Hồng hạc tranh châu ở tọa độ bùng nổ Thanh Hoá

Quỳnh Chi - 15:33, 13/05/2022

TheLEADERCùng với Quảng Ninh, Khánh Hoà và Bình Thuận, thị trường bất động sản Thanh Hoá đang trỗi dậy và theo Tiến sỹ Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nếu các nhà làm chính sách địa phương không quản trị tốt dòng vốn đầu tư này thì rất có thể làm mất cơ hội phát triển.

LỜI TOÀ SOẠN

Với lợi thế của một địa phương có dân số lớn thứ 3, diện tích lớn thứ 5 cả nước và hướng đến trở thành một cực tăng trưởng mới để cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc, Thanh Hóa đang trở thành một điểm đến đầu tư hấp dẫn với sự xuất hiện hàng loạt các tập đoàn, doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn trong nước và quốc tế. Trong đó, lĩnh vực bất động sản đã, đang và tiếp tục nhận được sự quan tâm đặc biệt của giới đầu tư.

Sự trỗi dậy của thị trường bất động sản Thanh Hoá một mặt đang mở ra nhiều cơ hội mới, những mặt khác cũng đặt ra những thách thức không nhỏ về mặt quản trị đối với lãnh đạo địa phương, doanh nghiệp và giới đầu tư. Làm thế nào để tận dụng được cơ hội và hoá giải thách thức là chủ đề của Toạ đàm “Sự trỗi dậy của bất động sản Thanh Hoá” do TheLEADER tổ chức ngày 10/5/2022 với sự tham gia tranh luận của các chuyên gia kinh tế và lãnh đạo các doanh nghiệp. TheLEADER sẽ lần lượt đăng tải các bài viết xoay quanh toạ đàm này.

Hồng hạc tranh châu ở toạ độ bùng nổ Thanh Hoá
Công trình kiến trúc nút giao thông đại lộ Lê Lợi, thành phố Thanh Hoá. Ảnh: baothanhhoa

Mỗi lần về xứ Thanh, ông Thiên đều ấn tượng với công trình kiến trúc mang tính biểu tượng ở nút giao thông đại lộ Lê Lợi. Đó là hình ảnh bốn cặp chim lạc thanh thoát chụm lại cùng hướng lên quả cầu tròn theo thế “hồng hạc hướng thanh thiên” như thể hiện khát vọng vươn lên của thành phố trẻ. Nhưng dưới góc nhìn của vị chuyên gia kinh tế đã nhiều năm lặn lội khắp các tỉnh thành trên cả nước, kiến trúc này còn là biểu tượng “hồng hạc tranh châu” như ngụ ý Thanh Hoá là hòn ngọc quý phát sáng mời gọi các “đại bàng” tứ phương tụ về.

Đó là tầm nhìn của nhà đầu tư Nhật Bản khởi đầu cho khu kinh tế ven biển Nghi Sơn với dự án Nhà máy Xi măng Nghi Sơn, là một quần thể nghỉ dưỡng FLC Sầm Sơn đánh thức dải bờ biển bao năm lụp xụp, là những khu đô thị hiện đại của Vingroup và Eurowindow góp sức tạo nên diện mạo mới cho một thành phố mới. Và gần đây nhất là một Sungroup với những đại dự án đô thị du lịch kéo dài từ Sầm Sơn về Quảng Xương, nâng tầm nội lực và khơi dậy cuộc đua lớn cho dải đất Bắc Trung bộ.

Bên cạnh đó có thể là cuộc đua của các đại bàng khác đến từ nước ngoài như Lọc hoá dầu Nghi Sơn, WHA, Foxconn hay các tập đoàn lớn trong nước như T&T Group, BRG, TNg Holdings, Sunshine Group, Flamingo Group, Văn Phú - Invest và Sao Mai An Giang.

Cách đây mấy năm, ông Thiên từng nhận định, một trong những toạ độ bùng nổ nhổ mạnh nhất ở Việt Nam là Thanh Hoá và vài năm nay đang trở thành hiện thực. Với những lợi thế sẵn có về vị trí chiến lược, về nội lực và sức mạnh quy tụ từ các nhà đầu tư, Thanh Hoá đang ngày càng chứng minh vị thế của mình và hình ảnh “hồng hạc tranh châu” cũng hàm ý “cơ hội đang mở ra nhưng không phải cho tất cả và nếu đủ thực lực, chuẩn bị sẵn sàng để có thực lực dẫn dắt hoặc bổ sung mà tham gia cuộc đua thì sẽ hưởng lợi.”

TỌA ĐỘ BÙNG NỔ

Dùng ngón tay kéo một đường trên bản đồ từ Bắc xuống Nam, ông Thiên ví Thanh Hoá như “yết hầu giao thông” giữa miền Bắc và miền Trung, một tầm vóc và tiềm năng phát triển mà ngay chính nhiều người bản địa cũng không hình dung được như chia sẻ của Bí thư Tỉnh uỷ Thanh Hoá trong một cuộc gọi cho ông Thiên cách đây ít lâu.


Thanh Hoá – Mảnh đất ‘hồng hạc tranh châu’ 1
Ông Thiên nhìn nhận Thanh Hoá như một cực trong tứ giác phát triển của khu vực phía Bắc

Đặt trong tầm nhìn liên kết vùng, Thanh Hoá được gọi là một cực tăng trưởng của khu vực Bắc Trung bộ. Cùng là khu kinh tế động lực của hai tỉnh Thanh Hoá và Nghệ An được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025 nhưng mới chỉ có khu kinh tế Nghi Sơn của Thanh Hoá mới phát triển đúng tầm, còn khu kinh tế Hoàng Mai phía bên kia vẫn còn hoang sơ.

Năm 2020, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 58-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Cụ thể, đến năm 2030, Thanh Hoá sẽ trở thành một trung tâm lớn của Bắc Trung Bộ và cả nước về công nghiệp năng lượng, chế biến, chế tạo, nông nghiệp giá trị gia tăng cao, dịch vụ logicstic, du lịch, giáo dục đào tạo, y tế chuyên sâu.

Nhưng quan trọng hơn, theo ông Thiên, nếu đặt trong tầm nhìn liên kết quốc gia, phải nhìn nhận Thanh Hoá như một cực tăng trưởng của phía Bắc. Cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh, Thanh Hoá sẽ là cực thứ tư trong “tứ giác phát triển” của phía Bắc như nhận định của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trong buổi làm việc với Thường Vụ Tỉnh ủy Thanh Hoá cách đây gần hai tháng.

Lãnh đạo Thanh Hoá cũng đã chủ động phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương tham mưu cho Chính phủ xây dựng dự thảo nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa và được Quốc hội thông qua theo Nghị quyết số 37/2021/QH15. Điều này như tạo ra một xung lực mới để Thanh Hoá thực hiện thành công mục tiêu trở thành một cực tăng trưởng mới vào năm 2025.

Trong kế hoạch phát triển mạnh mẽ đó, cơ hội bùng ra rất lớn và Thanh Hoá đang chuẩn bị cho cuộc chạy đua không chỉ ngắn hạn mà dàn trên tất cả các tuyến, từ công nghiệp, du lịch và đô thị trong dài hạn. Trong đó, ông Thiên nhìn nhận công nghiệp là toạ độ mạnh, có thể kéo theo sự phát triển của một siêu đô thị, tất nhiên là vẫn còn lâu nhưng mang tính định hướng tương lai.

Ở Thanh Hoá có “tứ sơn” được lựa chọn làm toạ độ ưu tiên phát triển và tạo đột phá phát triển và hội tụ nguồn lực, đó là Nghi Sơn, Lam Sơn, Sầm Sơn, Bỉm Sơn, và bàn về sự bùng nổ của bất động sản Thanh Hoá thì không thể bỏ qua “tứ Sơn” này. “Chọn toạ độ tứ Sơn của Thanh Hoá là chiến lược khôn ngoan trong việc xác nhận thực lực và vị thế”, ông Thiên nói trong toạ đàm “Sự trỗi dậy của bất động sản Thanh Hoá” do TheLEADER tổ chức ngày 10/5/2022.

Đáng chú ý, cùng với Nghệ An làm nên khu vực kinh tế động lực Nam Thanh Bắc Nghệ, Thanh Hoá thể hiện rõ vai trò cực tăng trưởng của khu vực Bắc Trung Bộ, với sự nổi lên mạnh mẽ của khu kinh tế Nghi Sơn trên con đường trở thành một trung tâm đô thị - công nghiệp - dịch vụ ven biển trọng điểm của cả nước.

Trong một cuộc họp khi mới lên làm Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư, ông Bùi Quang Vinh đặt vấn đề rằng khu kinh tế ven biển không phát triển được. Tham dự với vai trò là một chuyên gia kinh tế, ông Thiên cho rằng lý do là có quá nhiều khu kinh tế trong khi nguồn lực có hạn.

Ông đề xuất chọn ra năm khu kinh tế để ưu tiên đầu tư. Về sau, khu kinh tế Nghi Sơn hội tụ đủ các tiêu chí để được chọn là một trong năm khu kinh tế trọng điểm quốc gia giai đoạn 2013 - 2015, dù hồi đó Thanh Hoá còn chưa có sân bay. Khu kinh tế Đông Nam ở Nghệ An hay Vân Đồn ở Quảng Ninh cũng không lọt vào danh sách này.

Các nhà đầu tư Nhật Bản lúc đó còn nhận định rằng miền Trung đang bỏ quên Nghi Sơn là một báu vật. Đến nay, cảng biển Nghi Sơn đã được đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác với công suất lớn mà theo nhận định của ông Thiên là có thể cạnh tranh và liên kết ở phía Bắc với Hải Phòng, vượt cả cảng Cái Lân của Quảng Ninh. Cảng biển và sân bay tạo nên sự kết nối và hội tụ, là lợi thế mang tính tuyệt đối.

Nghi Sơn bùng lên làm cho Thanh Hoá chuyển động mạnh, đó là thành tố quan trọng bậc nhất, phát triển từ công nghiệp đến đô thị và ông Thiên cho rằng đến một lúc nào đó đô thị ở đây có thể phát triển rất mạnh bởi khi dòng tiền đổ vào công nghiệp, cảng biển, nhu cầu về nhà ở, mức sống cũng cứ thế tăng lên.

“Chỗ nào trũng thì nước chảy vào chỗ đấy, chỗ nào ‘ngon’ thì vốn sẽ đổ vào chỗ đấy”, ông Thiên ví von.  

Thanh Hoá – Mảnh đất ‘hồng hạc tranh châu’ 2
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa ngày 19/3/2022. Ảnh: qdnd.vn

Là người Thanh Hoá, ông Nguyễn Văn Biên, Tổng giám đốc Coreland đã chứng kiến sự trỗi dậy của bất động sản Thanh Hoá, với những quần thể dự án quy mô lớn do các tập đoàn lớn phát triển như Vingroup, Sungroup, Eurowindow. Đặc biệt, trong thời gian gần đây là sự thay đổi vượt bậc về chất với sự xuất hiện của các dự án đại đô thị du lịch “tỷ đô” xuất hiện nối nhau như Flamingo Hoằng Hoá có diện tích khoảng 1.300ha, Sun Sầm Sơn có quy mô 1.260ha hay đô thị biển Quảng Nham có diện tích 546ha đã được phê duyệt quy hoạch.

KỲ VỌNG TRONG THÁCH THỨC

Những điểm nhấn như dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn hiện đại, quy mô vốn đầu tư đứng đầu cả nước hay Quảng trường Biển và Tổ hợp đô thị du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cao cấp biển Sầm Sơn có lẽ là minh chứng cho sự thành công trong chiến lược phát triển mới của tỉnh Thanh Hoá mà nổi bật trong đó là cách tiếp cận “hai đồng hành – ba cam kết”.

Trong giai đoạn 2015 – 2020, tăng trưởng tổng sản phẩm GRDP của Thanh Hoá tăng 12,5%/năm, ngành công nghiệp tăng 21,2%/năm, hệ số hiệu quả sử dụng vốn đầu tư giảm từ 14,85 năm 2015 xuống còn 4,88 năm 2019. Hiệu quả đầu tư ngày càng tăng mạnh.

Năm 2021, mặc dù ảnh hưởng đại dịch covid-19 nhưng GRDP Thanh Hoá vẫn đạt 8,85%, thuộc nhóm có tốc độ tăng trưởng cao nhất cả nước. Trong quý I/2022, GRDP của Thanh Hóa cũng đạt mức 12,93 %, đứng thứ ba toàn quốc.

Thu ngân sách của tỉnh năm 2021 ước đạt 32.420 tỷ đồng, vượt 22% so với dự toán của năm. Trong khi đó, về mặt dòng tiền, đầu tư công năm 2022 của Thanh Hóa ước đạt 17.730 tỷ đồng, riêng về mặt hạ tầng là 9.780 tỷ đồng.

Sự phát triển của các doanh nghiệp trên địa bàn cũng rất mạnh mẽ trong năm qua. Dù bị đặt trong bối cảnh đại dịch nhưng năm ngoái đã có hơn 3.600 doanh nghiệp đăng ký mới (vượt 20% kế hoạch), hơn 20.000 doanh nghiệp đang hoạt động với hơn 2.300 dự án đầu tư trực tiếp, tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 650 nghìn tỉ đồng. Thêm vào đó, toàn tỉnh có 140 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 14,6 tỉ USD, đứng thứ tám trên cả nước.

Kế hoạch của Thanh Hoá từ nay đến 2025 là đầu tư khoảng 35 nghìn tỷ đồng vào 43 dự án hạ tầng giao thông. Rất nhiều tuyến đường giao thông sẽ được chú trọng phát triển như tuyến đường quốc lộ 1A, đường cao tốc Hà Nội – Ninh Bình. Cảng Nghi Sơn cũng sẽ được nâng cấp lên tiêu chuẩn 1A để có thể tiếp đón công suất lên 5.000 tấn và sân bay Thọ Xuân cũng được nâng công suất lên sân bay quốc tế để đón 5 triệu khách cho đến năm 2030.

Đáng chú ý, theo kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp, trong giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Thanh Hoá dự kiến có 19 khu công nghiệp, tương đương tổng diện tích 5.921 ha.

Tỉnh cũng quy hoạch nhiều dự án nghỉ dưỡng như khu du lịch Thác Yên thuộc khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên (Thường Xuân, 165ha), khu du lịch Thác Voi (Thạch Thành, 200ha), khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng Lang Chánh diện tích hơn 10.292ha, vốn đầu tư 1.115 tỷ đồng.

Giai đoạn 2021 – 2030, Thanh Hoá sẽ phát triển ba vùng chính với ba cụm đô thị trung tâm gồm: thành phố Thanh Hoá, thành phố sầm Sơn và thị xã Nghi Sơn; đô thị kinh tế - công nghiệp – nông nghiệp công nghệ cao gồm thị xã Bỉm Sơn, đô thị Lam Sơn – Sao Vàng; vùng ba là các đô thị còn lại.

Giai đoạn 2021-2025, Thanh Hoá sẽ xây dựng gần 194 nghìn căn nhà với nguồn vốn hơn 149 nghìn tỷ đồng. Giai đoạn 2026-3030, Thanh Hoá sẽ xây khoảng 225.604 căn nhà, vốn hơn 223 nghìn tỷ đồng.

Hồng hạc tranh châu ở toạ độ bùng nổ Thanh Hoá 3
Tòa đàm "Sự trỗi dậy của bất động sản Thanh Hoá" do TheLEADER tổ chức ngày 10/5/2022

Với sự trỗi dậy mạnh mẽ đó, Thanh Hoá rõ ràng đang đặt mình trong một cuộc đua rất lớn, không chỉ với các địa phương lớn khác trên cả nước mà trong cuộc đua với chính bản thân mình.

“Hồng hạc tranh châu nhưng nếu không đủ tỉnh táo để đánh giá đúng thực lực và bồi đắp nội lực để tạo thế cân bằng, cơ hội có thể vụt mất và thậm chí biến thành rủi ro. Đó là thách thức không hề nhỏ đối với các nhà lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá trên hành trình sắp tới”, ông Thiên nhìn nhận.