S&P giữ xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam ở mức BB, triển vọng ổn định

Hoài An - 11:52, 23/05/2020

TheLEADERViệt Nam được đánh giá có vị thế tốt để phục hồi nhanh chóng sau đại dịch Covid-19.

Tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings trong thông báo mới đây cho biết duy trì xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam ở mức BB trong dài hạn với triển vọng ổn định, phản ánh kỳ vọng nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục phục hồi nhanh chóng thông qua những cải tiến về hoạch định chính sách và các chỉ số tín dụng.

S&P đánh giá nền kinh tế Việt Nam có sự phục hồi mạnh sẽ sau khi suy giảm vì đại dịch Covid-19. Tăng trưởng từ xuất khẩu cũng như nhu cầu nội địa mạnh mẽ được dự báo sẽ tiếp tục thúc đẩy xu hướng tăng trưởng của Việt Nam cao hơn hẳn mức bình quân của các quốc gia đồng hạng tín nhiệm.

Dự báo tăng trưởng GDP thực của Việt Nam sẽ giảm về mức 1,2% trong năm nay do sự sụt giảm nhanh chóng của thương mại và du lịch toàn cầu gây ra thiệt hại đáng kể cho nền kinh tế trong ngắn hạn.

Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam có được vị thế tốt để phục hồi nhanh chóng với giả định đại dịch cơ bản được kiểm soát vào cuối năm 2020 hoặc đầu 2021. S&P dự báo tăng trưởng GDP thực của Việt Nam sẽ hồi phục trong năm sau và từ năm 2022, sẽ tiến gần tốc độ phát triển Việt Nam đã xác lập trong dài hạn, từ 6,0% - 7,0%.

Sức hấp dẫn của Việt Nam trong thu hút FDI so với khu vực Đông Nam Á cùng lực lượng lao động trẻ ngày càng có sức cạnh tranh sẽ giúp nền kinh tế giữ được quỹ đạo phát triển trong dài hạn.

S&P cho biết có thể nâng xếp hạng trong vòng 1 – 2 năm tới nếu tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Việt Nam thể hiện trong các kết quả tài chính tốt hơn dự báo hoặc những rủi ro hệ thống trong lĩnh vực ngân hàng được giảm mạnh hơn nữa.

Tuy nhiên, mức xếp hạng có thể bị hạ xuống nếu suy thoái kinh tế tại Việt Nam kéo dài sau năm 2020. Những rủi ro tiềm tàng như đại dịch toàn cầu kéo dài hơn và nghiêm trọng hơn hay sự xuất hiện của những vấn đề đáng kể sẽ gia tăng áp tặng lên hệ thống ngân hàng.

Khả năng hạ xếp hạng cũng có thể diễn ra nếu hiệu quả tài khóa của Việt Nam giảm sút đáng kể, dẫn tới tỷ lệ nợ chính phủ trên GDP cao hơn.