Mỹ kết luận lốp ô tô Việt Nam được trợ giá, bán phá giá

Nhật Hạ - 13:03, 25/05/2021

TheLEADERBộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa kết luận lốp ô tô Việt Nam đang được trợ giá không bình đẳng với tỷ lệ từ 6,23% đến 7,89% thông qua việc đồng tiền Việt Nam được định giá thấp.

Mỹ kết luận lốp ô tô Việt Nam được trợ giá, bán phá giá
Tỷ lệ bán phá giá của lốp xe Việt Nam tại Mỹ lên tới 22,37%.

Bộ Thương mại Mỹ (DOC) ngày 24/5 đã đưa ra kết luận cuối cùng về cuộc điều tra chống bán phá giá đối với lốp ô tô (lốp xe du lịch và xe tải nhẹ) nhập khẩu từ Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan và Việt Nam.

Trong đó, DOC xác định lốp ô tô của Việt Nam đang được trợ giá với tỷ lệ 6,23% đến 7,89% thông qua việc quy đổi USD sang VND với tỷ giá hối đoái thấp hơn giá trị thực của VND.

Cùng với đó, cơ quan này còn phát hiện lốp xe nhập khẩu từ 4 nền kinh tế trên đang bị bán phá giá trên thị trường Mỹ.

Theo đó, biên độ bán phá giá tại Mỹ đối với lốp xe Việt Nam trong khoảng 0 - 22,37%; lốp Hàn Quốc từ 14,72 – 27,05%; lốp Đài Loan từ 20,04 - 102%; còn lốp Thái Lan từ 14,62 - 21%.

Dựa trên kết luận điều tra này, DOC đưa ra mức thuế chống trợ giá đối với lốp ô tô từ Việt Nam như sau: lốp của công ty Kumho Tire (Vietnam) Co. Ltd. bị áp thuế 7,89%; lốp của Sailun (Vietnam) Co. Ltd. bị áp thuế 6,23%; và lốp từ các nhà sản xuất khác tại Việt Nam bị áp thuế 6,46%.

Đối với thuế bán phá giá, lốp xe từ Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ bị áp thuế suất 22,3%, ngoại trừ lốp của Kenda Rubber (Vietnam) Co. Ltd.; Sailun Group (Hong Kong) Co. Ltd./Sailun Tire Americas Inc.; Bridgestone Corp.; Bridgestone Tire Manufacturing Vietnam LLC; Kumho Tire (Vietnam) Co. Ltd.; và Yokohama Rubber Co. Ltd. có mức thuế 0%.

Được biết, Việt Nam, Hàn Quốc, Đài Loan và Thái Lan nằm trong những nhà cung cấp lốp xe lớn nhất của Mỹ và có sự tăng trưởng mạnh kể từ khi Mỹ áp thuế quan lên ốp ô tô nhập từ Trung Quốc.

Năm 2020, Mỹ đã nhập khẩu 13,8 triệu lốp xe du lịch và xe tải nhẹ trị giá khoảng 542 triệu USD từ Việt Nam, tăng 1,6 triệu lốp và 15% về trị giá so với năm 2019. Nhập từ Thái Lan 44,5 triệu lốp trị giá gần 2 tỷ USD; nhập từ Hàn Quốc 17 triệu lốp trị giá gần 1 tỷ USD; nhập từ Đài Loan 10 triệu lốp trị giá 438 triệu USD.

Theo quyết định áp thuế chống bán phá giá sơ bộ hồi tháng 1 của Bộ Thương mại Mỹ đối với lốp xe du lịch và xe tải nhẹ từ Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, và Việt Nam thì các nhà xuất khẩu lốp xe lớn của Việt Nam đã được xác định là "không bán phá giá lốp xe tại Mỹ".

Các nhà sản xuất đó gồm Sailun, Kenda Rubber, Bridgeston, Kumho Tire và Yokohama Rubber, chiếm 95,5% tổng kim ngạch xuất khẩu lốp xe của Việt Nam sang Mỹ vào năm 2019. 

Tại thời điểm đó, Bộ Công thương Việt Nam cho rằng quyết định này sẽ tạo ra lợi thế cho cho doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt từ Trung Quốc và Thái Lan. Ngành cao su cũng được hưởng lợi từ các quyết định này do một số lượng lớn các sản phẩm của nó được sử dụng để làm lốp xe.

Cụ thể, theo các quyết định sơ bộ vào tháng 1, biên độ bán phá giá của lốp Hàn Quốc tại Mỹ ở mức từ 14,24 - 38,07%; Đài Loan ở mức 52,42 - 98,44%; Thái Lan từ mức 13,25 - 22,21%; Việt Nam từ 0 - 22,3%.