Thủ tướng yêu cầu tạo điều kiện cho người từ TP.HCM về quê

Nhật Hạ - 18:20, 16/07/2021

TheLEADERCác địa phương tạo mọi điều kiện thuận lợi trong việc tiếp nhận lao động, người dân từ TP.HCM và các tỉnh phía Nam trở về.

Thủ tướng yêu cầu tạo điều kiện cho người từ TP.HCM về quê
TP.HCM và các tỉnh phía Nam sẽ được ưu tiên nguồn vắc-xin. Ảnh: báo Thanh Niên.

Trước tình hình dịch Covid-19 tại TP.HCM và một số tỉnh phía Nam vẫn hết sức phức tạp, ngày 16/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có văn bản chỉ đạo triển khai một số biện pháp cấp bách hỗ trợ kịp thời cho khu vực này.

Theo đó, các địa phương cần tạo mọi điều kiện thuận lợi trong việc tiếp nhận lao động, người dân từ TP.HCM và các tỉnh phía Nam trở về gồm có kế hoạch chuyên chở người lao động về địa phương, thực hiện quy định cách ly, phòng chống dịch và chuẩn bị điều kiện cần thiết khác theo tinh thần hỗ trợ tối đa, không gây khó khăn, phiền hà cho người dân và các tổ chức liên quan; không để tình trạng quy trình, thủ tục phức tạp, kéo dài, gây bức xúc cho người dân.

Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu đảm bảo hàng hóa, nhu yếu phẩm đầy đủ, dồi dào và vận chuyển kịp thời từ các địa phương khác đến TP.HCM, không để thừa, thiếu cục bộ hoặc ứ đọng.

Hoạt động vận tải hàng hóa phục vụ phát triển kinh tế, sản xuất kinh doanh, xuất khẩu giữa các địa phương và TP.HCM phải thông suốt và đảm bảo kiểm dịch.

TP.HCM và các tỉnh phía Nam sẽ được ưu tiên nguồn vắc-xin. Thủ tướng lưu ý bổ sung đối tượng ưu tiên là những người lao động phục vụ trong các lĩnh vực vận tải, vận chuyển, phân phối các hàng hóa, nhu yếu phẩm giữa các địa phương hoặc công nhân làm việc tại các doanh nghiệp tập trung, khu công nghiệp, cảng biển, các dịch vụ logistics quan trọng, thiết yếu và các đối tượng cần thiết khác theo yêu cầu thực tiễn phát sinh.

"Đây là những nhiệm vụ quan trọng, cấp bách trong bối cảnh hiện nay đối với TP.HCM, các tỉnh, thành phố phía Nam với vai trò, vị trí là trung tâm kinh tế lớn nhất, là đầu tàu kinh tế và là vùng kinh tế trọng điểm", Thủ tướng nêu rõ.

Trước đó, ngày 7/7, Bộ Y tế đã quy định người từ TP.HCM đi 62 tỉnh, thành phải cách ly y tế tại nhà 7 ngày kể, tự theo dõi sức khỏe trong 7 ngày tiếp theo. Tuy nhiên, đến ngày 14/7, thời gian cách ly người về từ TP.HCM đã được bộ điều chỉnh lên 14 ngày.

Tại cuộc họp trực tuyến với 26 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, Thủ tướng cho biết, dự báo sắp tới, tình hình dịch bệnh có thể diễn biến phức tạp hơn ở các địa phương, nhất là TP.HCM và các tỉnh phía Nam; còn các ổ dịch tiềm ẩn, chưa phát hiện hết trong cộng đồng và số lượng các ca lây nhiễm có thể tăng lên nếu không có những quyết sách, biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt, kịp thời hiệu quả.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các khu công nghiệp, doanh nghiệp, các chuỗi cung ứng có thể bị tác động mạnh.

Theo ông, đời sống sinh hoạt của một bộ phận người dân trong khu vực thực hiện cách ly, giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16, Chỉ thị số 15 có thể bị tác động cả về vật chất và tinh thần. 

Việc thực hiện này nếu không nghiêm, thiếu kiểm tra giám sát sẽ dẫn tới tâm lý chủ quan, lơ là, ỷ lại và gây ra hậu quả còn nặng nề hơn; cần tăng cường giám sát, kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện ở các cấp, các ngành, các địa phương một cách nghiêm túc, chặt chẽ, toàn diện, đồng bộ; đồng thời thực hiện khen thưởng, kỷ luật kịp thời, nghiêm minh.

Vì vậy, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung phân tích, đánh giá, dự báo, nhận định rõ những vấn đề phát sinh để chuẩn bị tốt hơn, có biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả hơn nhằm kiềm chế, ngăn chặn, đầy đẩy lùi dịch bệnh. Thủ tướng nhấn mạnh, cần tận dụng “giờ vàng, ngày vàng, tuần vàng” để thực hiện nghiêm các quy định, nhiệm vụ hiệu quả hơn, nhanh nhất có thể để khoanh vùng, cách ly tập trung, dập dịch và tích cực điều trị.

Được biết, sau khi ghi nhận nhiều ca nhiễm trong các doanh nghiệp mà công nhân ở rải rác tại các quận, huyện, lãnh đạo TP.HCM đã thảo luận với hiệp hội doanh nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất, lãnh đạo địa phương để áp dụng phương án cho phép các doanh nghiệp thực hiện theo hai phương thức.

Thứ nhất là “ba tại chỗ” gồm ăn nghỉ tại chỗ, sản xuất tại chỗ, sinh hoạt tại chỗ trong khuôn viên sản xuất nhưng cũng phải bảo đảm an toàn.

Thứ hai là “hai điểm, một con đường”. Tức là nếu nơi sản xuất không có chỗ bố trí ăn nghỉ thì phải bố trí bên ngoài và phải bảo đảm an toàn phòng dịch, tổ chức xe đưa đón tập trung từ nơi nghỉ đến nơi sản xuất. Nếu các doanh nghiệp bảo đảm các điều kiện an toàn và thoả mãn một trong hai phương thức, cùng với nhu cầu tiếp tục sản xuất thì cơ quan chức năng sẽ chuẩn bị để doanh nghiệp được sản xuất. Nếu không đảm bảo thì doanh nghiệp phải ngừng sản xuất.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý, ngoài những doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ”, “hai điểm, một con đường”, thành phố cần nghiên cứu, xem xét các phương án cho doanh nghiệp sản xuất trở lại từng phần căn cứ trên diễn biến dịch bệnh. 

Theo số liệu của Bộ Y tế, tổng số ca nhiễm cộng đồng từ ngày 27/4 đến sáng ngày 16/7 lên 38.675, ghi nhận ở 58 tỉnh thành, trong đó TP.HCM có 22.564 ca.