Người Việt quan tâm về sức khỏe nhất thế giới

Hoài An - 17:34, 06/03/2020

TheLEADERMối quan tâm về sức khỏe của người tiêu dùng Việt thể hiện qua xu hướng sử dụng các sản phẩm tự nhiên, không có hóa chất ngày càng tăng và nhiều người dành tiền nhàn rỗi cho các gói bảo hiểm sức khỏe cao cấp.

Sức khỏe tiếp tục đứng đầu trong các mối quan tâm của người tiêu dùng Việt Nam trong ba quý liền kề, theo số liệu thống kê mới nhất từ Nielsen, một công ty đo lường hiệu quả kinh doanh toàn cầu.

Sau khi trở thành mối quan tâm hàng đầu với tỷ lệ kỷ lục trong lịch sử 10 năm khảo sát vào quý III/2019, mối lo ngại về sức khỏe của người tiêu dùng Việt Nam vẫn giữ mức cao nhất trên toàn cầu với 45% người khảo sát lựa chọn trong quý cuối 2019, giảm nhẹ 1% so với quý trước.

Người tiêu dùng Việt quan tâm về sức khỏe nhất thế giới

Theo bà Louise Hawley, Giám đốc điều hành của Nielsen Việt Nam, mặc dù chỉ số niềm tin người tiêu dùng (CCI) quý IV/2019 được khảo sát trước khi dịch Covid-19 bùng phát, một sự thật hiển nhiên là người Việt Nam lo ngại về sức khỏe hơn bao giờ hết và luôn mong muốn có những hành động thiết thực để ngăn ngừa bệnh tật.

Điều này thể hiện qua xu hướng sử dụng các sản phẩm tự nhiên, không có hóa chất ngày càng tăng.

Mối quan tâm về công việc vẫn duy trì ổn định trong ba tháng cuối năm ngoái với vị trí thứ 3 (37% người khảo sát lựa chọn). Trong khi đó, mối quan tâm về cân bằng giữa công việc và cuộc sống tăng mạnh đến 27% (+3 so với quý trước).

Ngoài ra, các lĩnh vực khác mà người tiêu dùng Việt Nam quan tâm là tình hình kinh tế và hóa đơn tiện ích gia tăng.

Điều đáng chú ý là vấn đề gia tăng chi phí thực phẩm đã lọt vào tốp 6 mối quan tâm của người tiêu dùng với 10% số người được hỏi lựa chọn.

Giá thịt lợn tăng đột biến do dịch châu Phi, dẫn đến chi phí thực phẩm tăng cao là một bằng chứng dễ thấy nhất dẫn đến mối quan ngại này gia tăng.

Người tiêu dùng Việt tiếp tục dẫn đầu thế giới về xu hướng tiết kiệm

Trong bối cảnh tăng trưởng kinh thế thế giới đang giảm sút đáng kể, người tiêu dùng là chìa khóa trong việc ngăn chặn nền kinh tế rơi vào suy thoái toàn cầu năm 2019. Thị trường lao động năng động, tiền lương tăng và chi phí tiêu dùng lạm phát thấp là những yếu tố thúc đẩy chi tiêu.

Người tiêu dùng Việt Nam tiếp tục dẫn đầu về xu hướng tiết kiệm với 73% đáp viên có ý định dành tiền nhàn rỗi cho mục đích tiết kiệm (+4% so với quý III/2019), tiếp theo là Hồng Kông (70%), Trung Quốc (67%) và Ấn Độ (64%).

Dù tiết kiệm là ưu tiên hàng đầu, người tiêu dùng nội địa vẫn sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn trong những tháng cuối năm với những mặt hàng gồm quần áo mới, giải trí bên ngoài, trang trí nhà cửa và sản phẩm công nghệ mới

“Tết luôn là mùa chi tiêu lớn nhất của năm, không chỉ đối với các mặt hàng tạp hóa mà còn đối với các sản phẩm và dịch vụ khác. Trong ngành nước giải khát, 20% lượng tiêu thụ hàng năm đến vào dịp Tết và doanh số tăng 35% so với thời kỳ trước Tết”, bà Louise Hawley chia sẻ.

Đi cùng với mối quan tâm lớn đối với sức khỏe, Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ người dân dành phần tiền nhàn rỗi chi tiêu cho các gói bảo hiểm sức khỏe cao cấp vào ba tháng cuối 2019 (40%, + 5% so với quý III/2019).

Sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn trong quý IV/ 2019 là một dấu hiệu tích cực của người tiêu dùng Việt Nam. Dù vậy, triển vọng công việc và an toàn tài chính khiến người dân lo lắng nhiều hơn. Đây cũng chính là những lý do đằng sau xu hướng giảm điểm CCI trong quý IV này.

Bà Louise Hawley nhận định mối lo ngại về an toàn tài chính là điều có thể dự đoán được. Trước dịp Tết, người tiêu dùng thường phải dành ra những khoản chi tiêu đáng kể cho nhu cầu thực phẩm, đồ uống trong khi doanh nghiệp còn cân nhắc lương thưởng cuối năm.

Trong quý IV/2019, Việt Nam tiếp tục giữ vị trí thứ ba toàn cầu về chỉ số CCI, đạt 125 điểm, xếp sau Ấn Độ và Philippines. Mức độ lạc quan của người tiêu dùng Việt vẫn cao hơn trung bình toàn cầu và khu vực châu Á – Thái Bình Dương.