Tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ trong ngành công nghiệp khách sạn

Hường Hoàng - 09:26, 22/08/2022

TheLEADERNgành công nghiệp khách sạn là một ngành hỗ trợ, thúc đẩy các ngành kinh tế khác và có nhiều đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế. Xây dựng thương hiệu trong lĩnh vực khách sạn cần thời gian và nỗ lực rất nhiều, bởi đây là một môi trường cạnh tranh tương đối cao.

Tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ trong ngành công nghiệp khách sạn
Khách sạn Mariot là một trong 10 khách sạn tốt nhất hoạt động ở Việt Nam năm 2021 (Ảnh: VnExpress)

Các công ty nắm giữ tài sản sở hữu trí tuệ (IP) và vốn trí tuệ (IC) sẽ có lợi thế thị trường, tạo ra việc làm và thúc đẩy sự đổi mới. Trong ngành khách sạn cũng vậy. Khi nắm giữ và kết hợp nhiều tài sản trí tuệ với nhau, các thương hiệu có thể tạo ra một thế giới cho riêng mình.

Trong thế giới này, các thương hiệu khách sạn không cần phải liên tục đổ tiền để thu hút khách hàng mới, mà thay vào đó, khách hàng sẽ tự đưa ra quyết định tham gia vào hệ sinh thái tiên tiến này.

Khi sở hữu những loại tài sản sở hữu trí tuệ ở nhiều lớp khác nhau, các thương hiệu khách sạn này sẽ có tính độc đáo ở nhiều cấp độ, tạo ra tính duy nhất cho doanh nghiệp. Và trong số đó, không phải tài sản sở hữu trí tuệ nào cũng có thể được bảo vệ theo luật định, mà phần lớn trong số đó phải được bảo vệ theo chiến lược.

Tạo bản sắc riêng

Thương hiệu không chỉ gắn với các sản phẩm, dịch vụ mà còn gắn liền với những địa điểm cụ thể. Các thành phố, khu vực và thậm chí các quốc gia có thể sử dụng hệ thống sở hữu trí tuệ (SHTT) để tạo ra một bản sắc riêng.

Gần đây, một số khu vực đã nỗ lực xây dựng “nhãn hiệu điểm đến” cho các thành phố, địa phương của mình, nhằm tạo ra sức hấp dẫn đặc biệt, gây được ấn tượng trong lòng du khách, bằng cách sử dụng các nhãn hiệu.

'Tôi yêu NY', 'Malaysia Truly Asia' (Một Malaysia đậm nét Á Châu), 'Kerala – Vùng đất của Chúa Trời' là một số ví dụ điển hình về những nhãn hiệu dành riêng cho các điểm đến và đã được đăng ký trong ngành khách sạn.

Tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ trong ngành công nghiệp khách sạn
Các nhãn hiệu điểm đến đặc sắc của ngành khách sạn (Ảnh: KIPG)

Để tồn tại trong một ngành công nghiệp cạnh tranh cao, các doanh nghiệp phải sử dụng và bảo vệ các tài sản sở hữu trí tuệ của mình như nhãn hiệu, logo, bí mật kinh doanh, nội dung có bản quyền và thậm chí là cả những chỉ dẫn địa lý bằng những cơ chế luật định, từ đó bảo vệ và thực thi những quyền này một cách phù hợp.

Nhãn hiệu

Nhãn hiệu đã trở thành một vấn đề trọng tâm của hoạt động tiếp thị hàng hóa và dịch vụ hiện đại. Và lĩnh vực khách sạn cũng không phải là ngoại lệ. Ngoài việc dùng những nhãn hiệu này để quảng bá và giúp khách hàng phân biệt, các khách sạn còn sử dụng chúng để nhượng quyền và mở rộng quy mô.

Thế giới càng hiện đại, người đi du lịch và đi công tác đến những nơi xa lạ ngày càng nhiều. Tại vùng đất đó, một nhãn hiệu, một thương hiệu khách sạn nổi tiếng của quê hương có thể sẽ là điểm nhấn để thu hút du khách.

Trong ngành khách sạn, yếu tố “bao bì thương mại” (trade dress) như đồng phục của nhân viên khách sạn hoặc cách bài trí của nhà hàng… cũng đóng vai trò rất quan trọng. Nhãn hiệu có thể là một từ, một cụm từ, một dấu hiệu hoặc biểu tượng để phân biệt hàng hóa và dịch vụ của doanh nghiệp này với doanh nghiệp khác. Nếu đã đăng ký nhãn hiệu thành công, doanh nghiệp sẽ là chủ sở hữu duy nhất và có quyền ngăn người khác sử dụng bất kỳ nhãn hiệu nào giống hoặc tương tự với nhãn hiệu của mình.

Doanh nghiệp nên sử dụng những cái tên, những logo, những khẩu hiệu hấp dẫn và càng đặc biệt càng tốt để đăng ký làm nhãn hiệu cho nhà hàng, khách sạn. Cần thận trọng tránh những cái tên tương tự với những thương hiệu lớn hơn và đã có tên tuổi. Tương tự như vậy, mặc dù người ta có thể dùng tên của đầu bếp hoặc người sáng lập để đặt tên cho khách sạn, nhà hàng, nhưng đây cũng không phải là một việc được khuyến khích, bởi vì tên của một người không được coi là điểm đặc biệt.

Ngoài ra, khách sạn có thể bảo hộ tên gọi của những món ăn hoặc những loại cocktail độc đáo, những điểm đặc biệt trong phong cách trang trí (chẳng hạn như một bức tranh tường được thiết kế đặc biệt; hoặc một menu được tạo riêng) của khách sạn.

Nếu sử dụng cả tên và logo để làm nhãn hiệu, thì doanh nghiệp cần phải đăng ký riêng biệt cả hai thành phần này. Tên và logo cần được sử dụng nhất quán, cho dù dưới dạng trực tuyến, dạng in ấn, hay thậm chí là trên đồng phục của nhân viên.

Bản quyền

Với việc con người sử dụng phương tiện truyền thông xã hội ngày càng nhiều, thẻ hastag bắt đầu bằng dấu # rất được thịnh hành, những chiến dịch quảng cáo trực tuyến và giá trị của những món ăn được bày biện đã tăng lên theo cấp số nhân. Bất kỳ thứ gì thể hiện sự sáng tạo, tính độc đáo đều có khả năng được bảo vệ bởi bản quyền.

Doanh nghiệp phải luôn đảm bảo rằng mình là chủ sở hữu độc quyền (về bản quyền) của tất cả những tác phẩm, thương hiệu hoặc chiến dịch nào do bất kỳ cá nhân hoặc cơ quan nào tạo ra để phục vụ cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải luôn luôn ghi rõ điều khoản này trong hợp đồng trong bất cứ hoạt động hợp tác nào với đơn vị bên ngoài. Menu, tài liệu tiếp thị và tên trang web khách sạn cũng là những yếu tố cần tuân theo Luật bản quyền trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Bí mật thương mại

Điều quan trọng đối với sự thành công của nhiều xe bán thức ăn đường phố, quán bar và nhà máy siêu nhỏ là họ có được những lợi thế cạnh tranh về công thức chế biến, cách pha chế, kỹ thuật và quy trình thực hiện độc đáo. Đây là những điều không được công khai và chưa được đăng ký, và vì vậy, chúng cần được bảo vệ dưới dạng bí mật thương mại.

Để bảo vệ bí mật thương mại, doanh nghiệp chỉ nên cho một lượng nhân viên tối thiểu được biết chi tiết về quy trình. Trong hợp đồng, doanh nghiệp cũng nên ghi rõ điều khoản cấm tiết lộ bí mật thương mại để đảm bảo lợi thế của riêng mình.

Doanh nghiệp phải cân nhắc xem ai là người sở hữu bí mật kinh doanh? Doanh nghiệp hay những cá nhân người đầu bếp, nhân viên tạo ra bí mật đó? Doanh nghiệp nên ghi rõ ai là người có quyền sở hữu trong hợp đồng lao động ngay từ đầu để tránh tranh chấp sau này.

Bằng sáng chế

Khi một người chế tạo được một cái gì đó mới, họ có thể nộp đơn xin cấp bằng độc quyền cho sáng chế của mình. Ví dụ, nếu chủ một nhà hàng sáng chế ra một thiết bị nhà bếp mới, người đó có thể đăng ký bằng sáng chế cho sản phẩm đó.

Chủ sở hữu bằng sáng chế có quyền loại trừ tất cả những người, những tổ chức khác khỏi việc chế tạo, sử dụng, hoặc bán sáng chế ở bất cứ quốc gia nào mà bằng sáng chế đang được bảo hộ.

Chỉ dẫn địa lý (GIs)

Chỉ dẫn địa lý (GI) là dấu hiệu chỉ ra một nguồn gốc địa lý cụ thể và sở hữu những phẩm chất hoặc danh tiếng do nguồn gốc đó mang lại. Những chỉ dẫn địa lý này củng cố vị thế của hoạt động du lịch trong một khu vực địa lý cụ thể.

Một quốc gia hay một khu vực thường sẽ có một số sản phẩm nổi tiếng với những đặc điểm đặc trưng. Những dấu hiệu hoặc nhãn hiệu có trên các sản phẩm này sẽ thể hiện rõ nguồn gốc của sản phẩm và được gọi là chỉ dẫn địa lý (GI). Ngoài việc tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh, chỉ dẫn địa lý còn giúp thu hút khách du lịch. Một số ví dụ điển hình về những chỉ dẫn địa lý nổi tiếng phải kể đến như: rượu vang Bordeaux, pho mát Gruyere của Thụy Sĩ, trà Darjeeling…