Sân chơi dành cho startup giao đồ ăn bản địa

Việt Hưng - 14:40, 19/05/2020

TheLEADERTrong khi những đô thị cấp 1 cạnh tranh quá găy gắt, "thị trường tier-2", trở thành mảnh đất mầu mỡ cho các startup bản địa, vốn đã quen thuộc với văn hóa địa phương và có đầy đủ lợi thế trong việc mở rộng nhanh trên sân nhà.

Một khảo sát nhanh trên mạng xã hội của cộng đồng hơn 36.000 thành viên hiện đang làm việc, sinh sống tại TP. Cần Thơ cho thấy, Loship là ứng dụng giao đồ ăn được nhận biết nhiều nhất trên đường phố, với số lượng tài xế vượt trội, vượt qua cả những cái tên gạo cội như Grab, Now hay Citiship.

Dù chỉ là một khảo sát nhỏ, thành quả của Loship có thể thấy được từ sự nhộn nhịp của những shipper và tốc độ tăng của các đơn hàng. Có mặt tại Cần Thơ từ cuối năm 2019, chỉ sau 6 tháng, lượng đơn hàng của Loship đã chạm mốc kỷ lục 250.000 đơn/tháng, tăng hơn 80 lần so với thời điểm mới ra mắt. Có những ngày, lượng giao dịch vượt ngưỡng 10.000 đơn/ngày, mức "đáng mơ ước" đối với bất kỳ dịch vụ giao đồ ăn nhanh nào tại đây.

Thị trường tier-2 là cách nói chỉ những thị trường tỉnh bên ngoài các đô thị loại 1 như Hà Nội và TP. HCM. Hiện nay, cả Hà Nội và TP. HCM đều đang là chiến trường lớn cho nhiều hãng vận chuyển cạnh tranh nhau gay gắt, và điều này được dự báo sẽ không chấm dứt trong ngắn hạn.

Trước sức ép đó, nhiều thương hiệu bản địa đã chuyển sang chiến lược thị trường ngách. Các thị trường tier-2 có quy mô nhỏ hơn, ít được các công ty đa quốc gia chú ý hơn và nhóm khách hàng ở đây cũng mang đậm văn hóa bản địa hơn.

Sân chơi dành cho startup giao đồ ăn bản địa
Khảo sát nhanh cho thấy các thương hiệu bản địa đang chiếm ưu thế hơn tại các “thị trường tier 2” như Cần Thơ

Thực tế đã cho thấy, những thị trường tier-2 đặc thù là nơi các startup bản địa chiếm được ưu thể, bởi họ vốn đã quen thuộc với văn hóa địa phương và có đầy đủ lợi thế trong việc mở rộng nhanh trên sân nhà.

"Bản chất là một công ty nội địa, Loship có tốc độ và sự am hiểu cần thiết để mở rộng dịch vụ tới những thị trường tier-2 và tier-3 trong thời gian nhanh nhất có thể. Bởi ở quy mô nhỏ, chúng tôi nắm bắt chi tiết hơn nhu cầu khách hàng, tập trung tối đa nguồn lực phục vụ và mang lại giá trị tối đa cho khách hàng. Đấy là điều mà đôi lúc những công ty lớn về vốn hóa đang hoạt động trên quá nhiều thị trường không thể làm nhanh được", ông Nguyễn Hoàng Trung, đại diện Loship chia sẻ.

Hiện Loship có hơn 50.000 tài xế và 200.000 đối tác. Nền tảng phục vụ hơn 1.500.000 khách hàng và có khoảng 70.000 giao dịch hàng ngày. Tính riêng ở thị trường Cần Thơ, Loship có khoảng 3.000 tài xế và mạng lưới đối tác hơn 1.000 cửa hàng lớn nhỏ.

Lợi thế sân nhà của các startup bản địa như Loship giúp đơn vị này nhanh chóng mở rộng quy mô với chi phí thấp hơn nhiều. Chẳng hạn, với thị trường Cần Thơ, chi phí chi hoạt động marketing của Loship thấp hơn nhiều so với tại Đà Nẵng, thị trường mà Loship triển khai trước đó 5 tháng. Điều này, theo ông Trung, đến nhờ việc rút ra được rất nhiều bài học từ những kinh nghiệm thực hiện trên nhiều thị trường khác và đã ngay lập tức áp dụng toàn bộ những gì học được vào thị trường mới.

"Khi bạn làm đủ nhiều, bạn sẽ đúc kết được một công thức hoạt động chung, sau đó bạn sao chép và áp dụng nó tại các khu vực khác khi mở rộng. Như vậy, bạn sẽ đi với tốc độ nhanh hơn và làm chủ thị trường mới một cách dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, 3 yếu tố quan trọng trong chiến lược marketing của Loship đó là: Bản địa, hài hước, và xây dựng cộng đồng", đại diện startup Việt Nam chia sẻ.

Sân chơi dành cho startup giao đồ ăn bản địa 1
Số lượng tài xế Loship đông đảo tại xứ Tây Đô cho thấy chiến lược tiếp cận thị trường độc đáo của startup này

Theo ước tính của Tập đoàn nghiên cứu thị trường Euromonitor International, thị trường giao đồ ăn trực tuyến tại Việt Nam có giá trị quy mô 33 triệu USD trong năm 2018, dự kiến sẽ đạt quy mô khoảng 38 triệu USD vào năm 2020 và duy trì mức tăng trưởng bình quân 11% trong 5 năm tới.

Còn theo Công ty nghiên cứu thị trường Kantar, doanh thu thị trường giao thức ăn trực tuyến Việt Nam năm 2018 là 148 triệu USD, tốc độ tăng trưởng trung bình 28,5%/ năm. Năm 2019, doanh số thị trường này lên tới 207 triệu USD và năm 2023 ước tính có thể lên tới 449 triệu USD. So với các nước trong khu vực, thị trường giao đồ ăn Việt Nam vẫn còn khá mới mẻ và hấp dẫn.

Điều này thu hút rất nhiều các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Bởi hiện nay, nhịp sống tất bật và sự phát triển của làn sóng đô thị hiện đại đã dẫn đến những thay đổi đáng kể trong thói quen ăn uống của nhiều người dân, hướng đến giải pháp giao hàng tận nơi, đặc biệt là thế hệ Millennial (sinh năm 1980 - 2000).

Mặt khác, việc sử dụng các ứng dụng trên smartphone ngày càng phổ biến, cùng với đó người dùng có thể trả tiền qua các cổng thanh toán, ví điện tử nên rất thuận tiện cho người mua lẫn người bán, đặc biệt cả cho người giao hàng.