Làn sóng doanh nghiệp bất động sản đầu tư hàng không

Trần Anh - 15:20, 18/03/2019

TheLEADERSun Group, FLC Group, Sovico Holdings đều có kế hoạch đầu tư vào các sân bay tại những địa phương mà các tập đoàn này phát triển các dự án bất động sản du lịch.

Cuối năm ngoái, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, sân bay tư nhân đầu tiên tại Việt Nam đã được đưa vào khai thác. Dự án này cùng với Cảng tàu khách du lịch quốc tế Hạ Long và cao tốc Hạ Long - Vân Đồn đang giúp Quảng Ninh mở ra những cơ hội phát triển vô cùng mạnh mẽ, vượt trội.

Cả ba công trình này đều được đầu tư bởi tập đoàn Sun Group, một trong những nhà phát triển bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng lớn nhất cả nước. Tại Quảng Ninh, tập đoàn đã và đang phát triển nhiều dự án quy mô lớn. Trong đó đặc biệt là tổ hợp vui chơi giải trí cao cấp bao gồm casino tại Cái Bầu .

Với sân bay Vân Đồn, hàng loạt các dự án bất động sản lớn khác cũng được hưởng lợi. Ngoài Sun Group, hầu hết các công ty bất động sản lớn trong nước đều đã có mặt tại Quảng Ninh như Vingroup, BIM Group, FLC Group, CEO Group, HD Mon Holdings.

Làn sóng doanh nghiệp bất động sản đầu tư hàng không
Sân bay Vân Đồn do Sun Group đầu tư đi vào hoạt động cuối năm ngoái

Ngoài sân bay Vân Đồn, Sun Group còn đang phát triển Cảng hàng không quốc tế Lào Cai. Đây cùng là nơi tập đoàn đang khai thác dự án du lịch nghỉ dưỡng Mgallery Sapa và khu vui chơi giải trí Fansipan Legden.

Lĩnh vực hàng không tại Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ trong vài năm trở lại đây, tạo ra một làn sóng đầu tư tư nhân rất lớn và khu vực vốn trước đây chỉ do các doanh nghiệp nhà nước thực hiện.

Các hãng bay mới được thành lập, đầu tư cơ sở hạ tầng sân bay và dịch vụ hàng không ngày càng lớn đã góp phần nâng tổng lượng hành khách và hàng hóa tăng trưởng hai con số liên tiếp trong nhiều năm.

Cùng với đó, hàng không phát triển đã thúc đẩy lưu lượng khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế đến với các khu du lịch nghỉ dưỡng. Hàng trăm khu resort đã được xây dựng ven bờ biển Việt Nam trong những năm qua và đang tiếp tục tăng lên bởi các kế hoạch đầu tư lớn của các tập đoàn bất động sản.

Tập đoàn dẫn đầu thị trường bất động sản trong nước cũng không đứng ngoài làn sóng đầu tư vào lĩnh vực hàng không. Hồi tháng 2 vừa qua, tập đoàn này đã đề nghị Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận chủ trương đầu tư cải tạo, nâng cấp và mở rộng Cảng hàng không Chu Lai (tỉnh Quảng Nam) theo hình thức BOT.

Trước đó, tập đoàn này đã hợp tác chặt chẽ với Vietnam Airlines nhằm cung cấp các sản phẩm kết hợp hàng không và du lịch trên toàn bộ mạng đường bay của Vietnam Airlines và toàn bộ các cơ sở lưu trú du lịch của tập đoàn. Đồng thời hợp tác đầu tư, phát triển đường bay dưới hình thức thường lệ và thuê chuyến từ các điểm nội địa và quốc tế tới các cơ sở du lịch, vui chơi giải trí của tập đoàn.

Một tập đoàn bất động sản khác nhảy vào lĩnh vực hàng không gây nhiều chú ý trong thời gian gần đây là FLC. Ngay từ trước khi được cấp phép thành lập, Bamboo Airways, thương hiệu hàng không của tập đoàn FLC, được xác định mục tiêu là vận chuyển thẳng khách du lịch trong nước và quốc tế đến các điểm nghỉ dưỡng của FLC.

Lãnh đạo tập đoàn cho biết đang phát triển 20 quần thể nghỉ dưỡng trên cả nước và đây được coi là lợi thế lớn của Bamboo Airways. Ngoài chặng bay Hà Nội – TP.HCM, hãng hàng không mới cất cánh từ đầu năm 2019 đang khai thác chuyến bay tại Quy Nhơn, Quảng Bình, Thanh Hóa, Vân Đồn, Vinh…Đây đều là các tỉnh FLC đang phát triển các dự án bất động sản quy mô lớn.

Không dừng lại ở phân khúc vận chuyển, tập đoàn FLC cũng tham gia vào đầu tư cơ sở hạ tầng ngành hàng không với đề xuất được nghiên cứu đầu tư xây dựng nhà ga hành khác T3 tại sân bay Tân Sơn Nhất. Ngoài ra, tập đoàn còn đề xuất đầu tư vào sân bay Thọ Xuân (Thanh Hóa).

Trước đó, tập đoàn này đã được tỉnh Quảng Bình đồng ý chủ trương đầu tư Sân bay Quốc tế Đồng Hới. Tại tỉnh Quảng Bình, tập đoàn FLC đang phát triển dự án quy mô 1.900 ha với tổng giá trị đầu tư được công bố lên đến gần 1 tỷ USD.

Hãng hàng không Vietjet Air của nữ tỷ phú Phương Thảo cũng liên tục tham gia vào nâng cấp các sân bay. Gần đây nhất là đề xuất đầu tư sân bay Điện Biên, trước đó là sân bay Tuy Hòa (Phú Yên) và sân bay Cát Bi (Hải Phòng).

Sau khi vượt qua Vietnam Airlines về thị phần hàng không trong nước, Vietjet Air tìm cách duy trì vị thế của mình thông qua việc mở thêm các đường bay mới và nâng cấp các sân bay.

Ngoài ra, Vietjet Air cũng trở thành phương tiện kết nối đến các địa phương mà Sovico Holdings, tập đoàn bất động sản của bà Nguyễn Thị Phương Thảo đã và đang đầu tư. Đơn cử tại Phú Yên, sau đề xuất đầu tư và sân bay của Vietjet Air, Sovico Holdings cũng đã đề xuất đầu tư dự án Ariyana Beach Complex Phú Yên và dự án Khu tri thức - Đô thị Nam Phú Yên.

Làn sóng đầu tư manh mẽ của các tập đoàn bất động sản vào lĩnh vực hàng không, cơ sở hạ tầng hàng không diễn ra sau thời gian bùng nổ về đầu tư bất động sản tại các thị trường du lịch trọng điểm.

Một trong những chỉ báo là nguồn cung căn hộ condotel đã tăng vọt trong giai đoạn 2015 – 2017. Tuy nhiên, đến cuối năm 2018 hầu hết các thành phố du lịch đều vắng bóng dự án condotel mới.

Theo ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, có 4 nguyên nhân khiến thị trường căn hộ condotel 2018 ảm đảm: Pháp lý vẫn chưa được tháo gỡ gây tâm lý e ngại cho giới đầu tư; Ngân hàng siết chặt cho vay đầu tư bất động sản; Sự ngờ vực của khách hàng có nhu cầu đầu tư lâu dài; Giá bán của các sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng đã bị đẩy lên mức quá cao.

Tuy vậy, vị chuyên gia này cho rằng phân khúc này vẫn còn nhiều tiềm năng đặc biệt nhờ vào việc đầu tư và nâng cấp nhiều cảng hàng không. Điều này sẽ giải quyết một trong những điểm nghẽn quan trọng đó là tính kết nối giao thông đến các khu nghỉ dưỡng.