Masan tái khởi động tham vọng lên ngôi thị trường bán lẻ

Trần Anh - 16:26, 03/12/2019

TheLEADERSau gần 2 thập kỷ, ban lãnh đạo Masan cuối cùng đã tìm ra “thời điểm thích hợp” để trở lại thị trường bán lẻ.

Hai tập đoàn tư nhân lớn của Việt Nam là Vingroup và Masan hôm nay đã thoả thuận nguyên tắc về việc hoán đổi cổ phần Công ty VinCommerce và Công ty VinEco. Thoả thuận nhằm tối ưu hóa thế mạnh hoạt động của mỗi bên, đồng thời tạo nên một Tập đoàn Hàng tiêu dùng - Bán lẻ mới có sức cạnh tranh vượt trội và quy mô hàng đầu Việt Nam.

Theo đó, Công ty VinCommerce (bán lẻ), Công ty VinEco (nông nghiệp) và Công tyHàng tiêu dùng Masan (tiêu dùng) sẽ sáp nhập để thành lập Tập đoàn Hàng tiêu dùng - Bán lẻ. Masan Group có tỉ lệ sở hữu cao hơn và sẽ nắm quyền kiểm soát hoạt động, Vingroup là cổ đông.

Đây không phải lần đầu tiên Masan bước chân vào thị trường bán lẻ. Cách đây gần 2 thập kỷ, vào năm 2001, Masan đã từng tiến hành khai trương 25 cửa hàng tiện nghi Masan Mart tại TP.HCM trong một dự án có tổng vốn đầu tư 75 tỷ đồng.

Các cửa hàng Masan Mart nằm rải rác trên các quận nội thành, là mô hình bán lẻ mới, bày bán nhiều loại hàng hóa, mở cửa từ 6 giờ sáng đến 22 giờ đêm. Đây là hệ thống cửa hàng được quản lý và điều hành qua mạng với đội ngũ nhân viên được đào tạo chuyên nghiệp.

Thời điểm đó, mô hình bán lẻ siêu thị, cửa hàng tiện lợi vẫn còn quá mới mẻ với người tiêu dùng trong nước và kế hoạch của Masan nhanh chóng nhận trái đắng. Chỉ chưa đầy 1 năm kể từ ngày triển khai, các cửa hàng này đã phải ngừng đóng cửa do chi phí hoạt động cao nhưng doanh thu không đạt kỳ vọng. Ban lãnh đạo Masan khi đó thừa nhận “đây chưa phải thời điểm thích hợp để tham gia thị trường bán lẻ”.

Sau thất bại đó, Masan tập trung toàn lực vào các thế mạnh khác bao gồm hàng tiêu dùng nhanh (nước chấm, tương ớt, cà phê, nước tăng lực,…); thức ăn chăn nuôi và khoáng sản. Công ty gặt hái được nhiều thành công trong mảng tiêu dùng nhanh và các sản phẩm nước chấm, tương ớt của Masan dần trở nên quen thuộc trên bán ăn của người Việt. Một báo cáo của Masan cho biết, 98% người Việt sử dụng ít nhất một sản phẩm của Masan.

Đến đầu năm 2019, tham vọng quay lại thị trường bán lẻ của Masan được nhắc đến, khi công ty công bố sự ra đời của MEATDeli – mảng sản xuất và bán lẻ thịt mát. Công ty dự kiến, sẽ mở 11.000 cửa hàng Masan-shops tại từng xã trên toàn quốc cộng với 5.000 điểm bán MEATDeli; còn kênh hiện đại sẽ có 5.000 điểm bán MEATDeli; thương mại điện tử thì Masan sẽ hợp tác chiến lược nhằm tìm kiếm nền tảng công nghệ vượt trội.

Masan đặt ra mục tiêu trong vòng 2 – 3 năm tới, MEATDeli dự định sẽ phục vụ 10 triệu người tiêu dùng với kỳ vọng doanh thu 1 tỷ USD. Ngoài thịt mát, Masan còn hướng tới thị trường bán lẻ các sản phẩm chăm sóc cá nhân, thậm chí cả sữa và dược phẩm trong giai đoạn 2020 - 2022.

Masan tái khởi động tham vọng lên ngôi thị trường bán lẻ
Chiến lược mới của Masan tiết lộ những mục tiêu trong lĩnh vực bán lẻ

Công ty muốn xây dựng một mô hình “lai”, kết hợp giữa bán lẻ truyền thống, bán lẻ hiện đại và thương mại điện tử, qua đó “thống nhất” thị trường bán lẻ đang phân mảnh tại Việt Nam, giảm bớt được chi phí hoa hồng phải trả cho nhà phân phối và từ đó giúp người tiêu dùng tiết kiệm được tối thiểu 5% chi phí khi đi mua sắm trong hệ thống của Masan.

Tuy nhiên, nếu chỉ có mỗi MEATDeli sẽ không đủ cho kế hoạch của Masan. Chỉ sau cái bắt tay với Vingroup vừa qua, Masan mới đánh dấu sự trở lại mảng bán lẻ của mình một cách mạnh mẽ nhất.

Công ty mới do Masan điều hành sẽ thừa hưởng mạng lưới hơn 2.600 siêu thị và cửa hàng VinMart & VinMart + tại 50 tỉnh thành với hàng triệu khách hàng; hệ thống 14 nông trường công nghệ cao VinEco cùng nguồn lực và 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất tiêu dùng từ Masan.

Sau khi tiếp quản, Masan cho biết sẽ vẫn giữ nguyên hệ thống quản trị hiện tại của VinCommerce cũng như các chính sách đối với nhà cung cấp. Toàn bộ khách hàng của VinCommerce cũng sẽ tiếp tục được hưởng các ưu đãi của Vingroup, đặc biệt là các chính sách đặc quyền thẻ VinID dành cho khách hàng. Các cán bộ nhân viên của VinMart & VinMart+ sẽ được tiếp tục kế thừa các quyền lợi có sẵn từ Vingroup và hưởng thêm các chế độ đãi ngộ từ Masan.

Chiến lược tiếp theo của Masan là kết nối những lĩnh vực kinh doanh với hệ sinh thái đáp ứng nhu cầu hằng ngày của người tiêu dùng từ thực phẩm và đồ uống đến chăm sóc sức khoẻ, nhu cầu cá nhân và cả dịch vụ tài chính thông qua Techcombank. Trong tương lai, Masan còn có thể mở rộng hệ sinh thái sang các lĩnh vực khác như y tế, thông tin liên lạc, giáo dục,… nhằm gia tăng tỷ trọng chi tiêu trong ví của người tiêu dùng dành cho các sản phẩm dịch vụ của tập đoàn.

Ban lãnh đạo Masan có lẽ nhận định “đây là thời điểm thích hợp” để trở lại thị trường bán lẻ. Đây cũng được xem là lời giải thích hợp cho bài toán tăng trưởng của Masan, trong bối cảnh ngành hàng tiêu dùng nhanh đã phát triển đến ngưỡng bão hòa.

Tất nhiên, thách thức đối với Masan trong lần trở lại này không hề nhỏ. Thị trường bán lẻ Việt Nam đã phát triển vượt xa so với cách đây gần 20 năm, các lĩnh vực bán lẻ hiện đại, thương mại điện tử đều có bước đột phá. Mặc dù vậy, những doanh nghiệp trong ngành vẫn gặp nhiều khó khăn và cạnh tranh gay gắt. 

Trong vài năm trở lại đây, thị trường chứng kiến hàng loạt các thương hiệu bán lẻ nổi tiếng trong nước như Fivimart, Citimart đã phải bán mình, trong khi những thương hiệu nước ngoài như Auchan cũng phải đóng cửa. Bản thân Vingroup cũng đã phải tiêu tốn rất nhiều nguồn lực để mở rộng hệ thống cửa hàng hàng nghìn điểm bán như hiện nay song vẫn chưa thể hồi vốn.

Masan nhận định, để thành công trên thị trường bán lẻ, mấu chốt là phải lựa chọn những danh mục sản phẩm phù hợp để sử dụng hàng ngày, áp dụng công nghệ để kết nối người tiêu dùng, và quan trọng nhất là người tiêu dùng cảm thấy có lợi, khi họ có thêm được khoản tiết kiệm khi mua hàng tại hệ thống của Masan.