Quảng Ninh hấp dẫn nhà đầu tư Đài Loan

Quỳnh Chi - 12:11, 10/11/2021

TheLEADERVới hệ thống cơ sở hạ tầng chất lượng và đồng bộ, tỉnh Quảng Ninh mong muốn tiếp tục kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp Đài Loan nghiên cứu đầu tư, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử - bán dẫn.

Quảng Ninh hấp dẫn nhà đầu tư Đài Loan
Lãnh đạo các nhà đầu tư Đài Loan tại Quảng Ninh

Vào Quảng Ninh đầu tư từ năm 2019 đến nay, ông Lee Min Ho, Phó chủ tịch thường trực Tập đoàn Vỹ Trọng (Đài Loan) nhìn nhận, Quảng Ninh là địa phương có môi trường đầu tư rất tốt. Chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn đã sâu sát cùng nhà đầu tư này khi thực hiện các thủ tục đầu tư cũng như triển khai xây dựng các dự án.

Đến nay, Tập đoàn Trọng Vỹ đã đầu tư năm dự án tại Quảng Ninh gồm hai dự án dệt may với tổng vốn 57 triệu USD ở khu công nghiệp Hải Yên và ba dự án bao gồm dệt may và điện tử ở khu công nghiệp Việt Hưng có tổng vốn 70 triệu USD. 

Ông Thạch Thụy Kỳ, Trưởng đại diện văn phòng kinh tế văn hóa Đài Bắc tại Việt Nam cũng cho biết, nhìn chung, các nhà đầu tư Đài Loan đánh giá rất tốt về môi trường đầu tư ở Việt Nam nói chung và tỉnh Quảng Ninh nói riêng. 

Theo đó, Quảng Ninh là địa phương liên tục đạt tăng trưởng cao, ổn định và luôn trong nhóm dẫn đầu cả nước, tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm đạt 10,7%; thu ngân sách nội địa thuộc nhóm các tỉnh, thành phố có số thu cao nhất cả nước; GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt trên 7.000 USD, gấp hơn hai lần bình quân chung cả nước. 

Đáng chú ý, hệ thống hạ tầng chất lượng và đồng bộ của tỉnh này là yếu tố được nhấn mạnh. Quảng Ninh hiện có hệ thống 16 khu công nghiệp, 3 khu kinh tế cửa khẩu và 2 khu kinh tế ven biển có tổng diện tích 377.670ha, được phân bố tại 11/13 đơn vị cấp huyện đã được Thủ tướng Chính phủ quy hoạch. 

Phần lớn khu công nghiệp đã được đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu thuê mặt bằng của các nhà đầu tư thứ cấp, trong đó có các nhà đầu tư Đài Loan trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo.

Đây sẽ là dư địa mà tỉnh Quảng Ninh mong muốn tiếp tục kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp Đài Loan nghiên cứu đầu tư, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử - bán dẫn.

Quảng Ninh hấp dẫn nhà đầu tư Đài Loan
Hội nghị xúc tiến đầu tư vào tỉnh Quảng Ninh với các nhà đầu tư Đài Loan

Theo thống kê, với trên 2.800 dự án và vốn đầu tư đăng ký đạt trên 35 tỷ USD, Đài Loan đứng thứ tư trong các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Số liệu từ PwC Đài Loan cho thấy, tầm quan trọng của Việt Nam đối với doanh nghiệp Đài Loan đã nâng từ mức 18% năm 2018 lên 24% vào cuối năm 2020 và đứng thứ tư sau Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc.

Đặc biệt trong năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, các nhà đầu tư Đài Loan vẫn đặt niềm tin vào môi trường đầu tư - kinh doanh và sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam với số vốn đầu tư đăng ký đạt trên 1,1 tỷ USD.

Tại tỉnh Quảng Ninh, số lượng dự án của nhà đầu tư Đài Loan hiện còn khá khiêm tốn với khoảng 10 dự án, tương ứng 138,48 triệu USD, thuộc các lĩnh vực linh kiện điện tử, dệt may…. Tuy nhiên, hiện nay Quảng Ninh đã thu hút được một số nhà đầu tư Đài Loan có uy tín, thương hiệu trên trường quốc tế vào đầu tư tại các khu công nghiệp của tỉnh như Tập đoàn Foxconn, Tập đoàn Vỹ Trọng...

Mặc dù đối mặt với những thách thức do đại dịch Covid-19 gây nên nhưng tỉnh Quảng Ninh vẫn nỗ lực kêu gọi, thu hút đầu tư, tạo thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư Đài Loan vào tỉnh, nhất là đầu tư vào những lĩnh vực mà các nhà đầu tư Đài Loan (Trung Quốc) hiện rất có thế mạnh là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử - bán dẫn... tại địa bàn các khu công nghiệp của tỉnh. 

Điều này thể hiện rõ qua hội nghị xúc tiến đầu tư vào tỉnh Quảng Ninh với các nhà đầu tư Đài Loan được tổ chức dưới hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến ngày 9/11. 

Quảng Ninh hiện đang trên hành trình trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của phía Bắc. Quảng Ninh tiếp tục đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, đẩy nhanh tốc độ công nghiệp hóa - hiện đại hóa - đô thị hóa. 

Trong đó, tỉnh Quảng Ninh đặc biệt ưu tiên phát triển công nghiệp xanh, công nghiệp sạch, công nghệ cao, công nghệ thông minh, thân thiện với môi trường; tăng nhanh tỷ trọng đóng góp của công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghệ cao, công nghệ thông minh; phát triển hợp lý, bền vững ngành công nghiệp khai khoáng góp phần bảo đảm an ninh năng lượng theo quy hoạch.