Tham vọng trở thành tập đoàn tài chính của VPBank

Trần Anh - 16:51, 18/04/2023

TheLEADERVới quy mô vốn và lợi nhuận hiện tại, VPBank đã vươn lên trở thành một trong những ngân hàng tư nhân lớn nhất Việt Nam. Mặc dù vậy, tham vọng của ngân hàng chưa dừng lại. Trong kế hoạch 5 năm (2022 – 2026) tới đây, ngân hàng vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng cao từ 30 – 35%/năm.

Tham vọng trở thành tập đoàn tài chính của VPBank
Đại hội cổ đông của VPBank diễn ra chiều nay (18/4) tại Hà Nội.

5 năm tăng trưởng ấn tượng

Năm 2022 là năm cuối trong chiến lược 5 năm 2017 – 2022 của VPBank. Ngân hàng kết thúc kế hoạch 5 năm với những con số ấn tượng khi quy mô vốn chủ sở hữu hợp nhất của VPBank đã chính thức cán mốc hơn 103 nghìn tỷ đồng. 

Lợi nhuận ngân hàng từ 900 tỷ đồng vào năm 2017 đã tăng lên 21.000 tỷ đồng vào cuối năm 2022. Dư nợ và huy động tăng mạnh lần lượt 20% và 28%/năm, số lượng khách hàng của ngân hàng cũng tăng gần 5 lần, từ 5 triệu lên 24 triệu khách hàng. 

Ngân hàng cũng đã thực hiện phát hành cổ phiếu với tỷ lệ 50% để chia cổ tức cho cổ đông, từ đó tăng vốn điều lệ lên 67 nghìn tỷ đồng, trở thành ngân hàng có vốn điều lệ cao nhất hệ thống.

Những kết quả đạt được là nỗ lực lớn của VPBank trong bối cảnh nền kinh tế không thuận lợi. Trong 5 năm thực hiện chiến lược của VPBank, 2 năm khó khăn do dịch Covid-19 (2019 – 2021), tiếp sau đó là năm 2022 đầy khó khăn khi kinh tế vĩ mô trong nước lẫn quốc tế.

“VPBank từ một ngân hàng tầm trung sau 5 năm chiến lược và 10 năm cải cách, đã trở thành một trong những ngân hàng tư nhân lớn nhất Việt Nam”, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc ngân hàng chia sẻ.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, cũng còn tồn đọng những khó khăn. FE Credit – “con gà đẻ trứng vàng” của VPBank một thời đã phục hồi chậm hơn dự kiến sau tác động nặng nề của dịch Covid-19. Năm 2022 cũng là năm đầu tiên sau 10 năm hoạt động FE Credit báo lỗ.

Mặt khác, những khó khăn trên thị trường tiền tệ do tác động của thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp cung tạo áp lực lớn đến hệ thống ngân hàng. Những khó khăn trên được ban lãnh đạo dự báo vẫn tiếp tục ảnh hưởng trong ít nhất là nửa đầu năm 2023 này.

Đứng trước những khó khăn trên, VPBank ưu tiên hàng đầu cho thanh khoản, quản trị rủi ro, đảm bảo an toàn hệ thống. Theo ông Vinh, nhờ những thay đổi kịp thời, ngân hàng đã vượt qua cuộc khủng hoản thanh khoản và tiếp tục là ngân hàng huy động nguồn vốn cao nhất thị trường, đồng thời đáp ứng nguồn vốn kịp thời tới khách hàng.

Tham vọng trong chu kỳ mới

Với quy mô vốn và lợi nhuận hiện tại, VPBank đã vươn lên trở thành một trong những ngân hàng tư nhân lớn nhất Việt Nam. Mặc dù vậy, tham vọng của ngân hàng chưa dừng lại. Trong kế hoạch 5 năm (2022 – 2026) tới đây, ngân hàng vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng cao từ 30 – 35%/năm.

Theo ông Ngô Chí Dũng, chủ tịch VPBank, đây không phải là kế hoạch viển vông mà ban lãnh đạo VPBank đã có chiến lược cụ thể. Trong đó, hướng tới xây dựng VPBank trở thành một tập đoàn tài chính đa năng với các thế mạnh nguồn lực, công nghệ, hệ sinh thái đa dạng.

Chiến lược của VPBank được xây dựng trong bối cảnh quy mô nguồn lực tăng mạnh. Quy mô vốn chủ sở hữu của ngân hàng tính tới cuối năm 2022 vào khoảng 103 nghìn tỷ đồng. Cùng những thoản thuận với SMBC, sắp tới đây VPBank sẽ sớm trở thành ngân hàng có nền tảng vốn thứ 2 thị trường với quy mô khoảng 150 nghìn tỷ đồng vào cuối năm 2023.

Với nền tảng nguồn vốn lớn mạnh, chiến lược trước đây chỉ tập trung vào bán lẻ, khách hàng cá nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) sẽ không còn phù hợp. VPBank cần phải có một động lực tăng trưởng mới, trở thành một tổ chức tài chính mạnh mẽ, ưu việt hơn.

Đại diện ngân hàng chia sẻ, động lực tăng trưởng trong giai đoạn tới sẽ đến từ lĩnh vực coporate banking, ngân hàng giao dịch, và đặc biệt là mở rộng các phân khúc khách hàng mới như ngân hàng đầu tư, công ty chứng khoán, quản lý quỹ, bảo hiểm. 

Những bước đi này đã được VPBank cụ thể hóa ngay trong năm 2022 với việc xây dựng công ty chứng khoán VPBank và bảo hiểm OPES.

Theo đại diện ngân hàng, công ty chứng khoán mới ra đời đã đóng góp 500 tỷ lợi nhuận và dự kiến năm nay sẽ tăng lên gấp 3 lần. Tiếp theo đó là tiềm năng lớn của công ty bảo hiểm.

Song song với đó, ngân hàng tiếp tục thể hiện thế mạnh của mình tại phân khúc bán lẻ và SME. Dự kiến, phân khúc bán lẻ và SME vẫn sẽ tăng trưởng cao trong năm nay, lần lượt là 40% và 35%.

Đặc biệt, với sự hỗ trợ của SMBC, VPBank hiện đã mở rộng được sang phân khúc khách hàng mới là nhóm doanh nghiệp FDI. 

"Đây là phân khúc khách hàng lớn với hơn 10.000 doanh nghiệp. Hiện tại VPBank đã xây dựng một trung tâm chuyên chăm sóc khách hàng FDI, dự kiến xây dựng thành khối kinh doanh mạnh trong thời gian tới. Mục tiêu đến cuối năm sẽ phục vụ từ 300 – 600 doanh nghiệp", Tổng giám đốc Nguyễn Đức Vinh chia sẻ.

Đánh giá tình hình kinh doanh quý I/2023, đại diện VPBank cho biết tình hình vẫn tương đối khó khăn. Ngân hàng mẹ đạt lợi nhuận trước thuế khoảng 4.000 tỷ đồng, với tăng trưởng tín dụng 7%, huy động khoảng 11,5%.

Những khó khăn kinh tế cũng phản ánh vào hoạt động của VPBank khi tỉ lệ nợ xấu tăng từ 2,2% lên 2,6%. Ngân hàng dự kiến, nợ xấu vẫn sẽ tăng trong quý II, trước khi giảm dần vào nửa cuối năm 2023. 

Song song với đó, tài chính tiêu dùng cũng chưa khởi sắc khi FE Credit dự báo tiếp tục lỗ trong quý đầu năm. Dư nợ trái phiếu doanh nghiệp của VPBank hiện có quy mô trên 30.000 tỷ đồng, với 60% là trái phiếu bất động sản. Ngân hàng cũng dự kiến giảm quy mô trái phiếu xuống khoảng 20.000 tỷ đồng vào cuối quý II.

Bất chấp những khó khăn đó, ban lãnh đạo VPBank vẫn tin tưởng vào triển vọng của ngân hàng. Tại ĐHCĐ, ngân hàng quyết định không điều chỉnh giảm kế hoạch năm 2023, vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng từ 30 - 40% với các chỉ số kinh doanh chính như tổng tài sản, huy động, dư nợ tín dụng...

“Hiện tại ban lãnh đạo vẫn rất quyết tâm. Nếu 6 tháng đầu năm không đạt được thì ban lãnh đạo ngân hàng sẽ tìm mọi cách phục hồi lại vào 6 tháng cuối năm. Chúng tôi kỳ vọng năm 2023 sẽ là năm khởi đầu ấn tượng, tạo đà cho những năm tiếp theo”, ông Vinh chia sẻ.