Những xu hướng mới tác động đến thị trường lao động 2023

Tùng Anh - 15:45, 28/05/2023

TheLEADERDoanh nghiệp sẽ không chỉ phải tìm cách tồn tại trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đầy bất ổn, đảm bảo việc làm cho người lao động mà còn phải chuyển mình để bắt kịp các xu hướng mới, chú trọng phát triển các năng lực mới của đội ngũ để cùng phát triển bền vững.

Những xu hướng mới tác động đến thị trường lao động 2023
Thị trường nhân sự có nhiều biến động

Khai trương tâm nghiên cứu phát triển (R&D) ở Tây Hồ Tây (Hà Nội) cuối năm ngoái, Samsung muốn mở rộng lĩnh vực nghiên cứu và nâng cao chuyên môn để đưa trung tâm này không chỉ hàng đầu Đông Nam Á, mà còn là một trong những trung tâm nghiên cứu lớn nhất thế giới. Bên cạnh đó, hãng cũng muốn góp phần đặt nền móng cho nhân tài công nghệ Việt Nam và phát triển công nghiệp.

Không chỉ Samsung, nhiều gã khổng lồ FDI khác cũng đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và phát triển ở Việt Nam. Chẳng hạn vào tháng 3/2023, LG đã mở trung tâm thứ hai tại Hà Nội vào tháng 3/2023, sau Đà Nẵng. Panasonic, Toshiba, cũng đã có các trung tâm nghiên cứu và phát triển tại đất nước 100 triệu dân. Trước đó, Qualcomm đã công bố phòng thí nghiệm duy nhất ở Đông Nam Á, tại Hà Nội vào năm 2020.

TS. Nguyễn Công Ái, Phó tổng giám đốc của KPMG Việt Nam cho rằng, nhu cầu kỹ sư cho các trung tâm này rất lớn, đây sẽ là năng quan trọng cho tương lai. Ông Ái lấy ví dụ, công ty chuyên về nghiên cứu, phát triển của Nisan ở Hà Nội (NATV) cũng không ngừng tuyển dụng các kỹ sư thiết kế và phát triển ô tô.

“Những công việc mang tính lặp đi lặp lại, máy có thể làm thay người thì con người khó cạnh tranh, cần tập trung vào các công việc đòi hỏi độ sáng tạo cao hơn”, lãnh đạo KPMG nói trong Hội nghị Luật lao động Việt Nam 2023 do câu lạc bộ Nhân sự Việt Nam (VNHR) tổ chức.

Việc các nhà sản xuất trên toàn cầu mở rộng hoạt động tại Việt Nam với chính sách Trung Quốc +1 đã thúc đẩy mạnh mẽ xu hướng công nghiệp hoá với nhu cầu cao về lao động, từ đó thúc đẩy người dân di cư đến các thành phố lớn nhiều hơn. Tuy nhiên, khi các trung tâm lớn như Hà Nội hay TP.HCM đã không còn nhiều quỹ đất, những điểm đến mới trong thời gian tới, theo ông Ái, sẽ là Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Phước, Tây Ninh, Thanh Hoá, Bắc Giang, Quảng Ninh…

Nói về xu hướng trong đào tạo lao động, ông Ái cho rằng doanh nghiệp sẽ cần nhiều người lao động, đặc biệt là kỹ sư có tay nghề được đào tạo tại các trường nghề thay vì các kỹ sư có bằng đại học.

“Xu hướng sắp tới là người lao động phải có trình độ chuyên môn kỹ thuật chứ không chung chung”, ông Ái nhận định.

Những xu hướng tác động đến thị trường lao động 2023
TS. Nguyễn Công Ái, Phó tổng giám đốc của KPMG Việt Nam. Ảnh: KPMG

Nhìn trong ngắn hạn 2023, lãnh đạo KPMG cho rằng, nền kinh tế tiếp tục gặp khó trước khi có sự chuyển mình vào năm 2024. Mục tiêu tăng trưởng GDP đặt ra cho cả năm là 7,5% nhưng quý I chỉ đạt 3,2%, quý II dự kiến không đạt và tình hình trong hai quý còn lại cũng không mấy sáng sủa. Nền kinh tế Việt Nam tương đối ổn định so với thế giới nhưng cũng không tránh khỏi những tác động tiêu cực của một nền kinh tế toàn cầu bất ổn.

FED dự báo nền kinh tế Mỹ sẽ suy thoái nhẹ vào cuối 2023, người tiêu dùng hạn chế chi tiêu, qua đó, tác động đến các lĩnh vực xuất nhập khẩu của Việt Nam, đặc biệt là hải sản và dệt may. Do đó, khó giữ được lực lượng lao động đầy đủ như hiện nay.

Cùng với đó, xu hướng xanh hoá ngành dệt may ngày càng quan trọng trên toàn cầu khiến những thị trường đi sau gặp khó. Nổi bật gần đây là câu chuyện doanh nghiệp Việt Nam sụt giảm đơn hàng trong khi Bangladesh làm không đủ bán nhờ sản xuất xanh.

Mới đây, các nước Liên minh châu Âu (EU) đã đồng ý cấm tiêu hủy hàng dệt may không bán được nhằm hướng tới giảm phát thải thông qua tái sử dụng và tái chế nhiều hơn. Theo ông Ái, khi đề xuất này được Nghị viện châu Âu phê duyệt, gần 6 triệu tấn sản phẩm hàng dệt may bị loại bỏ hàng năm của châu Âu, trong đó có sản phẩm của các hãng lớn, sẽ tràn ra thị trường và ảnh hưởng đến các doanh nghiệp xuất khẩu dệt may.

Khi doanh nghiệp gặp khó, người lao động cũng thường trực nỗi lo mất việc. Chẳng hạn, Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (quận Bình Tân, TP.HCM) đang có kế hoạch thỏa thuận, chấm dứt hợp đồng lao động với khoảng 5.744 người trong tháng 6 và tháng 7/2023. Hồi tháng 2/2023, công ty này cũng đã phải điều chỉnh cơ cấu tổ chức, cắt giảm hơn 2.300 lao động vì đơn hàng sụt giảm.

Trong bối cảnh đó, việc chuyển hướng sang sản xuất xanh và bền vững sẽ là yếu tố để ngành dệt may có thể tiếp tục cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Một xu hướng khác được lãnh đạo KPMG lưu ý là mặc dù Việt Nam đã trở thành điểm sáng trong thu hút đầu tư trong những năm qua nhưng trong bối cảnh khó khăn, các nước muốn giữ vốn trong nước, cuộc cạnh tranh thu hút vốn ngày càng cam go. Đặc biệt, khi thuế suất thuế tối thiểu toàn cầu có hiệu lực từ đầu năm 2024 sẽ ảnh hưởng đến tính hấp dẫn của thị trường Việt Nam với các nhà đầu tư nước ngoài.

Năm nay sẽ tiếp tục khó khăn vì các nút thắt trong nền kinh tế chưa được tháo gỡ. Nhiều doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn và đối diện với nguy cơ phải cắt giảm nhân sự.

“Trong 2023, các chủ doanh nghiệp và giám đốc nhân sự cần cẩn trọng trong các quyết định, làm sao giảm chi phí để nghĩ đến tương lai”, ông Ái nói.

Bên cạnh đó, việc chú trọng các xu hướng phát triển như chuyển đổi số và kinh tế xanh là điều quan trọng để tuyển dụng và đào tạo nhân sự có đủ năng lực đáp ứng với sự chuyển mình phát triển của doanh nghiệp trong thời đại mới.