Hoạt động phi tín dụng kéo giảm lợi nhuận của ngân hàng Bưu Điện Liên Việt

Trần Anh - 10:04, 24/07/2018

TheLEADERCác hoạt động kinh doanh dịch vụ, mua bán chứng khoán và hoạt động khác liên tục báo lỗ đã kéo giảm lợi nhuận hoạt động cốt lõi của ngân hàng Bưu Điện Liên Việt trong nhiều năm qua.

Nhiều ngân hàng đã công bố báo cáo kinh doanh nửa đầu năm 2018 với kết quả tăng trưởng vượt trội. Tín dụng tăng trưởng chậm lại gần đây khiến lợi nhuận hoạt động cốt lõi của các ngân hàng không còn bùng nổ. Nhưng lợi nhuận từ các hoạt động khác và từ thu hồi nợ xấu giúp nhiều ngân hàng đạt tổng lợi nhuận cao, phá vỡ các kỷ lục lợi nhuận cũ.

Mặc dù vậy, vẫn có những ngân hàng cá biệt như Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank – LPP). Ngân hàng này báo cáo trong nửa đầu năm thu nhập lãi thuần giảm 10% còn hoạt động mua bán chứng khoán lỗ khoảng 50 tỷ, hoạt động khác ghi nhận lỗ 169 tỷ đồng.

Riêng trong quý II vừa qua, thua lỗ do đầu tư chứng khoán 107 tỷ đồng đã góp phần làm giảm lợi nhuận của ngân hàng đến 64% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong công văn tới Uỷ Ban Chứng khoán Nhà nước để giải trình, LienVietPost Bank cho biết, ngân hàng phải trích lập dự phòng đầu tư chứng khoán do tác động từ diễn biến xấu trên thị trường chứng khoán. Đồng thời, việc mở rộng mạng lưới khiến chi phí hoạt động của ngân hàng tăng cao.

Đây không phải là lần đầu tiên lợi nhuận hoạt động kinh doanh cốt lõi (huy động tiền gửi và cho vay) phải gánh thêm những khoản lỗ từ các hoạt động khác của ngân hàng. Báo cáo các năm qua cho thấy, LienVietPost Bank thường xuyên ghi nhận những khoản lỗ hàng trăm tỷ đồng từ các hoạt động phi tín dụng.

Trong hoạt động của ngân hàng, ngoài thu nhập từ lãi còn 4 mảng khác ghi nhận lãi lỗ là hoạt động dịch vụ; hoạt động kinh doanh vàng và ngoại hối; hoạt động đầu tư chúng khoán và các hoạt động khác.

Tại ngân hàng Bưu Điện Liên Việt, trong giai đoạn từ 2012 đến 2015, tổng lỗ trong hoạt động dịch vụ là 902 tỷ đồng. Số liệu cho thấy mỗi năm ngân hàng chi hàng trăm tỷ để duy trì hoạt động của mảng dịch vụ nhưng thu nhập là không đáng kể.

Theo các công ty phân tích, nguyên nhân nhiều khả năng là do LienVietPost Bank phải trả hoa hồng cho các nhân viên bưu điện có vai trò thu thập các khoản tiền gửi.

Mặt khác, chiến lược phát triển phòng giao dịch dựa trên hệ thống bưu điện trên toàn quốc, từ thành phố cho tới cấp huyện, thị trấn, thị xã cũng mang đến gánh nặng chi phí lớn cho ngân hàng. Phải tới 2 năm gần đây, mảng dịch vụ của ngân hàng mới thoát lỗ.

Ngân hàng Liên Việt
Các mảng kinh doanh phi tín dụng của LienVietPost Bank thay nhau thua lỗ

Tuy nhiên, khi mảng dịch vụ vừa hết lỗ, đến lượt các mảng kinh doanh khác có vấn đề.

Dễ thấy nhất chính là mảng mua bán chứng khoán đã khiến LienVietPost Bank ghi nhận lỗ 107 tỷ đồng trong quý II vừa qua. Trước đó, năm 2016, ngân hàng từng ghi nhận khoản lỗ tới 222,4 tỷ đồng đầu tư chứng khoán. Sau đó ,khi thị trường chứng khoán tăng mạnh trong năm ngoái, các khoản dự phòng thua lỗ trước đó được hoàn nhập và mảng đầu tư chứng khoán có lãi lớn, hơn 370 tỷ đồng.

Nhưng năm 2017, LienVietPost Bank lại bất ghi nhận khoản lỗ tới 586 tỷ đồng từ các hoạt động kinh doanh khác. Lý giải về con số này, báo cáo của ngân hàng cho biết trong năm 2017, LienVietPost Bank đã chi 483 tỷ đồng cho công tác xã hội. Năm 2016 ngân hàng cũng chi 126 tỷ đồng cho hoạt động này.

Trong những năm qua, ngân hàng này đứng sau rất nhiều hoạt động từ thiện quy mô lớn nhằm xây dựng hình ảnh “ngân hàng số 1 về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp”. Công bố của LienVietPost Bank cho biết, giai đoạn từ 2008 đến 2017, ngân hàng và các cổ đông đã chi ra hơn 3.000 tỷ đồng cho các hoạt động trách nhiệm xã hội.

Chương trình lớn nhất là “1.000 tỷ đồng về quê”, kéo dài từ năm 2008 – 2015 để về quê các lãnh đạo ngân hàng xây dựng trường học, trung tâm y tế tài trợ trang thiết bị. Chương trình đã tiến hành tại các tỉnh Bắc Ninh, Phú Thọ, Nam Định, Thanh Hóa, Quảng Trị, Phú Yên, TP.HCM.

Mặc dù quy mô tài sản tăng trưởng đều qua các năm nhưng việc các mảng kinh doanh ngoài lãi lần lượt báo lỗ khiến lợi nhuận của LienVietPost Bank biến động. Điển hình là năm 2015, lợi nhuận sau thuế của ngân hàng này rơi xuống mức thấp kỷ lục (349 tỷ đồng), chưa bằng một nửa của năm 2012. Trong 2 năm gần đây lợi nhuận của ngân hàng này mới phục hồi trở lại cùng với đà tăng trưởng lợi nhuận của toàn ngành ngân hàng.