Tham vọng trở thành 'Google trong tuyển dụng' của CEO Jobhop

Việt Hưng - 15:54, 29/05/2019

TheLEADERCuối năm 2016, JobHop đã nhận được 700.000 USD từ KK Fund của Singapore và Mynavi của Nhật, startup này đặt mục tiêu, trong 3 năm tới, sẽ nằm trong nhóm các doanh nghiệp tuyển dụng hàng đầu cho thị trường Việt Nam, Thái Lan và Philippines.

Sinh tại Đà Nẵng, tốt nghiệp chuyên ngành kinh tế - tài chính của Đại học Arizona, Mỹ, và hoàn thành Chương trình Điều hành tại trường Kinh tế Stanford, thành công đến với Kevin Tùng Nguyễn từ khá sớm khi mới năm nhất đại học, công ty mà anh và hai người bạn thành lập đã được một tập đoàn Pháp mua lại.

Tùng cũng là đồng sáng lập Ivylish - doanh nghiệp xã hội đã hỗ trợ hơn 60 nghệ nhân và 2 trại trẻ mồ côi tại Việt Nam với tổng doanh thu là hơn 350 nghìn USD. Với nhiều năm kinh nghiệm trong việc gọi vốn đầu tư và quản lý điều hành, cuối năm 2016, Tùng trở về Việt Nam, thành lập và trở thành CEO của JobHop.

Với JobHop, Tùng mong muốn dùng công nghệ để thay đổi cách thức kết nối giữa cung và cầu trên thị trường lao động Việt Nam. Ban đầu, JobHop đơn thuần là một ứng dụng trên di động giúp sinh viên tìm việc thuận tiện, nhanh chóng.

Sau này, khi suy nghĩ nghiêm túc hơn về startup của mình, Tùng cho rằng, JobHop cần trở thành một nền tảng tìm việc sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để phân tích dữ liệu, có thể ví như Google trong ngành tìm việc, giúp nhà tuyển dụng và ứng viên kết nối, tìm thấy nhau nhanh chóng, hiệu quả và tối ưu chi phí nhất.

Thông qua JobHop, người dùng có thể dễ dàng tạo hồ sơ, tìm công việc phù hợp với vị trí địa lý, thời gian rảnh, lịch học và mức lương mong muốn thông qua ứng dụng. Bên cạnh đó là tính năng video cho phép đăng tải hoặc trực tiếp quay video dưới 60 giây để gây ấn tượng với nhà tuyển dụng.

Về phía các doanh nghiệp, thay vì phải tốn chi phí và thời gian để tuyển nhân sự phù hợp và đào tạo sau khi tuyển dụng…, bằng cách sử dụng JobHop, doanh nghiệp sẽ nhanh chóng tuyển dụng được nhân sự có năng lực, phù hợp với nhu cầu và tuyển được nhiều vị trí khác nhau cùng lúc.

Tới cuối năm 2016, JobHop đã nhận được khoản đầu tư hơn 700.000 USD từ KK Fund, quỹ đầu tư mạo hiểm của Singapore và Mynavi của Nhật. Với nguồn lực này, JobHop được Tùng đầu tư nhiều hơn về mặt công nghệ và con người.

JobHop khi này hoạt động theo cơ chế tương tự các công cụ tìm kiếm phổ biến hiện nay như Google - khi người dùng nhập từ khóa, hệ thống sẽ tìm kiếm các website có nội dung tương tự và trả về kết quả.

Tham vọng trở thành 'Google trong tuyển dụng' của CEO Jobhop
Kevin Tùng Nguyễn - CEO & nhà sáng lập JobHop

Cụ thể, JobHop sẽ chuyển hồ sơ xin việc trên Internet và nhu cầu tuyển dụng của các công ty thành từ khóa và dùng thuật toán kết nối những điểm tương đồng giữa hai bên lại với nhau. Đối với các mô hình truyền thống, công việc này phụ thuộc vào con người, nên hiệu suất không cao. Bằng công nghệ, JobHop có thể tự động hóa việc kết nối này với quy mô lớn, ước tính có thể xử lý vài chục ngàn bộ hồ sơ mỗi ngày.

Tuy nhiên, một vấn đề có thể xảy ra là, trong các kết quả có thể tồn tại hồ sơ trùng lặp, hoặc ứng viên đã có công việc, nhưng chưa được cập nhật. Lúc này, JobHop sẽ tính toán dựa trên các thông tin về thời gian người lao động đăng hồ sơ, số lần họ cập nhật, truy cập vào hồ sơ... để đưa ra một bảng đánh giá nhu cầu tìm việc của người lao động từ “đã tìm được việc” cho đến “sẵn sàng cho cơ hội mới”.

Để nắm được dữ liệu phân tích, JobHop đã kết nối với 26 kênh tìm việc phổ biến ở Việt Nam. Tùng cho biết, các kênh này đều hào hứng khi hợp tác với JobHop. "Họ có rất nhiều dữ liệu nhưng chưa biết cách để khai thác hiệu quả", Tùng nói.

Phần lớn doanh thu hiện nay của JobHop đến từ việc cung cấp công cụ phân tích dữ liệu cho các công ty tuyển dụng, bên cạnh 2 nguồn thu khác là dịch vụ tuyển dụng theo nhu cầu doanh nghiệp và đảm nhận khâu pháp lý của các công ty nước ngoài đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam. Tùng ước tính, thị trường này trị giá khoảng 60 triệu USD/năm.

Bên cạnh tiềm năng rất lớn từ thị trường, khó khăn đặt ra là, làm sao để giải quyết được không chỉ riêng việc kết nối chính xác nhu cầu của nhà tuyển dụng với người lao động phù hợp, mà còn phải dự báo được nhu cầu công việc sắp diễn ra. Đó mới là vấn đề lớn nhất của thị trường mới nổi này.

Bằng việc phân tích dữ liệu, JobHop kỳ vọng có thể dự báo được nhu cầu nhân lực trên từng lĩnh vực, kỹ năng và xa hơn là có thể kết nối với các đối tác đào tạo để phát triển mạnh nguồn nhân lực ở Việt Nam. "Chúng tôi sẽ sớm đưa tính năng này ra mắt thị trường", nhà sáng lập JobHop cho biết.

Hiện JobHop đã và đang phục vụ hơn 500.000 người tìm việc, trên 2.000 doanh nghiệp lớn nhỏ, trong đó có những tập đoàn hàng đầu đang hoạt động tại thị trường Việt Nam như Fossil, Vingroup, VNG, CJ CGV…

Để thực hiện giấc trở thành "Google trong tuyển dụng", Tùng đã mời các chuyên gia Google và chuyên gia người Việt trong mảng phát triển trí tuệ nhân tạo ở nước ngoài tư vấn công nghệ để đáp ứng khả năng phân tích và tốc độ tăng trưởng nhanh của JobHop.

JobHop đặt mục tiêu, trong 3 năm tới, sẽ nằm trong nhóm các doanh nghiệp tuyển dụng hàng đầu cho thị trường Việt Nam, Thái Lan và Philippines.