Người dân khó khởi kiện vụ ô nhiễm nước sông Đà

Linh An - 12:11, 23/10/2019

TheLEADERSự tham gia của tư nhân vào việc cung cấp các dịch vụ công đòi hỏi thêm những quy định, thiết chế đảm bảo chất lượng dịch vụ, tránh vụ việc sông Đà tái diễn.

Những ngày vừa qua, cuộc sống của nhiều người dân tại khu vực Tây Nam Hà Nội bị đảo lộn kể từ khi phát hiện nước sinh hoạt do có mùi lạ khó chịu.

Thành phố Hà Nội sau đó đã khuyến cáo người dân không ăn, không uống nước nhiễm dầu khi nguyên nhân được xác định là do dầu thải bị đổ trộm vào đầu nguồn nước của Nhà máy nước sông Đà.

Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) đã tạm ngừng cấp nước để xúc xả tuyến ống truyền tải.

Trong vụ việc này, luật sư Nguyễn Tiến Lập thuộc Hội đồng khoa học Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông (IPS) đánh giá người dân gần như không có bất cứ cơ sở pháp luật nào để đòi hỏi đền bù từ đơn vị cấp nước.

Điều băn khoăn là trong hợp đồng mua nước, cấp nước của người dân ký với công ty sông Đà có điều khoản nào bảo vệ người dân sau sự cố vừa rồi hay không.

Người dân khó khởi kiện vụ ô nhiễm nước sông Đà
Luật sư Nguyễn Tiến Lập

“Nhìn vào hợp đồng, tôi thấy rằng rất khó để kiện được công ty nước sạch", ông Lập cho biết tại tọa đàm “Thị trường hàng hoá dịch vụ công nhìn từ nước sạch sông Đà”.

Ngoài hợp đồng cấp nước, người dân còn có 2 khuôn khổ pháp lý để có thể đòi hỏi công bằng là Luật Bảo vệ người tiêu dùng và Luật về Bảo vệ sức khỏe nhân dân. Tuy nhiên, những quy định này chỉ có giá trị chung như Hiến pháp và ông Lập đánh giá không có giá thực thi.

Trên thực tế, khách hàng không có khả năng lựa chọn, người dân ở quận nào sẽ phải dùng nước của nhà máy cấp cho quận đó. “Mỗi nhà máy nước nắm giữ sự an toàn, sinh mạng của cả triệu người thì đây là điều rất nguy hiểm", vị luật sư quan ngại.

Ông Lập phân tích người dân muốn khởi kiện vụ việc ra tòa phải chứng minh được Nhà máy nước sông Đà có vi phạm và thiệt hại. Tuy nhiên, việc chứng minh cả 2 điều này đều không khả thi.

Trong khi người dân kêu nước có mùi cháy khét thì công ty sông Đà vẫn đánh giá nước đủ điều kiện và không có điều khoản nào ghi nước có mùi khét thì người dân có quyền kiện.

Xét về thiệt hại, người dân phải chứng minh được nước được cung cấp không dùng được nên phải đi mua. Còn ảnh hưởng về sức khỏe thì gần như không chứng minh được.

Theo đó, ông Lập cho rằng việc đòi công lý trong những trường hợp như vụ việc sông Đà gần như không thể.

Nhìn từ vụ việc ô nhiễm nước sông Đà, TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng cần có những quy định, thiết chế đảm bảo chất lượng dịch vụ công do doanh nghiệp tư nhân cung cấp.

"Phải có đạo luật về dịch vụ công áp đặt các chuẩn mực về dịch vụ công. Các cơ quan có thẩm quyền quy định về tiêu chuẩn, chất lượng dịch vụ mà bất kỳ doanh nghiệp tư nhân nào muốn tham gia cung cấp dịch vụ công cũng phải tuân theo", ông Dũng chia sẻ.

Doanh nghiệp tư nhân có nhiều thế mạnh nếu được tạo điều kiện tham gia cung cấp dịch vụ công nhưng vì tư nhân thường chạy theo lợi nhuận, một số vấn đề khác nhiều khả năng sẽ bị bỏ qua.

Nếu trong thị trường dịch vụ công không có cạnh tranh về chất lượng thì rủi ro của việc chất lượng không đảm bảo sẽ rất lớn. Doanh nghiệp sẽ đặt tiêu chí chất lượng xuống dưới lợi nhuận và vụ việc sông Đà có thể lại xảy ra một lần nữa, ông Dũng đánh giá.