Tiền gửi của người dân vào ngân hàng suy giảm

Trần Anh - 07:59, 17/10/2021

TheLEADERTrong tháng 8 tiền gửi của dân cư đã sụt giảm gần 1.000 tỷ đồng. Tiền gửi của dân cư tăng trưởng rất thấp chủ yếu do lãi suất tiết kiệm liên tục giảm khiến dòng tiền tìm kiếm sang các kênh đầu tư khác.

Ngân hàng Nhà nước vừa cập nhật dự liệu về tổng phương tiện thanh toán và tiền gửi của khách hàng tại tổ chức tín dụng (TCTD). Theo đó, tính đến cuối tháng 8/2021, tiền gửi của người dân vào hệ thống ngân hàng chỉ tăng 2,95% so với đầu năm. Con số này thấp hơn đáng kể mức tăng cùng kỳ năm ngoái là 5,46% và cũng thấp hơn nhiều cùng kỳ các năm trước đó.

Đáng chú ý, trong tháng 8 tiền gửi của dân cư đã sụt giảm 986 tỷ đồng. Ở tháng trước đó, người dân cũng chỉ gửi ròng 1.250 tỷ đồng. Như vậy trong hai tháng 7 và 8, tháng đỉnh điểm giãn cách tại trên cả nước, người dân gần như không gửi thêm tiền vào hệ thống ngân hàng.

Ở chiều ngược lại, tiền gửi doanh nghiệp tăng mạnh hơn 59.000 tỷ đồng, cho thấy xu hướng phòng thủ của doanh nghiệp và cơ hội kinh doanh hạn chế do giãn cách xã hội.

Trước đó, sau 4 tháng liên tục gửi ròng vào hệ thống ngân hàng tới hơn 395.000 tỷ đồng, sang đến tháng 7/2021, các tổ chức kinh tế đã bất ngờ rút ròng hơn 25.900 tỷ đồng ra khỏi hệ thống.

Tính đến cuối tháng 8, tiền gửi của tổ chức kinh tế đạt 5,14 triệu tỷ đồng, tiền gửi dân cư đạt 5,29 triệu tỷ đồng. Nếu xu hướng chững lại của tiền gửi dân cư còn tiếp diễn và tổ chức kinh tế tiếp tục gửi thêm tiền vào hệ thống ngân hàng, quy mô tiền gửi của tổ chức kinh tế sẽ vượt quy mô tiền gửi của dân cư.

Từ đầu năm 2021 đến nay, tiền gửi của dân cư tăng trưởng rất thấp chủ yếu do lãi suất tiết kiệm liên tục giảm, đi cùng với những khó khăn kinh tế do tác động của đại dịch.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, so với trước dịch, lãi suất huy động đã giảm khoảng 1-1,5%/năm, khiến huy động vốn của hệ thống có xu hướng giảm, dòng tiền dịch chuyển sang các kênh đầu tư khác. 

Lãnh đạo NHNN cho biết, không thể tiếp tục giảm lãi suất đầu vào để giảm lãi suất đầu ra, bởi nếu lãi suất quá thấp, người dân sẽ không gửi tiền nữa mà đi đầu tư tài sản khác, có thể dẫn đến bất ổn. Các ngân hàng chủ yếu đi vay từ người dân để cho vay ngược lại nền kinh tế. Do đó vẫn phải duy trì được đầu vào, ổn định lãi suất và đảm bảo lợi ích cho người gửi tiền.