Giá ô tô 2018: Thuế bằng 0% nhưng giá xe khó giảm sâu

Quỳnh Chi - 07:44, 09/01/2018

TheLEADERCầu tăng, cung giảm cùng với việc nhiều dòng xe không đáp ứng được các quy định mới sẽ khiến giá xe trong năm 2018 khó có thể tiếp tục giảm sâu.

Giá ô tô 2018: Thuế bằng 0% nhưng giá xe khó giảm sâu
Khách hàng sẽ phải trả thêm vài trăm triệu đồng cho mẫu Honda CR-V 7 chỗ nếu muốn nhận xe trước tháng 3/2018.

Những tháng cuối năm 2017, nhiều hãng ô tô đều có xu hướng giảm giá mạnh, có hãng xe thông báo giảm giá tới hàng trăm triệu đồng. Nhiều dòng xe giảm khá sâu, thậm chí có những mẫu xe mới giá chỉ còn chỉ khoảng 300 triệu đồng. 

Một trong những nguyên nhân của những cơn bão giá xe ô tô trong năm 2017 chính là do tâm lý chờ đợi sẽ giảm tiếp do những quy định mới về thuế nhập khẩu ô tô. Cụ thể, từ ngày 1/1/2018, mức thuế nhập khẩu xe ô tô từ các nước ASEAN và thuế nhập khẩu linh kiện ô tô về mức 0% , do đó nhiều người vẫn luôn kỳ vọng mức giá của các hãng xe sẽ tiếp tục giảm mạnh trong năm mới 2018.

Trên thực tế, theo ghi nhận của TheLEADER, từ ngày 1/1/2018, khi mức thuế mới chính thức được áp dụng, trừ Nissan vừa công bố giảm dòng xe sedan Teana, hầu hết hãng xe đều không có dấu hiệu cho thấy giá xe sẽ tiếp tục giảm sâu, ít nhất là cho đến Tết nguyên đán 2018.  

Thuế giảm tại sao giá xe không giảm?

Theo nội dung Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) được áp dụng từ ngày 1/1/2018, thuế xe ô tô nhập khẩu 2018 nguyên chiếc từ các nước thuộc khu vực ASEAN sẽ giảm từ 30% về 0% với xe có tỷ lệ nội địa hóa trong khối từ 40% trở lên.

Như vậy, các xe nhập khẩu từ các quốc gia ngoài khối ASEAN như Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu sẽ không được hưởng mức ưu đãi này.

Theo ghi nhận của phóng viên TheLEADER, từ cuối năm ngoái đến nay tại một số đại lý xe nhập khẩu từ các nước châu Âu trên địa bàn Hà Nội không có chương trình giảm giá, và các hãng này cũng chưa có kế hoạch giảm giá trong thời gian tới. Không khí tại các showroom thường rất ảm đạm, có những nơi chỉ có bảo vệ trông, không có nhân viên bán hàng trực. 

Xe của các dòng nhập từ châu Âu thường là xe hạng sang hoặc siêu sang với các hãng xe như Audi, BMW, Mercedes-Benz, Land Rover, Jaguar hay Bentley và có giá vài tỷ đồng. 

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, giá xe bình quân nhập từ Pháp về Việt Nam thuộc top đắt nhất với khoảng 156.000USD/chiếc (tương đương khoảng 3,5 tỷ đồng/chiếc); xe từ Anh có giá 62.500USD/chiếc và xe nhập từ Đức có giá 60.200USD/chiếc. Một lý do khiến xe châu Âu luôn được bán tại Việt Nam với giá cao là do mức thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc từ 55-70% tùy loại.

Bên cạnh đó, hiện nay chỉ có khoảng 20 chủng loại xe được sản xuất, lắp ráp trong khu vực ASEAN; trong đó số lượng mẫu xe đạt tỉ lệ nội địa hóa nội khối và có đủ sản lượng để được hưởng thuế suất ưu đãi từ 30% hiện nay về 0% từ 1/1/2018 lại không nhiều.

Nghị định 116 được Chính phủ ban hành ngày 17/10/2017, quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô, có hiệu lực đầu tháng 1/2018 cũng khiến giá xe khó được điều chỉnh theo chiều hướng giảm.

Nếu như trước đây một loại xe về nước chỉ phải kiểm định chiếc đầu tiên thì nay mỗi lô xe về cảng đều phải chọn ra một chiếc để kiểm định, cho dù các lô đều cùng một loại xe. Điều này sẽ khiến các doanh nghiệp phải tốn thêm rất nhiều chi phí và thời gian kiểm định xe. Rõ ràng, khách hàng sẽ phải gánh chịu khoản phí này khi doanh nghiệp luôn muốn đảm bảo lợi nhuận.

Với quy định mới này, xe nhập từ các nước ASEAN sẽ khó về nước trước thời điểm tháng 3/2018. Nếu tính cả thời gian kiểm định xe, hoàn thành thủ tục đóng thuế, đăng ký thì có thể đến giữa năm 2018 người tiêu dùng mới có xe nhập.

Đồng thời, các mẫu xe từ các nước ASEAN sẽ khó vào Việt Nam hơn bao giờ hết vì đơn vị nhập khẩu cần có giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại xe cơ giới do nước ngoài cung cấp trong khi hầu hết các nước ASEAN đều chỉ chứng nhận cho xe nội địa.

Đầu năm 2018, sức mua trên thị trường ô tô Việt tăng lên mạnh mẽ; thực tế từ trước đó, nhu cầu mua xe của người dân đã luôn rất cao. Tuy nhiên, khi mức thuế về 0% mà các hãng vẫn không tiếp tục giảm giá xe, người dân mới bắt đầu rục rịch đi mua.

Lúc này, nguồn cung xe nhập lại trở nên khan hiếm khi một số hãng xe như Hyundai, Toyota, hay các dòng Mazda do Thaco lắp ráp và phân phối đã thông báo ngừng nhập xe.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, có khoảng 10.000 xe ô tô nguyên chiếc được nhập khẩu về thị trường Việt Nam với tổng trị giá 273 triệu USD trong tháng 12/2017, cao hơn tháng trước đó 4,000 chiếc; tuy nhiên, các dòng xe này chủ yếu là xe vận tải. Trong nửa đầu tháng 12/2017, chỉ có 991 xe dưới 9 chỗ được nhập về Việt Nam với tổng giá trị 23,4 triệu USD.

Phụ trách bán hàng tại một showroom ở Hà Nội của Toyota cho biết sức mua tăng lên trong khi nguồn cung giảm sẽ khiến giá bán xe khó có thể giảm tiếp trong thời gian tới.

Trước đó, Bộ Tài chính cũng đã công bố Quyết định số 2018/QĐ-BTC sửa đổi, bổ sung Danh mục Bảng giá tính lệ phí trước bạ của tổng cộng 180 loại xe ô tô và xe máy. Đáng chú ý, trong 67 loại ô tô 9 chỗ ngồi trở xuống nhập khẩu, mẫu siêu xe Lamborghini Aventador S có mức giá tính phí trước bạ lên tới 40 tỷ đồng, khiến người Việt phải nộp lệ phí trước bạ từ 4 - 4,8 tỷ đồng. 

Ngoài ra, 9 mẫu xe khác có lệ phí trước bạ trên 10 tỷ đồng, trong đó có Porsche 911 GT2 RS, Porsche 911 Turbo S Exclusive và Porsche 911 Turbo S Cabriolet.

Như vậy, kể cả giá trước khi đăng ký có thể giảm thì giá lăn bánh thực tế của xe sẽ không thể giảm và thậm chí là tăng.