Quản trị sức khoẻ doanh nhân

Quỳnh Chi - 07:35, 01/07/2020

TheLEADERSức khoẻ của doanh nhân gắn chặt với sức khoẻ của doanh nghiệp.

Quản trị sức khoẻ doanh nhân
Ông Nguyễn Thanh Việt, Chủ tịch Tập đoàn Intracom

Khỏe mạnh là nền tảng cơ bản của một cuộc sống vui vẻ và hạnh phúc, là cơ sở quan trọng để mỗi người thực hiện ý tưởng, ước mơ, nguyện vọng của cuộc đời. 

Theo ông Nguyễn Thanh Việt, Chủ tịch Tập đoàn Intracom đồng thời là Chủ tịch Tổ hợp Y tế Phương Đông, với doanh nhân, vấn đề sức khỏe càng phải được coi trọng hơn. 

Khi vị trí trong doanh nghiệp càng cao và công việc càng nhiều, càng cần chăm lo đến sức khỏe. Bởi lẽ, sức khỏe của người đó có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của rất nhiều người, từ gia đình cho đến nhân viên dưới quyền và xa hơn là làm gián đoạn sự kết nối, hợp tác với bạn bè, đối tác. 

Ông Việt nhận định, sức khỏe doanh nhân gắn chặt với sức khỏe của doanh nghiệp.

Là doanh nhân, ai cũng bận rộn. Trọng trách càng lớn, công việc càng nhiều. Nhưng vị cá mập chương trình Shark Tank cho rằng, “tham công tiếc việc” không phải lúc nào cũng mang lại hiệu quả. Ông Việt cho rằng đừng cho công việc là ưu tiên hàng đầu, cao hơn hẳn mọi thứ khác. Coi nhẹ sức khỏe chính là sai lầm vì nếu không có sức khỏe thì sẽ chẳng có gì.

Ông Việt đã từng trải qua cảnh cùng người thân chen chúc trong cảnh quá tải của bệnh viện công, từng chứng kiến những người quen và cả những người xa lạ tuyệt vọng vì bệnh tật. 

Những điều đó chính là động lực thôi thúc ông quyết tâm xây dựng hệ thống y tế tư nhân, sau đó mở rộng thêm các lĩnh vực dược liệu, nông nghiệp để rồi từng bước kết nối và xây dựng hệ sinh thái khép kín.

Con người ai cũng không thoát khỏi quy luật sinh - lão - bệnh - tử của tự nhiên. Tuy nhiên, thay vì có bệnh mới vái tứ phương, ông Việt cho rằng điều mà bất cứ người nào cũng có thể làm được là phòng bệnh hơn chữa bệnh, tầm soát bệnh hơn trị bệnh, ngăn chặn bệnh hơn phát tác bệnh trước khi quá muộn.

Ngoài những yếu tố khách quan khó có thể can thiệp liên quan đến cơ địa, môi trường tự nhiên, môi trường xã hội… còn có những yếu tố chủ quan có thể thay đổi như các thói quen xấu, các thái độ “ứng xử” với sức khỏe của mỗi người.

Để quản trị sức khỏe, tại toạ đàm Quản trị sức khoẻ doanh nhân do Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội tổ chức, ông Việt đã chỉ ra năm điều quan trọng các doanh nhân cần lưu ý.

Thứ nhất là phòng bệnh từ xa. Ông Việt cho biết, “bệnh thường từ miệng mà vào”, theo nghiên cứu của các nhà khoa học, có 30 – 40% ca bệnh ung thư ở nam và 60% ca ung thư ở nữ giới được chứng minh là có nguồn gốc liên quan đến chế độ ăn uống. 

Vì vậy, doanh nhân nói riêng và mọi người nói chung nên thay đổi thói quen ăn uống, chọn lọc thực phẩm tốt cho sức khỏe thay vì chỉ ăn theo sở thích, khẩu vị. Xem xét đến chế độ ăn thực dưỡng chữa bệnh.

Thứ hai là giữ trạng thái cân bằng. Nên thay đổi nếp sinh hoạt, điều độ hơn, cân bằng giờ nghỉ giờ làm, tập thói quen tốt như thể dục hằng ngày, lên kế hoạch, lịch trình để đảm bảo xử lý ổn thỏa công việc và thời gian nghỉ ngơi để tái tạo sức khỏe.

Thứ ba là dưỡng tinh thần - tận hưởng cuộc sống. Đừng lúc nào cũng chỉ chăm chăm vào công việc. Shark Việt cho rằng nếu làm việc thấy mệt mỏi quá, không tìm thấy lối thoát thì chính là việc làm ta, khi nào làm việc mà thấy như ta không làm mới là làm việc.

Muốn được như vậy, doanh nhân không chỉ phải nuôi thể lực mà còn phải dưỡng tinh thần. Thân - thần - trí minh mẫn thì doanh nhân mới tràn đầy năng lượng và hứng khởi trong công việc.

Thứ tư là chủ động tầm soát sức khỏe định kỳ. Giống như doanh nghiệp phải có căn cơ mới đứng vững, sức khỏe phải có quá trình chăm sóc mới viên mãn. Đừng đợi có bệnh mới chữa vì đôi khi có thể quá muộn. Việc khám sức khỏe định kỳ thường chỉ mất nửa ngày đến một ngày để nhận kết quả, trong khi phải mất rất nhiều thời gian, tiền bạc và công sức mới phát hiện bệnh và nhận được kết luận “sức khỏe bình thường”. 

Thứ năm là kiểm soát căng thẳng, áp lực. Thương trường chao đảo, biến động kinh tế tạo áp lực lên đôi vai các doanh nhân. Gồng gánh một doanh nghiệp thành công đòi hỏi doanh nhân phải kiểm soát được căng thẳng và có một tinh thần thép.

Thông thường, mỗi doanh nhân sẽ có phương pháp quản lý sự căng thẳng khác nhau. Bí quyết của ông Việt chính là “tìm thấy an yên trong đạo Phật” và áp dụng triết lý nhà Phật vào kinh doanh.