Quảng Ninh còn nhiều dư địa hút vốn FDI

Hạ An - 11:00, 15/12/2023

TheLEADERQuy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ có thêm tám khu công nghiệp mới với tổng diện tích quy hoạch hơn 6.589ha là một trong những điều kiện cần để Quảng Ninh tăng sức hút đầu tư.

Quảng Ninh còn nhiều dư địa hút vốn FDI
Một góc KCN Hải Hà, nơi vừa đón dự án tổ hợp công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar Hải Hà Việt Nam có tổng vốn đầu tư đăng ký trên 34.657 tỷ đồng (tương đương 1,5 tỷ USD)

Sức hút ngày càng tăng

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch Đầu tư), sau 11 tháng năm 2023, các nhà đầu tư nước ngoài đã “rót vốn” vào 56 tỉnh, thành phố trên cả nước gần 29 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tăng 14.8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục dẫn đầu với tổng vốn đầu tư FDI với trên 3,11 tỷ USD, chiếm gần 10,8% tổng vốn đầu tư đăng ký và đứng đầu cả nước. 

Với Quảng Ninh, từ đầu năm đến nay, tỉnh đã thực hiện cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 23 dự án FDI với gần 3,1 tỷ USD; điều chỉnh tăng vốn 3 dự án với số vốn tăng thêm là 28,8 triệu USD. 

Đối với các dự án thu hút mới, Hồng Kông dẫn đầu về tổng vốn đầu tư, tiếp theo là Đài Loan, Singapore, Thụy Điển, Nhật Bản.

Đáng chú ý, phần lớn trong số này là các dự án thế hệ mới thuộc lĩnh công nghiệp chế biến, chế tạo sản xuất theo hướng tiên tiến, hiện đại, phát triển xanh, tập trung vào các khu công nghiệp, khu kinh tế, trọng điểm là khu kinh tế ven biển Quảng Yên, khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái.

Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 174 dự án FDI đến từ 19 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt gần 14 tỷ USD.

Hồng Kông (Trung Quốc) dẫn đầu chiếm 38,4% tổng vốn đầu tư đăng ký; tiếp theo là Nhật Bản, Hoa Kỳ, Singapore, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE)... 

Các quốc gia và vùng lãnh thổ đã đầu tư vào 16/21 ngành kinh tế quốc dân, dẫn đầu là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 51,73%), tiếp theo là các ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt, dịch vụ...

địa bất động sản công nghiệp lớn

Theo báo cáo quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trên địa bàn tỉnh đang có 16 KCN gồm đã đi vào hoạt động, đang trong quá trình xây dựng và đang được nghiên cứu quy hoạch, lựa chọn nhà đầu tư.

16 KCN này có tổng diện tích hơn 12.886ha nằm trong quy hoạch phát triển đến năm 2040 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong số này, hiện đã có 10 dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN thuộc 8 KCN được cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng kí đầu tư và thành lập.

Mười KCN trong danh sách này gồm Cái Lân, Việt Hưng, Đông Mai, Hoành Bồ, Hải Yên, Texhong Hải Hà - giai đoạn I (thuộc KCN- Cảng biển Hải Hà), Sông Khoai, Nam Tiền Phong, Bắc Tiền Phong và Bạch Đằng (thuộc KCN - Dịch vụ Đầm Nhà Mạc). 

Trong đó, các KCN Cái Lân, Việt Hưng, Đông Mai, Hải Yên, Texhong Hải Hà, Sông Khoai, Bắc Tiền Phong đã có nhà đầu tư thứ cấp.

Các KCN hiện chủ yếu tập trung tại các địa phương như thị xã Quảng Yên, thành phố Hạ Long, huyện Hải Hà và thành phố Móng Cái - những khu vực tập trung các đầu mối giao thông, hạ tầng sẵn có như cao tốc Hạ Long - Hà Nội, cảng Cái Lân, Tiền Phong, Hải Hà, cửa khẩu Móng Cái, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển và giao lưu hàng hóa.

Theo đánh giá của UBND tỉnh Quảng Ninh, tỷ lệ lấp đầy của các KCN trên địa bàn mới đạt trên 43% - hiện đang thấp hơn mức bình quân cả nước (72%). Do đó, cùng với quỹ đất cũ và mới, Quảng Ninh hoàn toàn đủ quỹ đất để thu hút được những đại dự án. 

Mới đây, dự án tổ hợp công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar Hải Hà Việt Nam có tổng vốn đầu tư đăng ký trên 34.657 tỷ đồng (tương đương 1,5 tỷ USD) đã vào KCN Hải Hà và dự án nhà máy Liteon Quảng Ninh có tổng vốn đầu tư 690 triệu USD đã vào KCN Sông Khoai.

Ngoài quỹ đất KCN, Quảng Ninh còn được phát triển thêm 28 cụm công nghiệp (CCN) mới với tổng diện tích dự kiến hơn 1.626ha. Một số CCN quy hoạch mới có diện tích lớn như Dương Huy (về cơ khí, sửa chữa máy móc thiết bị) ở xã Dương Huy, TP. Cẩm Phả; Đạp Thanh (sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông, lâm sản, sửa chữa cơ khí) tại xã Đạp Thanh, huyện Ba Chẽ; Nam Sơn 2 (đa ngành, đa nghề) tại xã Nam Sơn, huyện Ba Chẽ…

Theo báo cáo quy hoạch của UBND tỉnh Quảng Ninh, hiện trên địa bàn tỉnh đã thành lập, mở rộng tám CCN với diện tích gần 444ha. Trong đó, năm CCN đã đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và đi vào hoạt động với tổng diện tích hơn 312ha gồm các CCN Kim Sen, Hà Khánh, Hoành Bồ, Cẩm Thịnh, Nam Sơn. Các CCN này có quy mô từ 40 - 80ha thu hút được 423 dự án thứ cấp với 5.100 lao động, tỷ lệ lấp đầy bình quân là 65,38%.

Không gian bố trí các CCN hiện tại tập trung chủ yếu ở vùng trung tâm như Hạ Long và Cẩm Phả và tiểu vùng phía Tây như Đông Triều và Uông Bí, là các khu vực có điều kiện giao thông tốt và gần các đô thị hiện hữu.