Mô hình ngân hàng “khôn ngoan” của CIMB trong thị trường tài chính số

Han Sovy - 15:24, 17/12/2018

TheLEADERLợi thế của ngành ngân hàng cùng khả năng tận dụng công nghệ tài chính (fintech) đang mở ra những hướng phát triển thuận lợi cho các mô hình ngân hàng cấp tiến như CIMB.

Các công ty công nghệ tài chính (fintech) đang được đánh giá là những doanh nghiệp “vàng” của thời đại công nghệ và mở ra nhiều tiềm năng phát triển trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam. 

Tuy nhiên, sự lớn mạnh công nghệ tài chính không phải là một tiềm năng thuần tính hội sinh, và rủi ro cho những đơn vị có mô hình vận hành truyền thống trong cùng lĩnh vực là hoàn toàn có thực.

Đối với lĩnh vực tài chính, những tồn đọng của ngành ngân hàng truyền thống – chủ yếu ở quy trình và hệ thống vận hành, đang thể hiện các rào cản phát triển trong bối cảnh nền kinh tế số hóa, khi người tiêu dùng cần nhiều hơn ở sự tiện lợi, nhanh chóng và an toàn trong môi trường giao dịch số. Ở mức độ nhất định, nếu “so găng” với fintech, nói ngành ngân hàng đã bị bỏ lùi về khoản dịch vụ là hoàn toàn có cơ sở.

Về dữ liệu khách hàng, nhờ sở hữu cho mình một hệ sinh thái đa nhiệm, đặc biệt là các công ty có liên quan đến việc tiêu dùng, khu vực fintech đã thể hiện các ưu thế trong việc nắm bắt hành vi chi tiêu cũng như khả năng tạo ra kho dữ liệu người dùng khổng lồ khi chủ động phát triển tại những mảng tiêu dùng thiết yếu (vận chuyển, ăn uống, giải trí, thuê nhà…). 

Tính cá nhân hóa và khả năng nghiên cứu hành vi (insight) khách hàng mà fintech đã thành công, chính là mảnh ghép cần có - nhưng đang thiếu của ngành ngân hàng cho những bước phát triển lớn hơn trong nền kinh tế số, nhất là ở khía cạnh cho vay tiêu dùng thông qua điểm tín dụng.

Song, bức tranh fintech – ngân hàng nếu chỉ nhìn ở yếu tố cạnh tranh sẽ có phần phiến diện. Mảng cho vay kinh doanh với hệ thống lưu thông tiền tệ, liên kết tài chính rộng khắp thông qua mạng lưới ngân hàng quốc tế, quỹ đầu tư và cộng đồng doanh nghiệp vẫn đang đem lại những đối trọng nhất định của ngành ngân hàng so với các công ty fintech.

Nhìn chung, tại thời điểm hiện tại, những ngân hàng biết nắm bắt cơ hội, am hiểu sự vận hành của fintech sẽ dễ dàng cộng sinh với khu vực này, hạn chế rủi ro về lâu dài và tận dụng được những lợi thế riêng có của fintech để hoàn thiện hướng phát triển trong bối cảnh nền kinh tế chi phối nhiều bởi công nghệ.

Đại diện cho nhóm những ngân hàng đi đầu trong việc “chuyên hóa” vấn đề hợp tác với các công ty tài chính công nghệ, “ông lớn” ngành ngân hàng Malaysia – CIMB, mới đây đã chính thức khai trương chi nhánh tại TP. Hồ Chí Minh và lần đầu tiên ra mắt dịch vụ ngân hàng số OCTO by CIMB. Sự kiện đã khẳng định lần nữa định vị ngân hàng số mà đơn vị hướng đến cũng như dư địa phát triển còn rất lớn của mô hình này tại Việt Nam sau 2 năm gia nhập thị trường này (từ 2016).

Tại Việt Nam, ngoài các hoạt động ngân hàng truyền thống, CIMB hiện đang cung cấp đa dạng các loại hình dịch vụ (đáng chú ý là dịch vụ ngân hàng số như trên) cho cả khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp cũng như những sản phẩm liên quan đến thương mại, mậu dịch. 

Bên cạnh đó, ngân hàng 100% vốn nước ngoài này còn chủ trương hỗ trợ các khách hàng doanh nghiệp trong khu vực và các tập đoàn hàng đầu Việt Nam thông qua mạng lưới rộng khắp và khả năng xây dựng các giải pháp tài chính, hướng đến việc thúc đẩy các dòng vốn đầu tư thương mại giữa các quốc gia ASEAN với Việt Nam và ngược lại. Cụ thể, kể từ khi thành lập vào tháng 12 năm 2016, CIMB đã và đang hỗ trợ các khách hàng chủ chốt của ASEAN thông qua việc tài trợ dự án, tài trợ đầu tư, mua bán sáp nhập, tài trợ vốn lưu động, tài trợ thương mại và các sản phẩm về ngân quỹ.

Mô hình ngân hàng “khôn ngoan” của CIMB trong thị trường tài chính số

Góc nhìn 2 chiều về hiện tượng fintech

"Theo tôi, dù đúng là có mang những thách thức tiềm ẩn nhưng khách quan mà nói, các công ty fintech vừa là động lực, vừa là đối tác chiến lược cho sự phát triển chung của ngành ngân hàng trong nền kinh tế đang “số hóa” - Tổng Giám đốc Điều hành CIMB Việt Nam - ông Thomson Fam Siew Kat, đã phát biểu trong buổi chia sẻ riêng cùng báo giới nhân sự kiện khai trương chi nhánh TP. Hồ Chí Minh vừa qua.

Nhận định này có thể lý giải theo nhiều nguyên nhân, đơn cử như chuyện Việt Nam không có hệ thống đánh giá điểm tín dụng như nhiều nước nên việc xét duyệt cho vay rất khó và không vượt qua các quy định quản trị rủi ro của khối ngân hàng ngoại.

Việc hợp tác với các fintech, như ví điện tử chẳng hạn, sẽ giúp các ngân hàng tính toán được khả năng cho vay của người sử dụng để giảm thiểu rủi ro. Sau khi nắm được điểm tín dụng của khách hàng nhờ dữ liệu thu thập qua việc người dùng chi tiêu bằng ứng dụng, các công ty fintech có thể cung cấp dữ liệu này cho ngân hàng; với thế mạnh tài chính, các ngân hàng dễ dàng cung cấp các khoản vay mua nhà, ô tô cho với mức lãi suất tỉ lệ nghịch với điểm tín dụng họ có, điểm càng cao lãi suất càng thấp và ngược lại.

Mặt khác, để lạc quan khi nói về các rủi ro nếu có, các ngân hàng như CIMB vẫn có thế mạnh nhất định. Dù các công ty fintech có nhiều dữ liệu và khả năng công nghệ tốt hơn nhưng họ lại bị hạn chế về mặt quy định pháp luật khi chỉ là ví điện tử nên không thể cho vay. 

Sự kiện Grab Việt Nam, dù là công ty fintech có đủ khả năng xây dựng công nghệ riêng nhưng phải kết hợp với ví điện tử Moca cho sản phẩm ví điện tử tích hợp của chính mình (GrabPay by Moca); hay như các sự cố (vốn không đáng có) nhưng xuất phát từ việc phải phụ thuộc đến liên kết tài khoản ngân hàng (theo quy định) của sản phẩm này ở bước đầu triển khai cũng có nhiều tính chất tương tự câu chuyện trên.

Do đó, ở mức độ khách quan, mối quan hệ ngân hàng – fintech tại Việt Nam, có ý nghĩa tương hỗ nhiều hơn là cạnh tranh ở thời điểm hiện tại.

Một khía cạnh nữa cần nhìn trong câu chuyện fintech - ngân hàng là mảng khách hàng cá nhân. Báo cáo lợi nhuận của các ngân hàng nội thời gian qua cho thấy các ngân hàng ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận cao kỷ lục đều là nhóm đang chuyển hướng khai thác khách hàng cá nhân.

Nói thế để thấy áp lực trên vai CIMB Việt Nam là không hề nhỏ và việc đẩy mạnh các hoạt động ngân hàng kỹ thuật số như mở tài khoản ghi nợ, tài khoản tiết kiệm hay chuyển tiền 24/7… là chưa đủ hấp dẫn trong một thị trường cạnh tranh như hiện nay.

Chiến lược số hóa mà CIMB đang theo đuổi, cụ thể là hợp tác với các fintech, thực chất chỉ là một phần trong kế hoạch xây dựng mô hình ngân hàng đa nhiệm, đa năng trong bối cảnh phát triển chung của tài chính số. 

Theo định hướng, CIMB Việt Nam trong tương lai sẽ hợp tác với nhiều bên công nghệ, bán lẻ và cả viễn thông để hiểu rõ nhu cầu của khách hàng hiện nay, từ đó đưa ra các sản phẩm phù hợp và liên tục.

Nhiệm vụ trước mắt của CIMB Việt Nam là mở rộng hệ sinh thái càng nhanh càng tốt và giữ chân các khách hàng ở trong hệ sinh thái lâu nhất có thể nhưng phải đảm bảo tỉ lệ chi phí trên thu nhập ở mức 20%-30%.

Đẩy mạnh dịch vụ ngân hàng kỹ thuật số là chiến lược trọng điểm của CIMB ở Đông Nam Á và đặc biệt nếu tạo được tính cạnh tranh và bền vững ở Việt Nam, mô hình này sẽ được nhân rộng sang các thị trường trong khu vực Đông Nam Á.

Có một thực tế là trong thời gian qua, các ngân hàng thường "đóng cửa" và tự kinh doanh (không có các chính sách hợp tác với khu tài chính số mới nổi), nhưng cách làm này hiện đã không còn hiệu quả nữa. Số hóa diễn biến nhanh như hiện nay đã rung lên hồi chuông làm mới các hoạt động kinh doanh đến các ngân hàng truyền thống, hiểu hơn về cách thức hoạt động của fintech và từ đó tạo ra các sản phẩm hay thậm chí là hệ sinh thái sản phẩm để phát huy lợi thế của riêng mình.