Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu giảm thuế môi trường của xăng dầu

Nhật Hạ - 09:00, 23/02/2022

TheLEADERLiên Bộ Tài chính - Công thương được giao nghiên cứu, đề xuất phương án điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu, báo cáo Thủ tướng trước ngày 28/2.

Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu giảm thuế môi trường của xăng dầu
Giá xăng dầu đạt đỉnh nhiều năm trong kỳ điều chỉnh ngày 21/2.

Xăng dầu là mặt hàng chiến lược, quan trọng và nhạy cảm dễ ảnh hưởng đến tâm lý người dân, tác động trực tiếp đến ổn định kinh tế vĩ mô.

Trong thời gian qua, thị trường xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, giá dầu thô trên thị trường thế giới có xu hướng tăng cao. Ở trong nước, có tình trạng một số ít cửa hàng bán lẻ xăng dầu đóng cửa, không bán hàng, ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của người dân tại một số địa phương.

Do đó, để bảo đảm cân đối cung cầu mặt hàng xăng dầu đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa có văn bản chỉ đạo gửi các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố.

Trong đó, Liên Bộ Tài chính - Công Thương được giao nghiên cứu, đề xuất phương án điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu, báo cáo Thủ tướng trước ngày 28/2.

Hiện nay, các loại thuế trong công thức tính giá cơ sở bán lẻ xăng dầu gồm thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng RON95 là 4.000 đồng/lít, E5 RON 92 là 3.800 đồng/lít, dầu diesel và dầu mazut là 2.000 đồng/lít; thuế tiêu thụ đặc biệt (xăng RON 95 là 10%, E5 RON 92 là 8%, không thu thuế với các loại dầu); thuế nhập khẩu 8%, thuế giá trị gia tăng (VAT) 10%.

Theo Bộ Tài chính, tỉ trọng thuế trong giá bán xăng dầu khoảng 38% và đối với dầu khoảng 20%.

Bên cạnh đó còn có khoản chi phí vận chuyển, lợi nhuận định mức chiếm khoảng từ 5 - 8% mức giá cơ sở của mặt hàng xăng dầu.

Ngoài việc điều chỉnh thuế, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương chủ động điều hành cân đối cung cầu thị trường xăng dầu, bảo đảm không để thiếu hụt nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các đơn vị cung ứng, phân phối xăng dầu, các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên toàn quốc và xử lý nghiêm đối với các hành vi găm hàng nhằm trục lợi và các vi phạm khác.

Bộ Công thương hối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp làm việc với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và cơ quan, đơn vị liên quan để xác định cam kết sản lượng của các doanh nghiệp sản xuất xăng dầu trong nước thời gian tới, làm cơ sở cho việc nhập khẩu xăng dầu đáp ứng nhu cầu thị trường.

Thanh tra Chính phủ bổ sung kế hoạch thanh tra năm 2022 việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về xăng dầu nhằm kịp thời phát hiện các sơ hở, bất cập trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, kiến nghị biện pháp xử lý theo quy định; báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

UBND các tỉnh, thành phố kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc bán xăng dầu của các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn, bảo đảm không bị gián đoạn; thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động kinh doanh xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn, việc tuân thủ quy định về niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết, thời gian đăng ký bán xăng dầu...; trường hợp phát hiện có sai phạm, xử lý nghiêm theo quy định.

Đại diện Bộ Công thương cho biết ngày 22/2, các thương nhân đầu mối đã đẩy mạnh việc nhập khẩu xăng dầu để bù đắp nguồn cung thiếu hụt từ sản xuất trong nước.

Hiện Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVoil) đang thực hiện việc nhập khẩu tăng thêm và dự kiến lượng xăng dầu về cảng Việt Nam trong cuối tháng 2/2022 là 26.000 m3 xăng và 40.000 m3 dầu. Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) nhập khẩu trong tháng 2/2022 khoảng 100.000 m3 xăng và 200.000 m3 dầu. Công ty Hải Hà cũng nhập khẩu trong tháng này khoảng 90.000 m3 dầu. 

Công ty Xuyên Việt Oil nhập khẩu khoảng 20.000 m3 xăng và 60.000 m3 dầu. Công ty Nam Sông Hậu nhập khẩu khoảng 20.000 m3 xăng và 7.500 m3 dầu. Công ty Long Hưng nhập khẩu 10.000 m3 xăng và 10.500 m3 dầu; Thiên Minh Đức nhập khẩu 20.000 m3 dầu; Dương Đông nhập khẩu 13.000 m3 xăng và 20.000 m3 dầu... để cung ứng cho thị trưởng theo đúng kế hoạch đã đăng ký.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu xăng dầu 15 ngày đầu tháng 2/2022 của các thương nhân đầu mối đã đạt 803.000 m3. Trong khi đó, các tháng bình thường chỉ khoảng 500.000m3.

Tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống của các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu lớn vẫn được duy trì việc bán hàng liên tục.

Thời gian gần đây, một số cửa hàng xăng dầu phía nam (như Hậu Giang, Cần Thơ, An Giang, Long An, Cả Mau, Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh) có hiện tượng bán ít hàng với lý do thiếu nguồn cung.

Ngay sau khi nhận thông tin báo cáo từ các địa phương, Bộ Công thương đã liên hệ với các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu để kịp thời bổ sung nguồn cung cho các địa bàn để kịp thời cung ứng xăng dầu cho các cửa hàng bán lẻ xăng dầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Bộ sẽ tiến hành thanh tra 33/36 doanh nghiệp đầu mối, nhập khẩu xăng dầu từ đầu năm 2021 đến nay.