Tinh thần quý tộc của doanh nhân: Thành tín, đạo nghĩa và trách nhiệm

Phạm Hà, Chủ tịch Lux Group - 12:10, 02/04/2020

TheLEADERTuy xếp thứ 4 danh sách bốn người giàu có nhất Việt Nam vào những năm đầu của thế kỷ 20 nhưng doanh nhân Bạch Thái Bưởi lại được nhiều thế hệ người Việt ca tụng như một tấm gương khởi nghiệp thành công từ nghịch cảnh, nhờ tinh thần dân tộc của một quý tộc Việt.

Các lĩnh vực kinh doanh nổi bật nhất của cụ Bạch Thái Bưởi (8/7/1874-22/7/1932) là hàng hải, khai thác than và in ấn. Theo cụ “Làm ra của cải là một đạo lý lớn, không thể coi thường”. Riêng lĩnh vực hàng hải cụ Bưởi thắng người Hoa và người Pháp và được đồng bang ca ngợi như một đấng trượng phu, chúa sông Bắc Kỳ, vua tầu thuỷ Việt Nam, trên báo Nam Phong ví tinh thần quý tộc của cụ như những người quý tộc đương thời Âu, Mỹ.

Tư tưởng xuyên suốt trong văn hóa kinh doanh là dân quốc phú cường giành lại độc lập; thức tỉnh mở mang dân trí, đổi mới văn hóa; đua tranh với tư bản nước ngoài, khẳng định vị thế của doanh nhân Việt Nam. Ngắn gọn có thể thấy những bài học kinh doanh của cụ như dám đi bằng đôi chân của mình, dám tận dụng thời cơ, dám tin người, dám tiếp thu tân thư, dám vận dụng tinh thần yêu nước, dám cạnh tranh đến cùng, dám sáng tạo, dám mở rộng thị trường, dám đi lại từ đầu.

Khi nhận định về cụ, hội Khai Trí Tiến Đức cho rằng: Cụ là một bậc vĩ nhân đất Bắc, một bậc trượng phu nơi thương trường mà cuộc đời của cụ đáng phô bầy cho quốc dân, sự nghiệp của Cụ đáng làm gương cho các nhà buôn bán noi theo. Ứng Hoè Nguyễn Văn Tố trong Hội truyền bá chữ quốc ngữ viết về Bạch Thái Bưởi trong tạp chí Đông Thanh: Bậc anh hùng kinh tế thứ nhất trong kinh tế giới nước nhà.

Theo cháu cụ là chị Bạch Quế Hương, một nhà giáo đã về hưu, lịch sử của dân tộc Việt Nam cận đại cũng là thăng trầm cuộc đời của cụ Bạch Thái Bưởi và gia đình, biến động của lịch sử gây ra những bi kịch gia đình họ Bạch, thân phận từng con người, cũng là đau thương của cả dân tộc Việt Nam phải trải qua.

Từ thời cụ Bưởi khởi nghiệp thành công, con trai Bạch Thái Tòng bị vu thân Nhật và bị thủ tiêu, ly tán và khổ vì lý lịch. Bố chị Hương, Bạch Thái Hải gửi nhà tại Hải phòng đi kháng chiến chống Pháp khi về thì không đòi được nhà, hai đời họ Bạch, xuyên hai thế kỷ vẫn chưa đòi được nhà và chị Hương vẫn đang kiên nhẫn đòi căn nhà thừa kế tại số 61-62 phố Đinh Tiên Hoàng, quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng.

Biết bao tích lũy như nhà máy, công xưởng, hầm mỏ, cảng biển, tài sản của nhà quý tộc này đã không còn sau những biến cố lịch sử. Sau nhiều năm đòi lại nhà để làm nơi thờ tự không có kết quả, vào tháng 1 năm 2020, chị Bạch Quế Hương muốn trả lại các bằng khen, danh hiệu đã được trao tặng.

Tinh thần quý tộc của doanh nhân: Thành tín, đạo nghĩa và trách nhiệm
Tác giả Phạm Hà (bên phải) và chị Bạch Quế Hương với bức tượng chân dung nhà tư sản Bạch Thái Bưởi

Tinh thần cụ Bưởi là hiện thân của tinh thần quý tộc cao quý. Cụ ảnh hưởng của Nho giáo, ngũ thường: nhân, lễ, nghĩa, trí, tín, nhưng lại sớm tiếp cận văn minh Pháp. Nhưng cụ vẫn là người Việt Nam. Kinh doanh trong nghịch cảnh, nên cụ kế thừa tinh hoa của văn minh nhân loại, phát huy tinh thần dân tộc, để làm bản sắc riêng cho tinh thần quý tộc Việt. Cụ được cả hai vua triều Nguyễn là Khải Định và cựu hoàng Bảo Đại ban thưởng cho cụ Bạch Thái Bưởi vì tinh thần thành tín, đạo nghĩa, ý thức trách nhiệm.

Tinh thần quý tộc của nhà tư sản Bạch Thái Bưởi có nội hàm thành tín, đạo nghĩa và tinh thần trách nhiệm phục sự xã hội.

Thành tín
Thành tín là linh hồn của văn minh nhân loại, không có thành tín, thì không có đạo đức, cũng không có văn minh; thành tín cũng là linh hồn của phẩm cách cá nhân, không có thành tín, thì không thể có phẩm cách cao thượng.

Người thiếu sự thành tín, thì hoặc là người vô lại hoặc là kẻ lưu manh. Dân tộc thiếu sự thành tín, thì chắc chắn là dân tộc ngu muội không có văn hóa.

Thành tín cũng là gốc rễ của chế độ dân chủ, vì không có thành tín, thì không có dân chủ đúng nghĩa. Cụ thể, dân chủ dựa vào hiến pháp, và hiến pháp chính là khế ước của xã hội. Thành tín chính là gốc rễ của khế ước, không có thành tín thì khế ước cũng không có giá trị.

Ngẫm thấy thương hiệu cá nhân của cụ Bưởi xây dựng lên từ thành tính, với đối tác, với gia đình, xã hội và thương hội. Có giai thoại kể rằng, khi đến đợt giao hàng cho Sở Hoả Xa Đông Dương, thấy thành phẩm không đủ tiêu chuẩn ông đã cho ngưng giao hàng khiến thời hạn giao hàng bị chậm so với kế hoạch và Bạch Thái Bưởi đã phải đền một khoản tiền rất lớn. Cụ nói "Tiền mất đi còn có thể tìm lại được, chứ chữ tín mất đi là hỏng việc lớn sau này".

Cụ Bạch Thái Bưởi cũng là người đã thực hiện nghiêm túc 10 tôn chỉ trên thương trường: thương phẩm, thương hội, tín thực, kiên tâm, nghị lực, trọng nghề, thương học, giao thiệp, tiết kiệm và coi trọng hàng nội hoá.

Thành tín khẳng định khi cụ cho đóng tầu Bình Chuẩn và hạ thuỷ ngày 7 tháng 9 năm 1919 tại xưởng đóng tầu riêng tại Cửa Cấm, Hải Phòng. Đây là con tầu hơi nước đầu tiên, lớn nhất hoàn toàn do người Việt Nam thiết kế, đóng mới và vận hành trong thiếu thốn của đại chiến thế giới lần thứ nhất (1914-1919) và chạy thành công ven biển và lần đầu tiên có tầu An Nam cập cảng Sài Gòn vào ngày 17/9/1920 với sự đón tiếp hân hoan và tự hào của giới công thương thời bấy giờ.

Người Việt tự hào về người Việt và tự tin là có thể làm được, vì khi ấy không ai tin việc đóng mới được và chạy ven biển cập cảng Sài Gòn thành công, mang theo sứ mệnh chấn hưng thương trường cổ động thực nghiệp của tin thần tự hào dân tộc sâu sắc của nhà công nghiệp Bạch Thái Bưởi.

Đạo nghĩa
Đạo nghĩa bao hàm nhân đạo và công đạo. Nhân đạo là tiền đề của công đạo, chính là sự tôn trọng đối với sinh mệnh của con người. Ngay cả ý thức nhân đạo cũng không có, thì về cơ bản không thể có công đạo. Tôn thờ bạo lực chính là coi thường nhân đạo.

Nhân đạo và công đạo hòa quyện sinh ra chủ nghĩa nhân quyền của nền văn minh hiện đại, sở dĩ châu Âu có thể sinh ra Công ước Nhân quyền, thực chất chính là do sự thúc đẩy của tinh thần quý tộc.

Tinh thần đạo nghĩa mang tới nhân từ, mang tới khoan dung, mang tới sự quan tâm, mang tới sự công chính. Quý tộc quan tâm tới những người yếu thế trong xã hội, họ quan tâm sự nghiệp từ thiện trên thế giới dường như đều do quý tộc đầu tư xây dựng, và cái mà họ dựa vào chính là tinh thần đạo nghĩa.

Đạo nghĩa của cụ Bạch Thái Bưởi với chính người làm của cụ, các công ty các vùng miền, nhà máy khắp nơi, 30 con tầu lớn nhỏ vả xà lan và tầu kéo tới 40 chiếc, gần 2000 người làm được tổ chức chặt chẽ, đời sống đảm bảo và an sinh tốt, không có bất kỳ đình công nào.

Cụ tin người có tài, dụng nhân như dụng mộc và giao trọng trách, không nhất thiết phải là người nhà. Gia đình nề nếp gia phong, cụ gửi các con đi tu học bên Pháp. Tình với đồng bào, cứu giúp khi khó khăn, hoạn nạn, thiên tai. Khi lũ lụt Trung Kỳ, cụ gửi gạo và cứu đói, khiến vua Bảo Đại cảm phục mà sắc phong.

Ít ai biết rằng nhà tang lễ Phùng Hưng của thành phố Hà Nội bây giờ có tiền thân là Hội Hợp Thiện mà cụ Bạch Thái Bưởi thành lập năm 1906, đây là là một trong những tổ chức từ thiện tích cực nhất ở Bắc Kỳ thời bấy giờ. Hội đặt trụ sở tại số 125 đường Henri d’Orléans (nay là phố Phùng Hưng), Hà Nội. Hoạt động của hội xoay quanh hai nội dung chính là độ tử và tế bần.

Trách nhiệm
Tinh thần trách nhiệm chính là tinh thần dám gánh vác. Chịu trách nhiệm với lương tri của xã hội nhân loại, chịu trách nhiệm với văn hóa truyền thống của nhân loại, bảo vệ đạo đức, duy trì công bằng xã hội, bảo vệ sự phát triển hòa bình của xã hội.

Chính tinh thần trách nhiệm mang tới lòng tin và sức mạnh không gì lay chuyển được của quý tộc, một khi dân tộc rơi vào khủng hoảng, quý tộc sẽ đứng phía trước dân tộc, bảo vệ an toàn cho dân tộc, bảo vệ và thúc đẩy văn minh nhân loại phát triển hơn.

Cụ Bạch Thái Bưởi theo đuổi một cuộc cách mạng phi bạo lực, và ủng hộ phong trào Duy Tân, chấn dân khí của cụ Phan Bội Châu, đổi mới để canh tân đất nước, tiến tới độc lập và thống nhất ba miền.

Cờ của Giang Hải Luân Thuyền Bạch Thái Công ty là cờ mỏ neo, mầu vàng tượng trưng cho hàng hải và máu đỏ da vàng, có 3 sao tượng trưng ba miền, với mong muốn thống nhất của cụ Bắc - Trung - Nam bằng việc mạnh kinh tế, tự tôn dân tộc và phát triển đất nước hưng thịnh bằng phát triển giao thông cả đường sông, đường biển và phát triển nghành đóng tầu. Nhà máy đóng tầu Cửa Cấm - Hải Phòng tiền thân là xưởng đóng tầu của cụ Bưởi, mua lại từ hãng Marty d'Abbadie.

Cụ muốn xây dựng Hà Nội đẹp như Paris, có lẽ cụ là người đầu tiên muốn phát triển Hà Nội dựa vào đường sông, lấy sông Hồng làm trung tâm, quy hoạch nhìn ra sông Hồng. Trên bến, dưới thuyền, cụ thể bến thuyền của cụ ngay cột đồng hồ, trụ sở chính ở Hà Nội ngay số 1 phố Hàng Muối bây giờ. Trước khi xây cầu Chương Dương, con phố nhỏ này mang tên đường Bạch Thái Bưởi.

Cả cuộc đời của cụ gắn với con số 7 kỳ diệu, thể hiện người tài giỏi, đón gió canh tân, thuộc tầng lớp tinh hoa xã hội. Cụ mở xưởng đóng tầu đầu tiên tại nước ta do người Việt làm chủ, cụ kinh doanh đa ngành, mở xưởng in báo khai hoá dân An Nam, thắng người Hoa trên sông nước, cụ khai mỏ cạnh tranh với độc quyền người Pháp, dự định làm nhà máy nước, gạo, đường sắt nối Nam Định - Hải Phòng không gì khác ngoài trách nhiệm gánh vác của tầng lớp tinh hoa.

Năm 1921, Bạch Thái Bưởi cho ra đời tờ báo hàng ngày mang tên Khai hóa nhật báo với tôn chỉ: "Một là giúp đồng bào ta tự khai hoá, dạy bảo lẫn nhau... mở mang con đường thực nghiệp. Hai là giãi bày cùng Chính phủ bảo hộ những yêu cầu thiết thực, chính đáng của quốc dân. Ba là diễn giải những ý kiến, những lợi ích, tác hại của các công việc Chính phủ đang làm...". Mục đích cuối cùng của phong trào thực nghiệp mà Bạch Thái Bưởi phát động và cổ suý chỉ cốt làm giàu "vì dân giàu thì nước mới giàu".

Ba loại tinh thần: thành tín, đạo nghĩa và tinh thần trách nhiệm đều đến từ tín ngưỡng tôn giáo, chỉ có tín ngưỡng tôn giáo mới có thể chuyển hóa thành sức mạnh tinh thần kiên định và bền bỉ, đạt đến trạng thái cao quý.