Thị thực: 'Nút cổ chai' có thể khiến các mục tiêu của du lịch Việt Nam thất bại

Đặng Hoa - 08:05, 18/04/2018

TheLEADERTheo TS. Lương Hoài Nam, Phó tổng giám đốc Công ty hàng không Ngôi Sao Việt, nếu không tháo được nút cổ chai trong vấn đề thị thực, việc thực hiện Nghị quyết 08 về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn đến năm 2020 khó có thể thực hiện được.

Tại hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam 2018 (VITM) diễn ra vào cuối tháng 3 vừa rồi, gần 1.000 doanh nghiệp và cơ quan quản lý, xúc tiến cũng như các doanh nghiệp quốc tế đã có cơ hội quy tụ và quảng bá sản phẩm du lịch. 

Tuy nhiên, trong buổi quảng bá, khi du khách quốc tế đặt ra câu hỏi “liệu sắp tới chúng tôi có còn được tiếp tục miễn thị thực khi đi du lịch đến Việt Nam nữa hay không?”, không bất kỳ một cá nhân hay cơ quan, tổ chức nào trả lời được.

Miễn thị thực nhập cảnh của Việt Nam sẽ tạo đột phá cao hơn các nước trong ASEAN
Việt Nam có nguồn tài nguyên thiên nhiên lớn để phát triển du lịch.

Rõ ràng có thể thấy ngành du lịch Việt Nam có tiềm năng phát triển rất lớn. Trong 2 năm trở lại đây, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng ngành du lịch rất ấn tượng, năm 2017 có tới 13 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam, tăng trưởng trên 29%.

Theo đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới, ngành du lịch Việt Nam có lợi thế rất lớn về tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên văn hóa cũng như khả năng cạnh tranh về giá.

Tuy nhiên, có lẽ Việt Nam khó có thể tiếp tục đà phát triển mạnh mẽ này với những tiềm năng lớn sẵn có nếu Chính phủ không tiếp tục chính sách miễn thị thực đối với 5 nước châu Âu bao gồm: Anh, Pháp, Đức, Ý và Tây Ban Nha khi đã cận kề thời điểm hết hiệu lực chính sách miễn thị thực cho khách du lịch đến từ các nước này.

Đại diện Hội đồng Tư vấn Du lịch cho biết, nếu tiếp tục miễn thị thực cho 5 nước Tây Âu, lượng du khách tăng 10,1%, tăng trưởng du lịch Việt Nam sẽ đột phá hơn các nước khác trong khu vực nhờ nguồn tài nguyên lớn.

Theo ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Tập đoàn Thiên Minh, việc không miễn thị thực sẽ ngay trực tiếp ảnh hưởng đến lượng khách đến Việt Nam từ năm quốc gia Tây Âu trong thời gian ngắn hạn và đặc biệt là trong mùa hè năm nay.

“Con số thiệt hại đối với ngành du lịch có thể lên đến vài trăm triệu USD, mất hàng trăm ngàn công ăn việc làm; hàng loạt khu nghỉ dưỡng sẽ thiếu khách. Việc phục hồi lại đà phát triển sẽ mất nhiều năm chứ không phải một mùa, hai mùa”, ông Kiên tính toán.

Bàn về những rủi ro trong dài hạn, ông Lương Hoài Nam, Phó tổng giám đốc công ty hàng không Ngôi Sao Việt cho rằng nếu không tháo được nút cổ chai trong vấn đề thị thực, việc thực hiện Nghị quyết 08 về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn đến năm 2020 khó có thể thực hiện được. 

Miễn thị thực nhập cảnh của Việt Nam sẽ tạo đột phá cao hơn các nước trong ASEAN 1
Ông Lương Hoài Nam

Theo ông Nam, nhiều nhà đầu tư đã nhận thấy được những lợi ích từ tiềm năng của ngành du lịch và mới bắt đầu nhen nhóm các ý tưởng, dự án, đặc biệt đối với các dự án cơ sở hạ tầng.

Do đó, việc giảm số lượng khách đến Việt Nam do vấn đề thị thực nếu không được cân nhắc kỹ lưỡng sẽ có thể ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế vĩ mô.

Nếu Việt Nam không tiếp tục miễn thị thực đối với 5 nước châu Âu, ông Hoàng Nhân Chính, trưởng Ban thư ký Hội đồng tư vấn du lịch Việt Nam (TAB) cho rằng sẽ ảnh hưởng lớn đến niềm tin của du khách và nhà đầu tư đối với du lịch Việt Nam.

Mặc dù có những phát triển ấn tượng trong thời gian qua, đặc biệt là số lượng khách đến; song nếu xét về giá trị xuất khẩu du lịch, Việt Nam vẫn chỉ đang nằm trong top 6 chứ chưa được xét vào top 5 trong khu vực ASEAN. 

Ở các quốc gia trong khu vực, giá trị xuất khẩu du lịch luôn cao hơn số lượng khách đến; chứng tỏ mỗi một khách của họ đóng góp trên 1.000USD, Thái Lan 1.500USD trong khi Việt Nam chỉ có 800 - 900USD/khách.

Theo đánh giá của TAB, nếu muốn vươn lên top 3 trong khu vực, du lịch Việt Nam sẽ phải vượt Singapore về giá trị xuất khẩu.

Cân đối lại miếng bánh thị phần để tăng giá trị xuất khẩu khách du lịch

Trong miếng bánh thị phần khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, thị trường Đông Bắc Á trong đó có Hàn Quốc và Trung Quốc luôn là thị trường có lượng khách lớn nhất với thị phần khoảng trên 50%. 

Tuy nhiên, tỷ lệ chi tiêu và đóng góp của các thị trường này vẫn còn thấp. Trong khi đó, các thị trường ở xa như châu Âu mặc dù có số lượng khách đến không nhiều nhưng lại có tỷ lệ đóng góp vào doanh thu ngành du lịch cao hơn nhiều so với tỷ lệ khách đến.

Lý giải điều này, TAB cho rằng nguyên nhân là do chi tiêu của khách từ các thị trường tại Việt Nam khác nhau. Chẳng hạn, trung bình mỗi khách Trung Quốc chỉ chi khoảng trên 600USD, các thị trường Đông Bắc Á khác đều khoảng dưới 1.000USD.

Trong khi đó, khách du lịch từ các thị trường xa hơn như châu Âu lưu trú trung bình 15 ngày hoặc dài hơn với mức chi tiêu bình quân là 1.400 - 1.600USD/người.

Miễn thị thực nhập cảnh của Việt Nam sẽ tạo đột phá cao hơn các nước trong ASEAN 2
Du khách từ châu Âu có xu hướng chi tiêu nhiều hơn

Theo TAB, muốn tăng giá trị xuất khẩu của từng khách từ 830USD/khách năm 2016 lên trên 1.080USD/người năm 2020, cần phải khuyến khích và thu hút lượng khách có chi tiêu cao thay vì chỉ tập trung vào số lượng như hiện nay để bù lại cho những khách chi tiêu ít.

Để có thể làm được điều này, TAB đưa ra 2 đề xuất.

Thứ nhất, điều chỉnh những quy định đang cần nhiều cải thiện. Trong đó, tiếp tục chính sách miễn thị thực cho 5 nước Tây Âu sẽ hết hạn vào ngày 30/6/2018; tăng số ngày miễn thị thực từ 15 - 30 ngày cho 12 nước;

Cần bãi bỏ quy định “mỗi lần nhập cảnh phải cách ngày xuất cảnh khỏi Việt Nam lần trước ít nhất 30 ngày”; và áp dụng chương trình miễn thị thực kéo dài 5 năm, đặc biệt đối với các nước trọng điểm.

Ông Nam cho rằng nếu làm được điều này có thể giúp Việt Nam trở thành trung tâm trung chuyển hàng không của khu vực bởi lẽ khách châu Âu đến Việt Nam chủ yếu bằng Vietnam Airlines, nếu không cho quay lại sau khi đi du lịch sang các nước khác, khách sẽ phải mua vé máy bay 1 chiều của Vietnam Airlines và 1 chiều của hãng khác.

Theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2017, năng lực cạnh tranh du lịch và lữ hành Việt Nam đang xếp hạng 67 trên 136 nước, trong đó 3 nhóm chỉ số xếp hạng thấp nhất là: Sự bền vững của môi trường; Các yêu cầu về thị thực; và Cơ sở hạ tầng dịch vụ du lịch. Đây là 3 vấn đề cần được tập trung cải thiện để nâng cao năng lực cạnh tranh.

Tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân 2017, ba điểm nghẽn đối với sự phát triển của du lịch Việt Nam bao gồm: Chương trình quảng bá xúc tiến du lịch quốc gia; Chính sách thị thực cho khách quốc tế đến Việt Nam và Cải thiện môi trường du lịch trở thành điểm đến “sạch, thân thiện và an toàn đã được chỉ ra.

Song TAB nhấn mạnh, việc cải thiện chính sách thị thực sẽ dễ thực hiện được ngay vì không đòi hỏi nguồn lực tài chính, thời gian thực hiện như các vấn đề còn lại; đồng thời là then chốt và động lực để tháo gỡ các điểm nghẽn còn lại.

TAB nhận định hiện nay Việt Nam là nước có nhiều khó khăn nhất về vấn đề thị thực. Phần lớn các nước miễn thị thực 30 - 90 ngày. Tại Việt Nam có 1 nước duy nhất là Chile được miễn thị thực 90 ngày trong khi lượng khách nước này đến Việt Nam không nhiều, có 7 nước miễn 30 ngày.

Trong 24 quốc gia được miễn thị thực tại Việt Nam, các quốc gia còn lại chủ yếu là từ thị trường có chi tiêu cao được miễn thị thực 15 ngày trong khi số ngày họ ở lại Việt Nam đều trên 15 ngày; điều này chứng tỏ du khách không tận dụng được hiệu suất của việc miễn thị thực.

Trong đề xuất thứ hai, TAB cho rằng cần bổ sung thêm 6 nước được miễn thị thực bao gồm: Úc, New Zealand, Canada, Hà Lan, Thụy Sỹ và Bỉ. Thêm 4 nước/lãnh thổ được áp dụng thị thực điện tử bao gồm: Đài Loan, Hong Kong, Thụy Sỹ và Bỉ.

Đối với vấn đề thị thực điện tử, tổ chức này cho biết hiện nay vẫn còn nhiều vấn đề do đó cần được đẩy mạnh, trang web tốc độ cao hơn, đổi tên miền cho rõ ràng tránh nhầm lẫn và phải hướng đến phục vụ khách nước ngoài nhiều hơn.

Ông Lương Hoài Nam cho biết thị thực điện tử vẫn là một thủ tục thị thực bao gồm các việc phải làm và các khoản phí phải trả; do đó, làm tốt là cần thiết nhưng không đủ để tạo sự hấp dẫn và sức cạnh tranh với các nước trong khu vực.

Bên cạnh đó cần áp dụng chính sách miễn thị thực quá cảnh 48 hoặc 72 giờ cho những khách có máy bay từ Úc đi châu Âu hoặc ngược lại. Nếu làm được điều này, không chỉ ngành du lịch mà cả ngành hàng không cũng sẽ thu được nhiều nguồn lợi.

Miễn thị thực giúp tăng nguồn thu ngân sách

Có một số nhận định cho rằng miễn thị thực sẽ khiến Chính phủ giảm một nguồn thu đáng kể. Tuy nhiên theo tính toán của TAB, việc miễn thị thực sẽ giúp tăng ngân sách đáng kể cho cả doanh nghiệp và Chính phủ.

Dẫn chứng điều này, đại diện TAB cho biết năm ngoái có khoảng 370 nghìn khách Australia vào Việt Nam; nếu miễn thị thực sẽ lập tức thu thêm 37 nghìn lượt khách nữa, tăng khoảng 10%; Mặc dù thất thu về phí thị thực từ 370 nghìn khách này, tương đương 9 triệu USD nhưng mỗi khách này chi 1.474 USD thì có thể thu thêm 55 triệu USD.

Thông thường mỗi doanh nghiệp sẽ phải đóng mức thuế khoảng 20% cho nhà nước. Điều này có nghĩa là nhà nước sẽ thu về khoảng 11 triệu USD, nhiều hơn so với mức thu phí thị thực; doanh nghiệp cũng sẽ thu được nhiều hơn.

Bên cạnh đó, nếu thu phí thị thực của toàn bộ 866.617 khách du lịch đến từ 5 nước Tây Âu trong năm 2017 thì số tiền thu được khoảng 26 triệu USD. Trong khi đó, nếu tính bình quân mỗi du khách từ những thị trường này chi tiêu khoảng 1.200USD thì riêng số lượng khách tăng thêm hơn 200.000 lượt so với năm 2015 là năm thực hiện miễn thị thực thì doanh thu thêm được đã là 250 triệu USD.

Đại diện TAB cũng cho rằng nếu có nguồn khách lớn vào Việt Nam, đặc biệt là khách chi tiêu cao thì các ông lớn như Vingroup, Sungroup hay FLC sẽ sẵn sàng đầu tư ngay vào các dự án du lịch và cơ sở hạ tầng.