OECD cảnh báo nhiều rủi ro với tăng trưởng kinh tế Việt Nam

Phương Anh - 12:00, 18/05/2023

TheLEADEROECD dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam ở mức 6,5% trong năm nay.

Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) mới đây đánh giá nền kinh tế Việt Nam sẽ duy trì được đà tăng trưởng từ năm 2022 trở đi, với dự báo tăng trưởng GDP thực tế sẽ ở mức 6,5% vào năm 2023, và duy trì tốc độ 6,6% vào năm 2024.

Nhu cầu nội địa sẽ tiếp tục gia tăng do các hạn chế kiểm dịch đang được dỡ bỏ. Đầu tư của doanh nghiệp sẽ vững chắc khi nguồn vốn đầu tư nước ngoài đang quay trở lại.

Đầu tư của chính phủ, gồm cả gói kích thích kinh tế mới nhất cũng được cho là sẽ thúc đẩy tăng trưởng, OECD đánh giá trong báo cáo mới đây về kinh tế Việt Nam 2023.

Tuy nhiên, tổ chức này cũng lưu ý rằng, giá năng lượng và lương thực cao đang đè nặng lên triển vọng kinh tế. Đặc biệt, mặc dù tỷ lệ hộ nghèo được dự báo sẽ tiếp tục giảm theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, sức mua của các hộ gia đình lại đang bị ảnh hưởng, và tăng trưởng tiêu dùng tư nhân sẽ giảm bớt sau khi phục hồi mạnh mẽ từ mức đáy của quý III/2021.

Xung đột kéo dài ở Ukraine đang tác động tới thương mại toàn cầu, và các chuỗi cung ứng đang bị gián đoạn. Tuy nhiên, tác động trực tiếp của cuộc xung đột đối với Việt Nam là hạn chế, và nhu cầu bên ngoài dự kiến sẽ ổn định.

Chính sách Covid-19 thay đổi của Trung Quốc đang gây thêm bất ổn cho thương mại của khu vực, nhưng điều này cũng sẽ giúp tăng sức hấp dẫn tương đối của Việt Nam như một điểm đến đầu tư.

Trong bối cảnh đó, việc thực hiện những cải cách cơ cấu, đặc biệt là cải cách nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, là rất quan trọng để đạt được sự phục hồi mạnh mẽ và thúc đẩy tăng trưởng trong trung hạn, OECD nhấn mạnh.

Những rủi ro với tăng trưởng kinh tế Việt Nam

Theo OECD, các yếu tố theo hướng tiêu cực sẽ là xu hướng chủ đạo.

Cụ thể, đại dịch toàn cầu chưa kết thúc, và sự xuất hiện của các biến thể virus mới dễ lây lan hơn, có thể sẽ đòi hỏi tái áp đặt các biện pháp kiểm dịch chặt chẽ, làm gia tăng gián đoạn chuỗi cung ứng.

Nếu nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái do lạm phát gia tăng, và việc thắt chặt tiền tệ liên quan, cũng như xung đột kéo dài ở Ukraine, có thể tác động nghiêm trọng tới một Việt Nam vốn phụ thuộc cao vào thương mại.

Bên cạnh đó, nếu tăng trưởng của Trung Quốc giảm tốc, nhu cầu bên ngoài có thể trở nên dễ biến động hơn, và chứng kiến những giai đoạn suy yếu dai dẳng.

Lạm phát duy trì ở mức cao hơn so với dự báo hiện thời có thể làm suy yếu sức mua của các hộ gia đình, và ngăn cản sự phục hồi, làm gia tăng tỷ lệ nghèo khổ.

Đáng chú ý, việc thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh chóng hơn ở các nền kinh tế phát triển sẽ gây áp lực giảm tỷ giá hối đoái, và đòi hỏi thắt chặt đột ngột chính sách tiền tệ của Việt Nam, làm tổn hại tới công cuộc phục hồi đang trong giai đoạn khởi đầu. Việc này cũng sẽ đòi hỏi thắt chặt tài khóa, làm suy yếu hơn nữa nhu cầu trong nước.

Ở chiều tích cực, OECD đánh giá bước tăng trưởng mạnh mẽ hơn dự kiến của nền kinh tế Mỹ có thể thúc đẩy xuất khẩu hơn nữa.

Trong bối cảnh môi trường bên ngoài ngày càng bất định, các nhà đầu tư nước ngoài cũng có thể ngày càng đánh giá cao môi trường đầu tư ổn định của Việt Nam.

Một số khuyến nghị

Về cải thiện chính sách kinh tế vĩ mô và tính bền vững tài khóa, OECD khuyến nghị Việt Nam cân nhắc hỗ trợ tài chính có trọng tâm cho các hộ gia đình bị ảnh hưởng nặng nề bởi giá năng lượng và lương thực cao.

Cùng với đó, tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công, bao gồm cả việc đơn giản hóa các thủ tục và quy định về đầu tư công.

OECD lưu ý Việt Nam cần tăng lãi suất điều hành sớm hơn nếu có dấu hiệu cho thấy lạm phát đang tăng nhanh hơn, và kéo dài hơn dự kiến.

Việt Nam cũng cần chuẩn bị một kế hoạch củng cố tài khóa trung hạn cụ thể để tăng thêm nguồn thu, cải thiện hiệu quả chi tiêu; mở rộng cơ sở thuế bằng cách giảm bớt các khoản miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân và doanh nghiệp.

Về tăng cường hoạt động của hệ thống an sinh xã hội, theo OECD, Việt Nam cần hạn chế việc cho phép rút bảo hiểm xã hội một lần với những người chưa đến tuổi về hưu, tiến tới xóa bỏ cơ chế này.

Không chỉ vậy, cần đơn giản hóa và giảm bớt các gánh nặng hành chính và tài chính cho các hộ kinh doanh để khuyến khích họ chính thức hóa và phát triển.