‘Khó khăn có thể kéo dài hết quý II/2023’

Nhật Hạ - 15:36, 03/04/2023

TheLEADERBộ Kế hoạch và đầu tư cho rằng, cần sớm ban hành chính sách hỗ trợ mới như giảm thuế, phí… tiếp tục phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay để kích thích tăng trưởng, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh.

‘Khó khăn có thể kéo dài hết quý II/2023’
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: Nhật Bắc

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 diễn ra hôm nay, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, do diễn biến ngày càng bất lợi, khó lường của thế giới đã ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng kinh tế, hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước, nhất là sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư…

Tăng trưởng kinh tế quý I ước đạt 3,32% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn kịch bản tại Nghị quyết 01/NQ-CP (kịch bản là 5,6%). Khu vực nông, lâm, thủy sản và dịch vụ cơ bản ổn định, phục hồi khá (tăng 2,52% và 6,79% so với cùng kỳ). Khu vực công nghiệp - xây dựng giảm 0,4%, trong đó công nghiệp giảm 0,82%, ảnh hưởng trực tiếp và làm giảm tốc độ tăng trưởng của toàn nền kinh tế.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh, sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, đầu tư, thu hút FDI… gặp nhiều khó khăn. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) quý I giảm 2,2% so với cùng kỳ năm trước (quý I năm 2022 tăng 6,8%). Tiêu thụ giảm, tồn kho tăng cao.

Qua nắm bắt tình hình doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, trong quý I giá trị xuất khẩu thủy sản giảm 30% so với cùng kỳ năm trước, đơn hàng dệt may giảm 15 - 20%... Các doanh nghiệp xây dựng chưa đạt được 10% kế hoạch năm.

“Khó khăn có thể kéo dài hết quý II năm 2023”, Bộ Kế hoạch và đầu tư nhận định.

Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội quý I chỉ tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 là 8%, năm 2022 là 9%), trong đó đầu tư của khu vực kinh tế ngoài nhà nước chỉ tăng 1,8%.

Vốn FDI đăng ký vào nước ta giảm 19,3% so với cùng kỳ năm trước. Các tập đoàn lớn xem xét kỹ việc tiếp tục đầu tư lớn vào nước ta trước tác động của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu và phản ứng chính sách của Chính phủ.

Tăng trưởng tín dụng đến ngày 28/3 chỉ tăng 2,06%, cho thấy tình hình sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp, nền kinh tế tiếp tục khó khăn.

Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động thấp hơn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa đều giảm và xuất khẩu sang các thị trường lớn giảm.

Đồng thời, theo Bộ Kế hoạch và đầu tư, áp lực điều hành kinh tế vĩ mô gia tăng. Điều hành chính sách tiền tệ có thể khó khăn hơn, nhất là trong bối cảnh chính sách tiền tệ của Mỹ, EU sẽ phức tạp, khó dự báo hơn, vừa phải nhất quán với định hướng thắt chặt để kiểm soát lạm phát, vừa phải xử lý các rủi ro của hệ thống ngân hàng, bảo đảm thanh khoản, cung ứng tín dụng cho nền kinh tế.

Thương mại, xuất nhập khẩu gặp nhiều thách thức khi hầu hết các thị trường xuất khẩu lớn suy yếu. Thu hút FDI khó khăn hơn, khi dòng vốn FDI toàn cầu bị thu hẹp, lợi thế cạnh tranh về ưu đãi thuế của Việt Nam giảm dần do tác động của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu.

Công tác điều hành giá chịu áp lực do năm 2023 trong bối cảnh dự kiến điều chỉnh giá điện, y tế và các mặt hàng do Nhà nước kiểm soát giá, cộng hưởng với việc điều chỉnh chính sách tiền lương có thể tác động lớn đến lạm phát.

Trên cơ sở kết quả quý I, dự báo tình hình quý II và cả năm, Bộ Kế hoạch và đầu tư đã dự báo 2 kịch bản tăng trưởng.

Kịch bản 1: Tăng trưởng kinh tế cả năm dự kiến đạt 6% (thấp hơn 0,5 điểm % so với mục tiêu Quốc hội), tăng trưởng các quý II, III và IV theo kịch bản trước đó (lần lượt là 6,7%, 6,5% và 7,1%).

Tuy nhiên, trường hợp tăng trưởng năm 2023 chỉ đạt 6% sẽ gây áp lực rất lớn lên mục tiêu tăng trưởng 5 năm 2021 - 2025 (6,5 - 7%), đòi hỏi năm 2024 - 2025 phải đạt tăng trưởng bình quân gần 8%/năm để đạt mục tiêu 5 năm là 6,5%.

Kịch bản 2: Để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm là 6,5%, tăng trưởng kinh tế quý II là 6,7% (bằng kịch bản cũ), quý III và quý IV tăng trưởng lần lượt là 7,5% và 7,9%. Đây là kịch bản rất thách thức, đòi hỏi nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị.

Hiện nay, hầu hết các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã hết thời gian thực hiện hoặc hiệu quả thấp.

Do đó, cơ quan này cho rằng cần sớm ban hành chính sách hỗ trợ mới như giảm thuế, phí…, tiếp tục phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay để kích thích tăng trưởng, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh.