệt vọng của chính mình
Xưởng vẽ của hoạ sỹ Nguyễn Trung

Như cái màu rực đỏ nhuốm sắc vàng của lá phong trong khu rừng phía sau nhà họa sĩ Đinh Cường tại Virginia, khi lần đầu tiên anh đặt chân đến Mỹ, đã bước vào tranh của anh, để mở ra một trang khác của ánh sáng.

Dường như anh đang bước sang Thời kỳ Đỏ với thứ ánh sáng rực rỡ hơn, chói chang hơn, mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Những mắc kẹt sâu thẳm được hóa giải bằng những nét cọ phóng túng, những rung động vô hình về kiếp người, về thân phận, về những người đàn bà anh yêu quý, về thiên nhiên kỳ bí, về cả những lối nhỏ hàng ngày anh đi qua… được hồi sinh trong một vẻ đẹp khác, rực rỡ và sâu thẳm, như những đóa hoa mãn khai.

Bức tranh mới nhất của anh “Điệu múa của chim lửa” lấy hứng từ bản giao hưởng “The Firebird” của Stravinsky. Nếu dõi theo quá trình hình thành bức tranh, có thể thấy nó khác xa với những phác họban đầu, năng lượng tràn trề, bùng nổ, đầy hoan lạc.

Tôi bất giác nhớ lại câu chuyện cổ tích Nga ngày xưa về chàng hoàng tử đi săn, bắt gặp một con chim lạ với những chiếc lông rực rỡ như những đốm lửa… Con chim lửa với vũ điệu tuyệt vời đã làm cho một vương quốc chết được hồi sinh. Con chim lửa cũng là biểu tượng của sự mạnh mẽ, độc lập, kiêu hãnh và rực rỡ. Đó phải chăng là Nguyễn Trung, ông hoàng mãi trẻ trung trong thế giới của mình, tìm kiếm khôn nguôi những ánh lửa, để thắp lên vẻ đẹp của sự hồi sinh trong cả những tận cùng, tăm tối nhất.

Ở giai đoạn sung sức nhất với tranh trừu tượng, anh lại gặp CUC Gallery, vì sao anh quyết định ký hợp đồng độc quyền với Cúc Galerry?

Hoạ sỹ Nguyễn Trung: Tôi đâu có chọn, người ta chọn mình đấy chứ. Cũng do Lương Xuân Đoàn mối lái. Lương Xuân Đoàn vô đây nói sắp có một doanh nhân tới mua tranh của anh. Thấy có hợp đồng là khỏe rồi, không phải lo nghĩ gì về chuyên buôn bán tranh nữa, chỉ có việc vẽ thôi.

Nói chung, có vốn là làm được. CUC Gallery làm việc rất chuyên nghiệp, bỏ tiền ra thuê mấy người chuyên nghiệp ở nước ngoài làm cố vấn cho họ. Họ biết chọn người có tiếng nói mạnh mẽ ở nước ngoài, kể cả giám đốc bảo tàng ở Singapore.

Gallery ký hợp đồng với họa sĩ là quá xưa rồi, chỉ có Việt Nam là mới thôi. Bây giờ tranh trừu tượng mình vẽ ra là gallery lấy hết, nhưng ngược lại mình lại chẳng muốn có hợp đồng gì hết, thích vẽ tà tà vậy thôi. Hay ở chỗ vẽ cái tranh, người khác tới muốn “hét” bao nhiêu thì “hét”, giờ có giá của gallery rồi, mình đâu có vượt qua họ được.

Ở lứa tuổi 70, vẽ những bức tranh trừu tượng khổ lớn như thế có là thách thức với anh? Nó đòi hỏi sức nghĩ, sức khỏe như thế nào?

Hoạ sỹ Nguyễn Trung: Đòi hỏi sức khỏe thôi. Hồi trước anh cũng vẽ tranh lớn, nhưng điều kiện của họa sĩ Việt Nam kể cả nghĩa đen, nghĩa bóng đều chật hẹp quá. Nếu có không gian triển lãm lớn mình vẽ cho sướng tay, còn mình không gian chật hẹp quá, vẽ tranh lớn bán không được.

Thoát khỏi nỗi lo cơm áo hàng ngày, anh có … vui không?

Hoạ sỹ Nguyễn Trung: Gallery là người bỏ tiền ra để mua tranh của mình, nên phải theo đúng yêu cầu của họ. Họa sĩ độc lập lâu lâu buồn buồn có khách tới mình “hét” lên một cái cũng có cái thú vị của đời sống độc lập.

Với CUC Gallery, anh còn làm cả điêu khắc nữa? Anh muốn đưa ra một cái nhìn mới về nghệ thuật?

Hoạ sỹ Nguyễn Trung: Đi tìm cái đẹp trong nỗi tuyệt vọng của chính mình
Tranh của hoạ sỹ Nguyễn Trung

Hoạ sỹ Nguyễn Trung: Mình cứ làm tùy hứng thôi. Điêu khắc và tranh cũng giống nhau. Người ta thường không nói rõ ràng về nghệ thuật, thực ra nghệ thuật là một khoa học để giải phóng cái nhìn của người thưởng thức. Ví dụ như một bình bông, mình đưa ra một hình thức nào đó mà người ta thấy vui, thấy ngộ, như một hình thức mới của bình bông là nghệ thuật rồi.

“Làm cho quần chúng được tự do là mục đích của nghệ thuật, vì thế, đối với tôi, nó là khoa học của tự do”, tôi rất thích câu nói này của giáo sư người Đức Joeph Beuys “To make people free is the aim pf art, there- fore art for me is the science fo freedom”.

Với một con người, giữ được sự tự do có khó không?

Hoạ sỹ Nguyễn Trung: Do hoàn cảnh, dễ bị ràng buộc lắm, nhưng một ngày nào đó mình tìm cách tẩu thoát thôi. Giống như ngày xưa học vẽ, nếu giữ đúng kỷ luật nghề nghiệp thì mình là thằng giữ đúng nhất. Nhưng tới một ngày nào đó thì vứt đi hết. Cũng nhờ vậy mình có thể sáng tạo, để có sự tự do của riêng mình. Càng tự do chừng nào càng sáng tạo, vì con người không thể nào vứt hết mọi ràng buộc vốn có. Nhiều khi bất chợt mình tự hỏi tại sao một hành động cứ phải lặp tới lặp lui mà không thay đổi được, thế thì cũng giống như mình mất tự do

Hồi đó tôi ở tù bên Cambodia, mỗi ngày họ kêu dậy điểm danh, mình nghe tiếng còi là phải dậy, nhưng thường thường tôi để một lúc sau mới ngồi dậy, giống như muốn sử dụng sự tự do của mình thêm chút nữa.

Vậy là cuộc đời anh cũng nhiều lần tìm cách… tẩu thoát lắm phải không?

Hoạ sỹ Nguyễn Trung: Cũng có những nô lệ êm đềm thì tội gì tìm cách tẩu thoát. Ví dụ mỗi ngày mình ăn cơm chẳng hạn, nếu có bữa cơm ngon thì dại gì phải đi ăn ngoài.

Anh có khoái cảm rất mạnh về ẩm thực?

Hoạ sỹ Nguyễn Trung: Ngon là ngon theo ý mình. Nhiều người nói tôi ăn mặn quá, ăn nhiều mỡ quá, nhưng đó là khoái cảm của mình. Có lúc thích húp cả một ngụm nước mắm ngon như mắm cái chẳng hạn.

Tôi thích vào bếp nấu cho bạn bè ăn.

Món nào bạn bè anh thích nhất?

Hoạ sỹ Nguyễn Trung: Hồi xưa thời còn Hội Họa sĩ Trẻ, các bạn rất mê món cua rang muối của tôi, hoặc bò bít tết, cà ri bò, cà ri cá… Để nấu được cà ri ngon, phải mua bột cà ri ở đúng chỗ. Mỗi một chợ đều có một hàng bán bột cà ri rất ngon, do hồi xưa được truyền từ người Ấn Độ, như ở chợ Bến Thành, chợ Đa Kao. Hồi xưa má tôi có một cô học trò người Ấn Độ, lâu lâu bà hay kêu tới nấu cho nồi cà ri ăn. Cách làm của cô ấy đã thấm vào tôi lúc nào không biết, vì trong bột cà ri nhiều vị lắm, thêm bớt thế nào, chiên xào ra sao, thêm ớt, hành, tỏi thế nào là tùy khẩu vị của mỗi người nữa. Cà ri ăn đại trà là không ngon. Thường thường họa sĩ, nhà văn là những người thích ăn ngon…

Làm thế nào để chạm vào cái vô thức của riêng mình khi vẽ, như một người đang thiền định?

Hoạ sỹ Nguyễn Trung: Đi tìm cái đẹp trong nỗi tuyệt vọng của chính mình 1
Tranh của hoạ sỹ Nguyễn Trung

Hoạ sỹ Nguyễn Trung: Là một phương pháp làm việc để đừng căng thẳng quá, đừng bắt ép mình thôi. Cứ làm việc thoải mái, lắng nghe bên trong của mình thì bàn tay chỉ là một phương tiện lao động phải tuân theo mệnh lệnh rất trừu tượng, không rõ ràng gì hết. Đôi khi nó rất mơ hồ. Chỉ khi nào thể hiện xong cái tranh mới biết nó là cái gì.

Đôi khi mình cố gắng thể hiện cái gì thật rõ ràng, sáng sủa, dứt khoát, đúng theo ý tưởng của mình. Những ý định đó thường khi thất bại. Khi mà mình diễn tả cái gì lên khung bố, nó không còn hoàn toàn theo được như ý mình. Vì thế mà mình cứ làm việc hoài, làm việc không biết tới bao giờ mới được đúng như cái mình cảm nhận lên tranh. Và tôi nghĩ nghệ thuật cũng vậy, không có gì là hoàn chỉnh, như con người. Nghệ sĩ lúc nào cũng phải cố gắng càng đi gần tới cái đẹp chừng nào hay chừng ấy.

Cách nào để cho đầu óc của mình được nghỉ ngơi?

Hoạ sỹ Nguyễn Trung: Làm việc thật tự do, không chuẩn bị cho công việc một cách đàng hoàng, đúng phương pháp, cứ vụng về, nguều ngào như trẻ con vọc cát ngoài bãi biển, chẳng có ý đồ gì hết. Chỉ có cách đó mới lượm nhặt được những vô thức của mình, vô tình mà nó ra thôi.

Có khi ngay lúc đó mình thấy không hài lòng, thấy tức cười sao đó, nhưng vài hôm sau lại thấy có thể để lại được. Nhiều khi mình phá bỏ rất nhiều. Làm việc rất nhanh, khi xong rồi cũng phá bỏ rất nhanh, không thương tiếc. Giống như đôi khi trong cơn say vậy đó, làm xong lại hủy hoại nó liền.

Khi làm biếng vẽ thì anh làm gì?

Hoạ sỹ Nguyễn Trung: Do sức khỏe thôi, đôi khi sáng dậy sớm cảm thấy muốn làm cái gì đó, nhưng có bữa chẳng muốn làm gì. Nhiều khi cũng làm biếng cả đi chơi, không muốn dộng đậy tay chân, cả đầu óc cũng chẳng muốn động đậy nữa.

Hồi trẻ đi học tôi ở trọ cùng phòng với một người bạn, có buổi sáng anh ấy ngồi yên, hai ngón tay để ở lỗ mũi, giống như bức tượng của Rodin, chẳng hề nhúc nhích. Nhiều khi mình muốn hỏi, nhưng có lẽ anh ấy cũng chẳng trả lời, đó là sự lười biếng không cắt nghĩa được.

Nói chung, đừng nên siêng năng quá. Làm việc hùng hục, nhưng khi thấy không hiệu quả thì nghỉ liền, đừng cố gắng quá. Cố là làm hỏng con người mình. Thậm chí có lúc tôi nằm yên, không nhúc nhích. Nằm im để lấy lại năng lượng đã mất. Tôi tưởng tượng mai mốt mình có nhà, có cây cối vườn tược, mình sẽ ra ngoài sân nằm im… Ngủ thiu thiu… trời ơi “đã” ơi là “đã”…

Ở giai đoạn này, con đường anh đang đi thế nào?

Hoạ sỹ Nguyễn Trung: Hoàn toàn tự do, làm những điều mình thích mà không cần nghĩ tới những luật lệ, nguyên tắc nào trong nghệ thuật hết. Tự do thả lỏng con người mình, không để cho nó lệ thuộc vô bất cứ cái gì.

Ví dụ như khi làm việc, thường một người thợ giỏi có những dụng cụ tốt, vừa tầm tay. Trong nghệ thuật, thấy có cái gì dùng cái nấy, không bắt buộc cái bút này phải nhọn, cái nước sơn này phải tốt…Cả về chất liệu, về dụng cụ, đều có gì làm nấy, thật là tự do. Vì thế mình thích làm việc tự do chứ không thích bị ràng buộc bởi bất cứ hợp đồng nào nữa.

Mình không muốn bị ràng buộc bởi bất cứ thứ gì trên đời…

Từ thời kỳ Nâu Hổ Phách, Xanh cẩm thạch đến thời kỳ Trắng, Bảng Đen, Xám Trắng Đen, là chuỗi hành trình khơi gợi quá khứ và giải thoát tinh thần mình qua hội họa của riêng anh?

Hoạ sỹ Nguyễn Trung: Thời kỳ Xám Trắng Đen là thời kỳ kéo dài sự tích lũy trong óc tưởng tượng lúc đi dạo chơi trong thành phố. Thành phố này giống như một kỷ niệm, ghi dấu hết lịch sử bên trong của nó, những bức tường vô nghĩa, nhưng đối với tôi, nó ghi dấu tất cả lịch sử, kể cả khi người ta muốn sơn phết lên những màu sắc khác, thì bên trong nó vẫn lưu giữ những ký ức. Kể cả khi người ta sống trong những ngôi nhà đã sơn phết, đã được sửa chữa mới, thì con người vẫn hiện diện trong kiến trúc xưa cũ chẳng hề mất đi

Cái đầu mình hay suy nghĩ về những cái đó. Lịch sử không thể mất đi được.

Dạo chơi trong thành phố liên quan đến thói quen hàng ngày của anh?

Hoạ sỹ Nguyễn Trung: Đó là cuộc sống hàng ngày của tôi, kể cả những khu phố cũ mình chưa từng qua, nó chứa đựng cuộc sống đầy ắp trong đó, như một hoài cảm nào đó trong ký ức. Khi vẽ, minh tưởng tượng ra những cuộc sống sôi động đã từng có trong những khu phố như vậy

Sài Gòn ghi dấu ấn thế nào trong nỗi hoài cảm của anh?

Hoạ sỹ Nguyễn Trung: Dĩ nhiên đó là những kỷ niệm quá sâu sắc. Là cuộc sống rất hồn nhiên, không dính líu gì đến chính trị. Một Sài Gòn có ý nghĩa tượng trưng hơn là một cái gì cụ thể.

Hoạ sỹ Nguyễn Trung: Đi tìm cái đẹp trong nỗi tuyệt vọng của chính mình 2
Những phút giây chìm đắm trong nghệ thuật của họa sĩ Nguyễn Trung

Quan sát đời sống đô thị, so sánh với những đất nước mà anh đã đi qua, nó có tàn phá điều gì đẹp đẽ của con người?

Hoạ sỹ Nguyễn Trung: Những lần tới chỗ này chỗ kia, thấy lạ, có những kích thích nào đó nhưng không có ấn tượng nào sâu sắc. Kể cả những đô thị nổi tiếng đã từng biết qua sách vở, nhưng khi gặp mình thấy không phải là nơi mình muốn ở lâu dài, cũng không muốn tồn tại ở chỗ đó, không tạo sự hào hứng để vẽ tranh. Kể cả vẽ một phong cảnh nho nhỏ để chơi cũng không thích, không gây cho mình ấn tượng gì sâu sắc hết

Nếu có ấn tượng sâu sắc thì không phải là một thành phố có tên tuổi, mà là hiện tượng có tính địa lý. Ví dụ như lần qua Pháp, hình ảnh của tuyết là ấn tượng mạnh nhất gợi hứng cho mình rất nhiều. Những con quạ đen đậu trên tuyết đi kiếm ăn trong mấy cái cây chỉ còn nhánh không, đen xì giữa nền tuyết trắng gợi cho mình những gì không ăn nhập gì với điều đó. Tuyết gợi sự thê lương nào đó, nhớ lại áng văn của Lỗ Tấn, từ thông cảm xích lại gần với nhau, gây cho mình ấn tượng mạnh mẽ, tạo nguồn hứng mới.

Tuyết là cái gì trừu tượng hóa cái phong cảnh của thiên nhiên, thành phố, cây cối, làm mờ hết chi tiết đi, làm cho phong cảnh trở nên đơn giản, im lặng, không còn lao xao nữa. Tự nhiên im bặt, không còn tiếng động nữa, thấy thiên nhiên bỗng trở nên vĩ đại, lớn lao, gợi cho mình cảm hứng về cái không. Không có gì hết. Đó là thời kỳ mình có cảm hứng về tranh trừu tượng. Không chỉ riêng về tuyết, chính màu trắng cũng tao nên một số ý tưởng về tranh trừu tượng, ví dụ những ngày để tang má tôi chẳng hạn. Màu khăn tang gợi cho mình về suy tưởng trắng, im lặng hoàn toàn, thanh khiết

Nên thời kỳ tôi vẽ tranh Trắng, và cho tới giờ vẫn còn vẽ, là hai nguồn hứng khởi gặp nhau về thiên nhiên, về tuyết, về tang. Tang này không có gì buồn thảm, là hình ảnh gợi hứng cho mình thôi, không phải là tang tóc. Mình thấy làm cho mình hứng thú cái gì đó về màu trắng.

Trong chuyến đi Mỹ, anh đã đến phòng tranh Cy Twombly vốn vừa mới khai mạc ở Houston và liền chìm trong cảm giác đồng điệu?

Hoạ sỹ Nguyễn Trung: Nhìn ngắm tranh Cy Twonbly, mình cảm thấy đã đời rồi, giống như con nít vẽ trong một tâm hồn hiền triết, mà lại hồn nhiên, ngu ngơ như là nhà thơ Bùi Giáng của mình vậy. (Cười… ngu ngơ)

Con đường Cy Twombly là con đường để ngỏ. Ai có tâm hồn gần như ông có thể mượn con đường đó để phát triển khả năng của mình.

Làm thế nào anh có thể tạo ra luồng ánh sáng dịu dàng, thanh khiết, trong suốt của riêng mình?

Hoạ sỹ Nguyễn Trung: Kể cả họa sĩ cũng không thể cắt nghĩa được, ánh sáng là con người mình. Chỉ là mình thích thì làm thế thôi, khi đã cắt nghĩa được thì mất hay rồi.

Họa sĩ nào cũng vậy, ánh sáng là điều họa sĩ nào cũng cần có một bí quyết để tạo nên sự sinh động của từng bức tranh. Khi quan sát thiên nhiên, làm sao tạo ánh sáng chói chang, rực rỡ như thế. Để ý trong đó có cái bẫy. Nếu trong cái tranh chỉ toàn ánh sáng thì chỉ là ánh sáng nhờ nhờ. Phải đặt bẫy nó.

Từ Xám Trắng Đen đi đến giai đoạn này, dường như anh đang bước vào một Thời kỳ Đỏ rực rỡ hơn, chói chang hơn, mạnh mẽ hơn…?

Hoạ sỹ Nguyễn Trung: Chẳng biết nó là giai đoạn gì, vì nó chưa kết thúc, vẫn đang diễn biến mà. Tự diễn biến một cách rất… hòa bình…

Tôi nghĩ nghệ sĩ không nên tự mãn, quá hài lòng với chính mình. Lúc nào cũng phải đặt cho mình câu hỏi liệu cái đó có đúng là nghệ thuật hay không?

Chắc chắn mình còn sự thiếu sót nào đó, thiếu sót là muôn đời…

Nghệ sĩ là người đi tìm cái đẹp trong nỗi tuyệt vọng của chính mình.

Click vào đây để xem toàn bộ Đặc San Dấu ấn & Khát vọng