Ngân hàng Thế giới: 4 khuyến nghị cho Việt Nam giữa bất định

Kiều Mai - 16:44, 14/03/2023

TheLEADERNgân hàng Thế giới đánh giá Việt Nam vẫn còn dư địa để triển khai các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng, trong đó, thực hiện hiệu quả các dự án đầu tư công trọng điểm là một chìa khóa tăng trưởng trong cả ngắn và dài hạn.

Ngân hàng Thế giới (World Bank) trong báo cáo mới nhất nhận định triển vọng kinh tế 2023 của Việt Nam vẫn tích cực, với dự báo tăng trưởng GDP đạt 6,3%. Những rủi ro trước mắt bao gồm áp lực lạm phát kéo dài và viễn cảnh chính sách tiền tệ còn bị thắt chặt hơn nữa, quá trình phục hồi không đồng đều hoặc không đầy đủ tại Trung Quốc.

Trong nước, các yếu tố thách thức với tăng trưởng đến từ lạm phát cao và rủi ro tài chính gia tăng.

Ngân hàng Thế giới nhấn mạnh bất định cao hơn nghĩa là chính sách sẽ tiếp tục phải thích ứng với tiến độ phục hồi cả ở Việt Nam và thế giới, đồng thời phải thận trọng với rủi ro tài chính và lạm phát.

Theo đó, chính sách tài khóa cần mang tính hỗ trợ; chính sách tiền tệ cần tiếp tục mục tiêu cân bằng lạm phát, ổn định tài chính, và tăng trưởng; tăng cường khung giám sát đối với khu vực tài chính; và cần có những cải cách cơ cấu sâu sắc.

Cụ thể, triển vọng của nền kinh tế Việt Nam được đánh giá vẫn thuận lợi theo dự báo cơ sở. GDP dự kiến tăng trưởng 6,3% trong năm nay, và tăng lên mức 6,5% từ năm 2024 trở đi nhờ xuất khẩu khởi sắc hơn khi cả ba thị trường chính của Việt Nam (Mỹ, khu vực đồng Euro và Trung Quốc) đều phục hồi.

Lạm phát dự kiến rơi vào khoảng 4,5% trong năm 2023, giảm về 3,5% trong năm tới, và 3,0% vào năm 2025, quay về các mức trước đại dịch.

Theo kịch bản cơ sở, cán cân tài khóa dự kiến sẽ ghi nhận thâm hụt nhỏ trong khi chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục thận trọng.

Tài khoản vãng lai dự kiến sẽ thặng dư ở mức nhỏ trong trung hạn nhờ kết quả xuất khẩu hàng hóa, lượt du khách nước ngoài được phục hồi và nguồn kiều hối vẫn đứng vững.

Ngân hàng Thế giới đánh giá rủi ro về cơ bản là cân bằng. Trước mắt, Việt Nam phải đối mặt với những rủi ro tăng cao liên quan đến những trở ngại bên ngoài, và nguy cơ dễ tổn thương trong nước.

Áp lực lạm phát kéo dài và viễn cảnh chính sách tiền tệ còn bị thắt chặt hơn nữa, nhất là ở Mỹ và các nền kinh tế phát triển khác, có thể gây ra biến động trên các thị trường tài chính toàn cầu, và cản trở tăng trưởng kinh tế.

Quá trình phục hồi không đồng đều hoặc không đầy đủ ở Trung Quốc có thể ảnh hưởng hơn đến tăng trưởng và diễn biến thương mại ở Việt Nam.

Ngoài ra, rủi ro phi toàn cầu hóa vẫn đang lơ lửng trước mắt, khi xung đột và căng thẳng địa chính trị gia tăng làm dấy lên bất định về hướng đi của tăng trưởng và thương mại toàn cầu trong tương lai, ảnh hưởng đáng kể đến các nền kinh tế mở quy mô nhỏ như Việt Nam.

Nhìn từ trong nước, lạm phát cao và rủi ro tài chính gia tăng, dẫn đến áp lực mất ổn định về chi phí sản xuất và lương danh nghĩa. Lạm phát cao hơn và kéo dài hơn có xu hướng làm giảm động lực tiêu dùng trong nước do giá cả các mặt hàng cao hơn, đồng thời giảm động lực đầu tư trong nước do bất định về tình hình kinh tế gia tăng.

Cùng với đó, những yếu kém trong cơ chế chính sách và giám sát khu vực tài chính cùng những yếu kém trên bảng cân đối tài sản của khu vực ngân hàng, doanh nghiệp và hộ gia đình có thể làm tăng thêm rủi ro, qua đó ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư và người tiêu dùng trong nước.

4 khuyến nghị chính sách

Với triển vọng trong nước và toàn cầu như trên, quan điểm chính sách tài khóa mang tính hỗ trợ là cách để tự phòng vệ với những rủi ro về suy giảm tăng trưởng, Ngân hàng Thế giới khuyến nghị.

Việt Nam vẫn còn dư địa tài khóa để hành động, nhưng yếu kém trong triển khai đã và đang làm giảm hiệu quả của chính sách tài khóa.

Trước mắt, trọng tâm cần nhằm vào triển khai dự toán đầu tư, bao gồm các dự án được xác định trong chương trình chính sách phục hồi và phát triển kinh tế, bao gồm đầu tư vào hạ tầng cơ sở vật chất và hạ tầng số.

Những dự án này sẽ giúp đẩy mạnh nhu cầu trong nước trong ngắn hạn, đồng thời góp phần cho tăng trưởng tiềm năng trong dài hạn của Việt Nam.

Trong trung hạn, xử lý những trở ngại thể chế dẫn đến chưa đảm bảo tiến độ chương trình đầu tư công là cách để nâng cao hiệu quả của chính sách tài khóa.

Bên cạnh đó, tiếp tục mở rộng mạng lưới an sinh xã hội theo cách có mục tiêu sẽ giúp chống đỡ hệ quả của lạm phát tăng cao đối với các hộ nghèo và dễ bị tổn thương, đồng thời tạo ra lớp đệm chống đỡ tác động đối với tiêu dùng tư nhân.

Tiếp sau những biện pháp thắt chặt các năm trước, chính sách tiền tệ cũng cần tiếp tục mục tiêu cân bằng lạm phát, ổn định tài chính, và tăng trưởng.

Vì lạm phát cơ bản và toàn phần trong nước tiếp tục tăng cao hơn so với mục tiêu chính sách do Chính phủ đề ra, quan điểm chính sách tiền tệ thận trọng và an toàn hiện này có lẽ là phù hợp trong thời điểm hiện tại.

Tuy nhiên, theo Ngân hàng Thế giới, nếu lạm phát cơ bản và toàn phần tiếp tục gia tăng, công tác phối hợp giữa chính sách tài khóa và tiền tệ sẽ trở nên hết sức cần thiết.

Trong hoàn cảnh đó, NHNN có thể cần tiếp tục thắt chặt tiền tệ để giảm áp lực lạm phát thông qua tiếp tục tăng lãi suất, nhưng tiếp tục tăng lãi suất có thể làm trầm trọng hơn các điểm yếu hiện có trong lĩnh vực tài chính. Do đó, việc duy trì tính thanh khoản cần thiết hỗ trợ các thị trường vốn chính là tối quan trọng để tránh lạm phát bùng lên.

Thứ ba, rủi ro tài chính nổi lên cho thấy nhu cầu cần tăng cường khung chính sách, giám sát, và quản trị doanh nghiệp đối với khu vực tài chính.

Trong số các biện pháp chính, các lĩnh vực cải cách cần được cân nhắc bao gồm tăng cường khuôn khổ giám sát dựa trên rủi ro của NHNN; tăng cường khuôn khổ xử lý các ngân hàng yếu kém hoặc mất khả năng trả nợ; thiết lập cơ chế và chính sách vững chắc để giám sát các tập đoàn hợp nhất có thành viên là ngân hàng thương mại.

Cùng với đó, Việt Nam cũng cần cân nhắc sửa đổi Luật về các tổ chức tín dụng và Luật Ngân hàng Nhà nước; tăng cường các chuẩn mực trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp; và tăng cường minh bạch chung trong khu vực tài chính.

Thứ tư, nâng cao bền vững cho tăng trưởng trong trung và dài hạn đòi hỏi phải có những cải cách cơ cấu sâu sắc, Ngân hàng Thế giới nhấn mạnh.

Cải cách về quản lý nhà nước sẽ cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy cạnh tranh và chuyển sang sản xuất kinh doanh trong khu vực chính thức, qua đó nâng cao tăng trưởng năng suất và giúp khu vực tư nhân tiếp tục phát triển để đáp ứng nhu cầu của tầng lớp trung lưu ngày càng lớn mạnh.

Những cải cách này nhằm đảm bảo nguồn lực được phân bổ cho những doanh nghiệp có năng suất cao nhất, đồng thời cải cách khuôn khổ pháp lý cho phát sản cho phép đóng cửa những doanh nghiệp kém hiệu quả.

Những cải cách này có thể bao gồm những biện pháp giúp cải thiện năng suất của doanh nghiệp thông qua tăng cường tiếp cận tài chính (ngân hàng số, phát triển thị trường vốn).