Ngành điện tử tiêu dùng chiếm 7 trong 10 nhà bán lẻ lớn nhất Việt Nam

Việt Hưng - 12:48, 20/08/2018

TheLEADERTheo tạp chí Retail Asia, các nhà bán lẻ điện tử như Thế Giới Di Động, FPT Shop, Nguyễn Kim, Viễn Thông A...đều có mặt trong top 10 nhà bán lẻ lớn nhất Việt Nam năm 2017.

Tạp chí Retail Asia số tháng 6 và 7 vừa công bố 500 nhà bán lẻ lớn nhất châu Á - Thái Bình Dương. Trong đó, Thế Giới Di Động nhảy một bước từ vị trí 110 năm ngoái lên 70.

Quy mô nhà bán lẻ này trong năm 2017 ở mức doanh thu 3,2 tỷ USD, lợi nhuận sau thuế công bố là hơn 100 triệu USD, tăng từ mức gần 2 tỷ USD và gần 70 triệu USD năm 2016.

Điểm thú vị là trong 14 nền kinh tế được Retail Asia đưa vào danh sách, duy nhất ở Việt Nam, một nhà bán lẻ thuộc lĩnh vực điện thoại và điện tử tiêu dùng chiếm vị trí số 1, còn ở những nước khác, vị trí dẫn đầu luôn thuộc về các nhà bán lẻ hàng tiêu dùng.

Cụ thể, tại Việt Nam, trong số 10 nhà bán lẻ lớn nhất được Retail Asia xếp hạng, 7/10 là các hệ thống bán lẻ điện tử tiêu dùng, điện máy, tính đến hết năm 2017.

Dẫn đầu là Thế Giới Di Động với 1.914 cửa hàng trên toàn quốc. Xếp sau là các hệ thống như: FPT Shop (500 cửa hàng), Nguyễn Kim (50 siêu thị), Điện máy Chợ Lớn (51 siêu thị), Viễn Thông A (310 cửa hàng), Home Center (13 siêu thị) và Pico (22 siêu thị).

Ba nhà bán lẻ còn lại thuộc lĩnh vực bán lẻ hàng tiêu dùng là: hệ thống bán lẻ của Sài Gòn Co.op với 230 cửa hàng, Big C với 63 siêu thị và hệ thống VinMart+, VinPro, VinMart với 1.149 cửa hàng và siêu thị trên toàn quốc.

Theo Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam, năm 2017, Việt Nam thuộc top 30 quốc gia có thị trường bán lẻ sôi động nhất thế giới.

Hàng loạt các nhà bán lẻ nổi tiếng từ Nhật, Pháp, Thái Lan… đầu tư vào Việt Nam khiến thị trường bán lẻ cạnh tranh khốc liệt. Đây cũng là thời cơ các nhà bán lẻ phải thay đổi, tăng sức cạnh tranh và đưa ra chiến lược đầu tư đúng đắn.

Còn theo đánh giá của HSBC, lĩnh vực bán lẻ của Việt Nam có quy mô tương đối nhỏ, với doanh thu hằng năm chỉ vào khoảng 90 tỷ USD theo ghi nhận vào năm 2016. Thu nhập khả dụng không quá cao vì nền kinh tế vừa thoát khỏi tình trạng “thu nhập thấp”.

"Nhưng điều đáng chú ý là Việt Nam đang nhanh chóng nổi lên như là một thị trường quan trọng đối với lĩnh vực bán lẻ", HSBC nhấn mạnh.

Nhà băng này cho rằng, triển vọng trên nhờ vào lực lượng dân số trẻ chiếm phân nửa trong tổng dân số 92 triệu người và thu nhập trung bình hằng năm (2.200 đô la Mỹ/ năm theo ghi nhận trong năm 2016) được kỳ vọng sẽ tăng nhanh trong trung hạn.

''Sự kết hợp giữa sự gia tăng nhanh chóng về thu nhập bình quân của người tiêu dùng Việt và sự nới lỏng các luật lệ đang tạo ra một môi trường hoàn hảo giúp lĩnh vực bán lẻ phát triển mạnh mẽ'', HSBC nhận định.