Ngân hàng gặp khó vì tín dụng tăng trưởng thấp

Trần Anh - 17:33, 06/05/2019

TheLEADERTốc độ tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng thấp hơn các năm trước khiến tình hình kinh doanh tại nhiều ngân hàng bị hưởng đáng kể.

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4/2019 cuối tuần qua, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, tính đến ngày 17/4/2019, tăng trưởng tín dụng ở mức 3,23% so với đầu năm. Con số này thấp hơn so với mức tăng 5% của cùng kỳ 2018.

Việc tốc độ tăng trưởng chậm lại không quá bất ngờ bởi theo dõi hoạt động siết chặt từ phía cơ quan quản lý, có thể thấy tăng trưởng tín dụng của nhiều ngân hàng đã chịu ảnh hưởng đáng kể ngay từ cuối năm 2018.

Năm ngoái, tổng dư nợ tín dụng của toàn nền kinh tế đạt 7,2 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 13,9% so với năm 2017. Trong đó, các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước gồm BIDV, VietinBank và VietcomBank tiếp tục thể hiện vài trò đầu tàu khi chiếm tỷ trọng cao trong tổng dư nợ toàn ngành.

Tuy nhiên, kể cả trong nhóm dẫn đầu này, cũng có ngân hàng gặp khó khăn. Cho vay khách hàng của VietinBank năm ngoái chỉ đạt 865 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 9,5% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng trưởng của VietinBank thấp hơn khá nhiều so với mức tăng trưởng bình quân 13,9% toàn ngành.

Trong quý 4 năm ngoái, Vietinbank đã bất ngờ báo lỗ 853 tỷ đồng. Điều này khiến lợi nhuận cả năm của ngân hàng giảm mạnh 26% so với năm 2017 còn 6.742 tỷ đồng, thấp hơn các ngân hàng tư nhân như VPBank, Techcombank.

Tại ĐHCĐ diễn ra đầu năm nay, VietinBank cho biết đang tích cực xử lý các vấn đề về tài sản. Ngân hàng đang ưu tiên chuyển nhượng toàn bộ tài sản của dự án trụ sở tại Ciputra trị giá hơn 10.000 tỷ đồng, sau đó thuê lại tháp 68 tầng làm trụ sở làm việc.

Gần đây, VietinBank công bố bán khoản vay dài hạn 4.559 tỷ đồng và trái phiếu đến hạn trả 2.280 tỷ đồng, tổng cộng hơn 6.700 tỷ đồng tại Xi măng Công Thanh cho VAMC và được VAMC ủy quyền thực hiện việc đòi nợ, thu hồi nợ gốc và lãi, quản lý tất cả các khoản nợ mà VietinBank đã bán lại cho VAMC, xử lý tài sản đảm bảo.

Một ngân hàng lớn khác cũng chỉ tăng trưởng tương đương bình quân toàn ngành (14%) là BIDV. Các công ty phân tích đánh giá, BIDV vẫn còn nợ xấu tại VAMC chưa được trích lập đầy đủ và có thể phát sinh một số khoản nợ xấu khác, tương tự như trường hợp của Vietinbank.

Một vấn đề khác đó là đà tăng trưởng tín dụng của BIDV phụ thuộc lớn vào khả năng thành công của việc tăng vốn thông qua bán cổ phần cho KEB Hana Bank của Hàn Quốc. Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận kế hoạch này, mặc dù vậy, với nhiều khúc mắc xảy ra trong quá trình đàm phán, thời điểm hoàn tất thương vụ này vẫn còn là dấu hỏi.

Các ngân hàng nhỏ là đối tượng chịu tác động lớn nhất từ chính sách siết tăng trưởng tín dụng. EximBank có tốc độ tăng trưởng tín dụng thấp nhất năm qua khi cho vay khách hàng chỉ đạt 104 tỷ đồng, tăng trưởng 2,97% so với năm trước. 

Ở chiều ngược lại, Vietcombank tiếp tục duy trì tộc độ tăng trưởng ấn tượng. Dư nợ tín dụng đến cuối năm 2018 của Vietcombank đạt 624 nghìn tỷ đồng, tăng 16,4% so với năm trước đó. Vietcombank cũng là ngân hàng duy nhất được NHNN áp dụng mức tăng trưởng tín dụng tối đa 15% trong năm 2019 này.

Sacombank tiếp tục có một năm xử lý nợ xấu hiệu quả, đồng thời nhờ tăng mạnh quy mô tín dụng, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của ngân hàng giảm xuống dưới ngưỡng 3%. Cụ thể, dư nợ tín dụng của ngân hàng đến cuối năm 2018 đạt 256 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 15,6% so với năm 2017. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng của Sacombank cũng giảm mạnh từ 6,7% năm 2016 xuống còn 2,11% cuối năm 2018.

Năm 2019, NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn ngành chỉ là 14%, tương đương so với năm 2018. Chỉ tiêu tăng trưởng giao cho các ngân hàng cũng rất thấp, mức cao nhất hiện tại là Vietcombank 15%, còn những ngân hàng thuộc diện tái cơ cấu chỉ được khoảng 7%. Điều này đang ảnh hưởng mạnh mẽ tới hệ thống ngân hàng, vốn vẫn sống đa phần dựa vào tín dụng.

Trong bối cảnh tín dụng ngân hàng năm nay khó có đột biến, lợi nhuận toàn ngành được dự báo khó có thể tăng trưởng mạnh như 2 năm gần đây. Thay vì tập trung vào các hoạt động nhiều rủi ro như cho vay bất động sản, các ngân hàng đang tìm hướng đi mới để bù đắp lợi nhuận như đẩy mạnh hoạt động bán lẻ, gia tăng nguồn thu dịch vụ.