Lạm dụng yêu cầu lý lịch tư pháp là phân biệt đối xử với người lao động
Hoàng An
Thứ ba, 16/05/2023 - 10:44
Cuối tháng 3 và trong suốt tháng 4 vừa qua, trên khắp địa bàn Hà Nội đã xảy ra tình trạng ùn ứ trong việc xin giấy lý lịch tư pháp, gây tốn kém, mệt mỏi cho người lao động. Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại TP. HCM. Theo ông Huỳnh Văn Hạnh, Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, việc nhiều tổ chức, doanh nghiệp lạm dụng tràn lan việc yêu cầu phiếu lý lịch tư pháp là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng nói trên.
Theo ghi nhận của TheLEADER, cho đến sáng ngày 12/5, tại bộ phận một cửa đề nghị cấp lý lịch tư pháp của Sở Tư pháp Hà Nội, số lượng người chờ làm lý lịch tư pháp vẫn còn khá đông. Không chỉ đợi trong phòng, người dân còn ngồi dọc hành lang.
Trước đó, theo phản ánh của người dân và một số cơ quan báo chí, đầu tháng 4, nhiều người dân đã phải đến cơ quan này từ 4 giờ sáng để xếp hàng xin giấy lý lịch tư pháp. Cá biệt, có một số người đã đến sở 3, 4 ngày nhưng vẫn chưa thể nộp được hồ sơ.
Tính đến cuối tháng 4, mỗi ngày Sở Tư pháp Hà Nội phải giải quyết 300 bộ hồ sơ, trong khi nhu cầu cần giải quyết lên đến gần 600 bộ. Vì vậy, cơ quan này đã phải tăng số lượng cán bộ tiếp nhận, xử lý lên 7 người, tăng thêm thời gian làm việc mỗi ngày từ 1 đến 1,5 giờ, tăng cường các hình thức nhận hồ sơ. Với các giải pháp trên, hiện tiến độ tiếp nhận đã được tối đa 500 hồ sơ một ngày.
Trong khi đó, theo Sở Tư pháp TP.HCM, hiện TP.HCM chiếm 1/3 cả nước về số lượng tiếp nhận hồ sơ liên quan phiếu lý lịch tư pháp. Trung bình một ngày, cơ quan này tiếp nhận từ 550 - 650 hồ sơ của người dân đến yêu cầu, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2022 và chiếm hơn 90% trong số tổng các loại hồ sơ khác (như khai sinh, khai tử...) mà Sở tiếp nhận. Để giải quyết được nhu cầu của người dân, Sở Tư pháp đã bố trí đủ nguồn nhân lực thực hiện cho công việc từ nhiều năm nay.
Tài xế công nghệ, bảo vệ, tạp vụ… cũng phải xác nhận lý lịch tư pháp
Theo luật Lý lịch tư pháp 2009,lý lịch tư pháp là lý lịch về án tích của người bị kết án bằng bản án, quyết định hình sự của tòa án đã có hiệu lực pháp luật, tình trạng thi hành án và về việc cấm cá nhân đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị tòa án tuyên bố phá sản.
Có thể thấy, mục đích của việc yêu cầu cấp giấy xác nhận lý lịch tư pháp là để biết một người nào đó có thuộc diện bị cấm nêu trên hay không; hoặc có bị phạt theo quy định của pháp luật hay không...
Vì vậy, theo ông Huỳnh Văn Hạnh, Giám đốc Sở Tư pháp TP. HCM, phiếu lý lịch tư pháp chỉ được dùng cho cơ quan tiến hành tố tụng, hồ sơ công chức, chứng chỉ hành nghề, người đi nước ngoài, du học…
Tuy nhiên, trong thời gian qua, sở tư pháp một số tỉnh thành nhận được rất nhiều hồ sơ liên quan đến việc người dân dùng để đi xin việc làm tại các doanh nghiệp như: tài xế của những hãng taxi công nghệ (chiếm khoảng 50%), người làm công việc bảo vệ, ban quản trị nhà chung cư, một số ngành như cầm đồ, kinh doanh khách sạn, các cá nhân thuộc các tổ chức liên quan đến các hội…
Trả lời TheLEADER, anh Huy, shipper của một hãng xe ôm công nghệ, đang xếp hàng làm lý lịch tư pháp cho biết: “Khi đăng ký chạy ship, chúng tôi được yêu cầu nộp hồ sơ, trong đó có lý lịch tư pháp. Công ty yêu cầu sau 2 tháng không nộp được giấy này, chúng tôi sẽ bị khóa app (ứng dụng). Các hãng khác cũng vậy. Tôi không hiểu tại sao shipper như chúng tôi lại phải xin lý lịch tư pháp?”
Tương tự, anh Phạm Bá Cường, nhân viên tạp vụ của một công ty tư nhân trả lời VnExpress: "Tôi không hiểu biết lắm nhưng tôi cho rằng chỉ người làm công việc có trình độ cao, hoặc công ty nhà nước liên quan an ninh quốc gia mới cần, chứ tôi làm tạp vụ thì sao phải cần."
Theo anh N.V.T, một môi giới làm giấy lý lịch tư pháp, hầu hết những người tìm đến anh để làm lý lịch tư pháp là những người không có công việc ổn định như tài xế xe ôm công nghệ, bảo vệ, tạp vụ… “Phần lớn đây là những người vừa thất nghiệp, hoặc vừa chuyển đổi công việc,” anh T. cho hay.
Đừng làm khổ người lao động!
Trả lời TheLEADER về việc một số công ty yêu cầu nhân viên cung cấp giấy xác nhận lý lịch tư pháp, luật sư Phạm Đức Cường, Trưởng văn phòng luật sư Phú Cường dẫn điều 7, Luật lý lịch tư pháp 2009, quy định về những bên có quyền yêu cầu lý lịch tư pháp:
Thứ nhất, công dân Việt Nam, người nước ngoài đã hoặc đang cư trú tại Việt Nam có quyền yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp của mình.
Thứ hai, cơ quan tiến hành tố tụng có quyền yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử.
Thứ ba, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội có quyền yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp để phục vụ công tác quản lý nhân sự, hoạt động đăng ký kinh doanh, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã.
Các doanh nghiệp thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp không phải là đối tượng được quyền yêu cầu người lao động cấp phiếu lý lịch tư pháp.
Luật sư Phạm Đức Cường
“Như vậy, có thể hiểu, chỉ các cơ quan tiến hành tố tụng mới có quyền yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử; hoặc các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội mới có quyền yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp để phục vụ công tác quản lý nhân sự, hoạt động đăng ký kinh doanh, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã. Các doanh nghiệp thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp không phải là đối tượng được quyền yêu cầu người lao động cấp phiếu lý lịch tư pháp”, luật sư Phạm Đức Cường nhận định.
Tương tự, trả lời VnExpress, luật sư Luật sư Nguyễn Đại Hải (Công ty luật TNHH Fanci) cho biết, nghĩa vụ cung cấp thông tin khi giao kết hợp đồng, quy định tại điều 16 Bộ luật Lao động, không đề cập thông tin về án tích là nội dung bắt buộc người lao động phải cung cấp. Vì thế, nếu căn cứ lý lịch tư pháp mà để xem xét có tuyển hay không là xâm phạm đặc biệt nghiêm trọng đến quyền được lao động, do chính sách của Nhà nước về lao động là "không được phân biệt đối xử".
"Nhân viên giao hàng, xe ôm, tạp vụ... không thuộc diện phải lấy giấy lý lịch tư pháp", luật sư nêu quan điểm.
Trong khi đó, trả lời báo Thanh Niên, ông Huỳnh Văn Hạnh, Giám đốc Sở Tư pháp TP. HCM nêu quan điểm: "Phiếu lý lịch tư pháp đang bị các tổ chức, cá nhân lạm dụng quá. Đừng lợi dụng quyền được yêu cầu của công dân mà gây tốn kém, khổ cho người lao động. Luật không quy định thời hạn sử dụng, nhưng có nơi lại yêu cầu người lao động cứ 6 tháng phải xin phiếu mới", vị Giám đốc Sở Tư pháp nhấn mạnh.
"Hầu hết người dân không có án tích. Vì thế theo tôi, khi xin việc làm, người dân chỉ cần cam kết khai báo trung thực về phần án tích tại "sơ yếu lý lịch", có UBND xã/phường xác nhận chữ ký là đủ", ông Hạnh nhận định.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình vừa có ý kiến chỉ đạo xử lý thông tin báo chí phản ánh "cò" làm thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp tại Hà Nội và chậm giải quyết thủ tục đăng ký khai tử tại Tây Ninh.
Với chủ đề “Vật liệu cho tương lai bền vững”, tọa đàm của Quỹ VinFuture với các nhà khoa học hàng đầu thế giới, mang tới góc nhìn sâu sắc về vật liệu bền vững.
SeABank triển khai chương trình cho vay mua nhà lãi suất 0% tại dự án NewTown Diamond với mức lãi suất cho vay 0% và ân hạn trả nợ gốc lên tới 36 tháng.
Công ty CP Mù Cang Chải Discovery vừa ký kết thỏa thuận để Radisson Hotel Group quản lý vận hành khu nghỉ dưỡng ở địa danh nổi tiếng với ruộng bậc thang.
SHB lần thứ tư được vinh danh trong Top 10 doanh nghiệp có báo cáo thường niên tốt nhất nhóm ngành tài chính, minh chứng cho những nỗ lực về phát triển bền vững.
Bamboo Capital được vinh danh là doanh nghiệp có báo cáo thường niên và tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên tốt nhất tại cuộc bình chọn doanh nghiệp niêm yết 2024.