Nhiều dự án năng lượng và khoáng sản có vấn đề

Nguyễn Cảnh - 08:00, 12/07/2023

TheLEADERHàng loạt dự án thuộc tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã được phê duyệt trong bối cảnh chưa thuộc quy hoạch, chưa thẩm định phương án trả nợ, thậm chí trước khi được Thủ tướng phê duyệt (tùy theo tính chất liên quan).

Nhiều dự án năng lượng và khoáng sản có vấn đề
Vietcombank đã tài trợ khoảng 27.100 tỷ đồng cho dự án nhiệt điện của EVN tại Quảng Bình dù dự án chưa được thẩm định phương án trả nợ (ảnh: moit.gov.vn)

Theo Kiểm toán Nhà nước, việc phê duyệt dự án khi chưa nằm trong quy hoạch ngành được Thủ tướng phê duyệt đã diễn ra tại dự án mỏ than Núi Béo. Cụ thể, HĐQT Công ty CP Than Núi Béo thẩm định, phê duyệt đầu tư khi dự án không có trong quy hoạch ngành than. 

Sau đó, dự án đã được Thủ tướng phê duyệt trong quy hoạch ngành than đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030. Đồng thời, dự án được quyết định đầu tư trong bối cảnh tỉnh Quảng Ninh chưa phê duyệt quy hoạch xây dựng mặt bằng sân công nghiệp. Dự án này cũng chưa được tổ chức cho vay vốn thẩm định phương án tài chính.

Tại dự án khai thác lộ thiên khu Bắc Bàng Danh, quyết định của UBND tỉnh Quảng Ninh thể hiện thời hạn khai thác mỏ đến năm 2028, vượt 3 năm so với quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt.

Tương tự, dự án khai thác lộ thiện khu Bắc Bàng Danh được cấp giấy phép khai thác khoáng sản (Bộ Tài nguyên và môi trường cấp cho Công ty CP Than Hà Tu – Vinacomin khai thác với diện tích khoảng 292ha) có thời gian khai thác đến năm 2028, trong khi dự kiến đóng cửa mỏ năm 2025 theo Quy hoạch 403 của Thủ tướng năm 2016 về điều chỉnh quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020.

Về vấn đề này, Kiểm toán Nhà nước đề nghị Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) rà soát, xác định trách nhiệm tập thể, cá nhân để xử lý theo quy định pháp luật đối với một số tồn tại, hạn chế.

Cụ thể, Hội đồng thành viên Tập đoàn TKV thông qua dự án đầu tư khai thác mỏ hầm lò Núi Béo tại văn bản 594 ngày 18/2/2011 khi dự án chưa có trong quy hoạch ngành than được Thủ tướng phê duyệt; TKV có văn bản (hồi tháng 9/2015) đề nghị Công ty CP Than Núi Béo xem xét miễn cho các nhà thầu trong ngành không phải thực hiện các hình thức bảo lãnh tạm ứng và bảo lãnh thực hiện hợp đồng chưa đúng quy định pháp luật; Tổ chức kiểm tra, làm rõ việc Công ty CP Than Núi Béo ký hợp đồng trực tiếp với nhà thầu thực hiện gói thầu số 13 không thuộc một trong các hình thức lựa chọn nhà thầu theo quy định của Luật Đấu thầu để xử lý theo quy định.

Bên cạnh đó, một số dự án thuộc ngành năng lượng cũng bị chỉ rõ tình trạng: được duyệt dù chưa thẩm định phương án trả nợ (nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch I), chưa điều chỉnh vượt giá gói thầu kịp thời (dự án mở rộng nhà máy thủy điện Đa Nhim), chưa nộp thuế tài nguyên (Thủy điện tích năng Bác Ái)…

Liên quan tới dự án nhiệt điện Quảng Trạch 1 cũng như một số công trình thuộc Trung tâm điện lực Quảng Trạch, một trong những kiến nghị của Kiếm toán Nhà nước đưa ra đối với EVN là khẩn trương làm việc với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp về việc thế chấp tài sản của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật để không ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án. 

Nhiệt điện Quảng Trạch 1 thuộc Trung tâm Điện lực Quảng Trạch, được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 428/QĐ-TTg ngày 18/3/2016 về điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (Quy hoạch VII điều chỉnh).

Dự án gồm 2 tổ máy với tổng công suất lắp đặt 1.200MW, khi đi vào vận hành nhà máy sẽ cung cấp cho hệ thống điện quốc gia khoảng 8,4 tỷ kWh mỗi năm, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, nâng cao độ an toàn và ổn định cho hệ thống điện. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 41.130 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn của EVN (30%) và vốn vay thương mại trong nước (70%) do Vietcombank tài trợ.

Tháng 6/2021, EVN và Liên danh nhà thầu Tổng công ty Mitsubishi, Công ty TNHH Kỹ thuật & xây dựng Hyundai và Tổng công ty Xây dựng số 1 ký kết ợp đồng gói thầu số 15 về thiết kế, cung cấp hàng hóa và xây lắp công trình dự án nhà máy. Gói thầu số 15 (EPC-QTI) có tổng giá trị khoảng 30.240 tỷ đồng, phạm vi thực hiện bao gồm thiết kế, cung cấp hàng hóa và xây lắp 2 tổ máy, công suất 2x600 MW và các hệ thống phụ trợ dùng chung.