Ô tô nhập khẩu khan hiếm, xe lắp ráp trong nước hưởng lợi

Đặng Hoa - 11:45, 19/01/2018

TheLEADERÔng Toru Kinoshita, Tổng giám đốc Toyota Việt Nam dự báo xe ô tô nhập khẩu sẽ khan hiếm và các hãng ô tô sẽ gặp khó khăn trong năm 2018 do ảnh hưởng của Nghị định 116.

Ô tô nhập khẩu khan hiếm, xe lắp ráp trong nước hưởng lợi
Chủ tịch VAMA kêu gọi cạnh tranh công bằng để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.

Trong những ngày cuối năm 2017, đầu năm 2018, thị trường ô tô Việt biến động mạnh do giá xe các hãng lên xuống thất thường cùng với những thay đổi trong chính sách của Chính phủ đã khiến nhiều hãng xe gặp phải khó khăn.

Theo thông tin từ Công ty Ô tô Toyota Việt Nam (TMV), tổng lượng xe sản xuất trong năm 2017 là 41.400 chiếc, bán hàng đạt kỷ lục mới với gần 60.000 xe, bao gồm cả Toyota và Lexus, thị phần tăng mạnh so với năm 2016. Tuy nhiên do ảnh hưởng của thị trường, lợi nhuận của TMV suy giảm nặng nề so với năm 2016.

Tổng giám đốc Toyota Việt Nam mong mỏi cạnh tranh công bằng trên thị trường ô tô
Ông Toru Kinoshita

Ông Toru Kinoshita, Tổng giám đốc TMV đồng thời là Chủ tịch Hiệp hội các Nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) dự báo, do ảnh hưởng của Nghị định 116, việc kinh doanh của công ty sẽ tiếp tục khó đạt kết quả như mong đợi trong năm nay. 

Lãnh đạo Toyota Việt Nam cho rằng, nếu công ty không tiếp tục những cải tiến để cắt giảm chi phí, nâng cao năng suất và cải thiện môi trường làm việc, TMV sẽ đánh mất lợi thế cạnh tranh vốn có.

Nghị định 125 về giảm thuế nhập khẩu linh kiện ô tô có điều kiện về sản lượng theo từng năm cùng với Nghị định 116 của Chính phủ được ban hành nhằm khuyến khích sản xuất, lắp ráp trong nước là một tin vui cho các hãng xe lắp ráp nội địa như Trường Hải và Thành Công nhưng mang lại không ít khó khăn cho các hãng xe chú trọng kinh doanh xe nhập khẩu, đặc biệt là các thành viên của Hiệp hội các Nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA).

Ông Toru Kinoshita, Tổng giám đốc Toyota Việt Nam đã chia sẻ với TheLEADER về những thách thức và triển vọng đối với ngành công nghiệp ô tô Việt Nam trong năm 2018. 

Nghị định 116 của Chính phủ ban hành đã và sẽ có tác động như thế nào đến thị trường ô tô Việt nói chung và Toyota nói riêng, thưa ông?

Ông Toru Kinoshita: Về cơ bản, VAMA nói chung và TMV nói riêng luôn ủng hộ các quy định của Chính phủ nhằm hỗ trợ cho sự phát triển của ngành ô tô Việt Nam và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Tuy nhiên trong Nghị định 116, chúng tôi thấy tồn tại những điểm không hợp lý nên đã 4 lần gửi thư kiến nghị lên Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn, đặc biệt là 3 vấn đề cụ thể.

Thứ nhất, đa số các thành viên VAMA đều không thể tìm được bất kỳ một giấy chứng nhận kiểu loại nước ngoài nào phù hợp với thông số kỹ thuật của các xe ô tô nhập khẩu vào Việt Nam. 

Chính phủ của mỗi quốc gia tiến hành thử nghiệm và cấp chứng nhận theo tiêu chuẩn của quốc gia đó cho các xe ô tô tiêu thụ trong nước mà thôi, các xe ô tô sản xuất để xuất khẩu không thuộc đối tượng này. Đồng thời, có sự khác biệt rõ ràng giữa thông số kỹ thuật và mã kiểu loại của xe xuất khẩu và xe tiêu thụ trong nước.

Ngoài ra, một số quốc gia cũng không có giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại vì Chính phủ chỉ kiểm tra khí thải hoặc để nhà sản xuất tự chứng nhận. Một số quốc gia có giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại, nhưng có thể không được Cục Đăng kiểm Việt Nam chấp nhận do có sự khác biệt về vị trí tay lái, tiêu chuẩn khí thải hay thông số kỹ thuật.

Thứ hai, các thành viên VAMA không thể tuân thủ được quy định về Yêu cầu thử nghiệm đối với từng lô xe nhập khẩu. Quy định này không hề có ý nghĩa về mặt quản lý chất lượng và chỉ làm lãng phí thêm thời gian và làm tăng chi phí, gây ảnh hưởng đến khách hàng. 

Thứ ba, một số nhà sản xuất không thể đáp ứng được yêu cầu phải có đường thử dài 800m với tối thiểu 400m đường thẳng vì không đủ diện tích đất và phải mua đất với một số tiền đầu tư rất lớn, hơn nữa với những doanh nghiệp nằm ở khu vực đất đai hạn hẹp họ sẽ không có giải pháp nào để mở rộng diện tích hiện có, còn việc đầu tư đường thử xa nhà máy vô cùng bất tiện và tốn chi phí. 

Phải chăng những quy đinh mới chính là lý do dẫn đến kết quả lợi nhuận TMV không được như kỳ vọng năm 2017?

Ông Toru Kinoshita: Năm 2017 là một năm biến động với nhiều khó khăn và thách thức đối với thị trường ô tô Việt Nam do sự bất ổn về chính sách và thuế. Nhiều khách hàng có tâm lý chờ đợi giá xe 2018 giảm nhờ thuế nhập khẩu về 0%.

Với vai trò là Chủ tịch Hiệp hội các nhà Sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), theo ông thời gian tới sẽ có những thách thức và thuận lợi gì đối với ngành công nghiệp ô tô nội địa cũng như các nhà nhập khẩu?

Ông Toru Kinoshita: Về ngắn hạn, trong năm 2018, thị trường ô tô vẫn tiếp tục tăng trưởng. Tuy nhiên như tôi có đề cập ở trên, do ảnh hưởng một số qui định trong Nghị định 116 liên quan đến nhập khẩu, các hãng sẽ gặp khó khăn, có thể phải tạm thời dừng nhập khẩu xe, gây nên tình trạng khan hiếm xe nhập khẩu. 

Chúng tôi dự đoán nhu cầu về xe sản xuất và lắp ráp trong nước có khả năng sẽ tăng cao.

Về dài hạn, không ai có thể đoán trước được tình hình của 5 năm tới vì còn phụ thuộc vào các thị trường, chính sách và nền kinh tế, nhưng tôi tin rằng trong 10 - 20 năm tới, nền kinh tế sẽ tăng trưởng mạnh mẽ nhờ lợi thế về dân số và chất lượng nguồn nhân lực.

Việt Nam sẽ là một thị trường ô tô rất lớn, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ nếu Nhà nước có thể xây dựng được chính sách ổn định và lâu dài thúc đẩy sự phát triển của ngành.

Với tiềm năng lớn như vậy, việc gia nhập thị trường của doanh nghiệp mới hay mở rộng sản xuất, quy mô là điều tất yếu, góp phần vào sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô.

VAMA luôn mong mỏi sự cạnh tranh công bằng giữa các nhà sản xuất, cũng như giữa sản xuất và nhập khẩu vì sự phát triển lành mạnh của thị trường ô tô, ngành công nghiệp ô tô, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng.

Ông có đề xuất gì đến Chính phủ và các cơ quan có liên quan để phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam hướng về mục tiêu dài hạn và bền vững?

Ông Toru Kinoshita: Để phát triển công nghiệp ô tô Việt Nam một cách bền vững, lâu dài, tôi cho rằng Chính phủ cần ổn định chính sách trong dài hạn để thúc đẩy sự phát triển ổn định của thị trường ô tô đồng thời tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng như đường cao tốc, bãi đỗ xe.

Trước mắt, Chính phủ cần có biện pháp hỗ trợ các nhà sản xuất trong nước cắt giảm chi phí sản xuất ô tô, tăng khả năng cạnh tranh và từng bước hỗ trợ các nhà sản xuất ô tô, linh kiện ô tô trong việc nâng cao tỷ lệ nội địa hóa để đóng góp cho sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô.

Vừa qua có thông tin cho biết Bộ Tài chính "bác" đề xuất không tính thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với phần giá trị gia tăng trong nước của ô tô Việt, liệu điều này có ảnh hưởng gì đến giá xe trong thời gian tới?

Ông Toru Kinoshita: Chúng tôi chưa nhận được thông tin mới nhất nên chưa thể đưa ra bình luận gì. Tuy nhiên chúng tôi vẫn mong muốn các chính sách khi đưa ra cần đảm bảo sự công bằng cho tất cả các nhà sản xuất.

Xin cảm ơn ông!