Tìm dư địa cho doanh nghiệp Việt

14:51, 08/08/2017
Trần Bằng Việt
Chuyên gia tư vấn

Doanh nghiệp khởi nghiệp hiện nay không chỉ phải cạnh tranh với các doanh nghiệp trong vùng hay trong nước mà sẽ còn phải cạnh tranh với cả những doanh nghiệp hàng đầu thế giới.

LTS: Dù đang kinh doanh thành công hay startup, dù không dính dáng gì đến công nghệ hay công nghệ hoàn toàn, bạn đều phải bắt đầu từ người tiêu dùng tương lai, mới ra được sản phẩm dịch vụ.

Các nghiên cứu gần đây về người tiêu dùng tương lai đang làm chấn động giới kinh doanh, thay đổi hoàn toàn tư duy và chiến lược của từng doanh nghiệp. Với 50 - 70% người tiêu dùng đến 2025 là người tiêu dùng số, gồm những thế hệ sinh 8x, 9x, 2000, bất cứ ngành nghề nào cũng phải hướng đến người tiêu dùng số mới tồn tại được

Vậy nhu cầu của ngươi tiêu dùng tương lai là gì? Tư duy tiêu dùng mới gắn với những từ khóa nào? Làm thế nào để khai thác tài nguyên bản địa, đưa công nghệ vào tư duy sản phẩm, để tạo nên sự bứt phá cho cả những doanh nghiệp dẫn đầu và giới startup? Những cảnh báo nào đang đặt ra cho doanh nghiệp để không làm tổn thương sức mạnh doanh nghiệp, tạo nên sức mạnh quốc gia…

Đó là nội dung chuyên đề "Khai thác tài nguyên bản địa kết hợp sức mạnh công nghệ để tạo sự bứt phá cho doanh nghiệp Việt Nam thời 4.0" do TheLEADER thực hiện cùng sự tham dự của những chuyên gia thương hiệu và các CEO đang startup với những bài học cụ thể, thiết thực...

Khởi nghiệp nhiều thuận lợi, lắm khó khăn

Ông Trần Kim Thành, Chủ tịch Tập đoàn Kido trong hội thảo "Chuyện bếp núc một tập đoàn" đã từng mở lòng: Các bạn trẻ bây giờ khởi nghiệp thuận lợi hơn nhiều.

Đúng vậy, bây giờ thông tin thuận tiện, sách vở, tài liệu, hội đoàn thầy bạn nhiều nên kiến thức nền tảng ban đầu cũng thoải mái hơn. Nhìn nhận của xã hội bây giờ cũng thuận lợi hơn. Nếu thời đầu những năm 90, dù đã mở cửa, nhưng giới doanh nhân vẫn bị coi là con buôn thì bây giờ nơi nơi đều khuyến khích khởi nghiệp. Các hạ tầng của nền kinh tế cũng dần được cải thiện rất đáng kể: xuất nhập khẩu, thuế, thanh toán, giao nhận...

Nhưng trên thực tế không phải hoàn toàn là thuận lợi hết!

Ngày ấy hàng hoá có chất lượng ở khắp nơi đều khan hiếm (cung ít hơn cầu). Do đó, nếu sản xuất được sản phẩm có chất lượng thì cầm chắc là thành công, và càng ngày sẽ càng thành công hơn. Còn bây giờ, xã hội dư thừa hàng hoá, thậm chí dư thừa cả hàng hoá chất lượng cao. Điều này dẫn tới việc khách hàng có rất nhiều lựa chọn. Và thường khi đó, người ta sẽ ít khi chọn sản phẩm của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, chưa nói đến doanh nghiệp khởi nghiệp.

Thêm vào đó, cũng cần lưu ý rằng bây giờ doanh nghiệp khởi nghiệp không chỉ phải cạnh tranh với các doanh nghiệp trong vùng hay trong nước mà sẽ còn phải cạnh tranh với cả những doanh nghiệp hàng đầu thế giới. Kinh nghiệm, hệ thống, thương hiệu, vốn liếng của họ quá nhiều nên rất dễ để đập chết các doanh nghiệp nho nhỏ mới khởi nghiệp (nếu họ muốn). Không nói đến các "âm mưu” hay “chiêu trò”, chỉ cần trực diện chiến đấu bằng quy mô sản xuất là ta đã phải gương cờ trắng đầu hàng.

Có một doanh nghiệp địa phương sản xuất được loại rượu đặc biệt từ công thức tổ truyền với 30 loại men lá rừng của người Dao, sau đó ủ trong hầm rượu trên đỉnh Mẫu Sơn (nơi lạnh nhất Việt Nam) trong nhiều năm. Uống rất ngon, hương vị độc đáo, mà lại không bị nhức đầu hay khát nước. Thế nhưng, khi cố gắng mở rộng quy mô thì vướng ngay. Muốn bán được giá thì bao bì chai lọ phải ổn để không bị so với rượu đế tự nấu, và không dễ bị làm giả. Nhưng chi phí cho cái chai quá cao (vì số lượng ít), trung bình lên đến 58 ngàn/vỏ chai. Cũng một vỏ chai tương tự như thế, đặt với số lượng lớn chỉ mất khoảng 20 ngàn. Rồi nhãn rượu lớn người ta chi cho các chương trình quảng cáo tiếp thị lên đến 10-15 triệu đô la mỗi năm, doanh nghiệp nhỏ, bỏ ra một hai trăm triệu đồng đi hội chợ triển lãm là đã phải nâng lên đặt xuống đến cả chục lần.

Toàn cầu hóa - Khóa bước chân

Chuyện này cũng không phải là chuyện ngoại lệ!

Đã lâu rồi Việt Nam gần như không còn sở hữu thương hiệu hoá mỹ phẩm nào đáng kể, chưa nói đến khởi nghiệp. Đã lâu lắm rồi, trong ngành thời trang thịnh hành công thức thành công: mẫu mã Hàn Quốc + sản xuất Quảng Châu + dán nhãn bản địa. Trong các ngành thuỷ hải sản, vật tư nông nghiệp, cơ khí… cũng sẽ gặp các câu chuyện gần tương tự với việc dần triệt tiêu năng lực sản xuất nội địa.

Dịch vụ cũng không tốt hơn mấy. Các ngành dần xuất hiện sự thâm nhập của các thương hiệu toàn cầu. Và dù họ có thành công hay thất bại thì chiến trường cũng la liệt các thương hiệu nội địa rải rác khắp nơi. Thức ăn nhanh, trà sữa, nhà hàng… ngày càng nhiều cái tên phổ biến đến từ Mỹ, Sing, Hàn, Nhật, Đài Loan, Hồng Kông… 

Các chuỗi nội địa đề kháng giằng co trong mảng cafe nhiều tính địa phương, hoặc trong vài nhóm thức ăn mang tính vùng miền. Thế nhưng, khi số lượng nhà cung cấp sản phẩm, dịch vụ thay thế càng nhiều, mức độ cạnh tranh dần khắc nghiệp hơn và biên lợi nhuận ngành dần giảm.

Các doanh nghiệp đầu ngành còn khó khăn, sao dễ được cho những người khởi nghiệp!

Dư địa gần như duy nhất còn lại cho doanh nghiệp Việt là những sản phẩm và dịch vụ có tính bản địa rất mạnh phục vụ cho một nhóm khách hàng rất đặc thù. Nhưng như vậy là có đủ? Và chiến trường ấy còn cầm cự được bao lâu? Người ta đang thấy Airbnb tấn công từng khách sạn mini, Grab/Uber đè nát các hãng taxi nội địa đó chứ. Mà những ngành đó có thiếu tính bản địa đâu...

Công nghệ - Bệ phóng khả dĩ?

Giữa những ngày khó khăn đó, người ta nghe về một số câu chuyện thành công đáng phấn khởi. Tiêu biểu trong số đó phải kể đến Triip.me trong ngành du lịch.

Nếu như Agoda đã kết nối khách du lịch với khách sạn, Airbnb kết nối khách cần với những chủ nhà có phòng trống thì Triip.me kết nối khách du lịch với hướng dẫn viên địa phương và cho phép tổ chức được những chương trình may đo đặc sắc với chi phí cực thấp thông qua một nền tảng công nghệ mạnh và dễ dùng. Điều quan trọng cần lưu ý ở đây là Triip.me xoáy vào được Yếu tố thành công then chốt (Critical Success Factor) của ngành du lịch là Hướng dẫn viên.

Hướng dẫn viên địa phương, dựa trên hiểu biết sâu sắc về đặc thù của địa bàn, sẽ xây dựng những chương trình đặc sắc và giới thiệu trên Triip.me kèm với chi phí rất cạnh tranh. Khi khách du lịch định đến một nơi, họ sẽ tìm kiếm trên ứng dụng ấy và lựa chọn chương trình phù hợp. 

Nhờ ứng dụng này mà khách du lịch sẽ không lãng phí một chuyến du lịch, hướng dẫn viên có thêm doanh thu, và ứng dụng có thêm hoa hồng mà không cần đầu tư quá nhiều về hạ tầng cho du lịch. Mỗi bên chỉ cần tập trung làm tốt nhất phần của mình: hướng dẫn viên thiết kế và dẫn tour, Triip.me tiếp cận khách hàng và bán hàng. 

Cũng do ít khi khách hàng đi lại một chương trình cũ mà hướng dẫn viên luôn cần duy trì quan hệ với ứng dụng, khách đã dùng thì sẽ tin và dùng ứng dụng nhiều hơn, và ứng dụng càng về sau càng giảm được chi phí quảng cáo. Cả 3 bên đều được nhiều hơn trong khi phải đầu tư ít hơn.

Liệu chừng đây có phải là một công thức để thành công?

Còn quá sớm để chúng ta có thể khẳng định được điều này. Tuy nhiên, khi phân tích trên mô hình, ta sẽ thấy rất thuyết phục để theo đuổi công thức này nhờ tính thuyết phục tương đối của nó: (1) tính bản địa giúp sản phẩm dịch vụ vừa được bảo vệ trước các ông lớn khổng lồ, vừa có sức hút đặc thù đối với khách hàng bên ngoài và (2) công nghệ giúp chúng ta kết nối thẳng và hiệu quả với nhóm khách hàng mục tiêu.

Chúng ta cũng tìm được hình ảnh của công thức này trong một số sản phẩm khởi nghiệp mới gần đây. Ví dụ như Around giúp các cửa hàng địa phương bán thẳng các sản vật hay quà tặng địa phương cho du khách, hoặc thậm chí là gửi thẳng đến địa chỉ định tặng.

Cũng lưu ý rằng không nhất thiết phải tự xây cho mình một kênh công nghệ riêng vì khi đó chi phí sẽ trở nên rất cao. Sử dụng những kênh sẵn có như Dây sợi Rồng Á Châu hơn chục năm trước sử dụng sàn công nghệ Alibaba để dần trở thành một trong những đơn vị dẫn đầu ngành trên thế giới. 

Nệm Liên Á cũng sử dụng hiệu quả và gần như độc chiếm thị trường Mỹ với 98% sản lượng nhập khẩu nệm cao su tự nhiên từ Việt Nam. Cafe Anni cũng là trường hợp thú vị khi tận dụng tốt Amazon để tiếp cận trực tiếp khách hàng quốc tế khó tính. 

Việt kiều Bùi Durassamy khởi nghiệp ở tuổi 70 để đem chocolate Tiền Giang thẳng ra sàn quốc tế cũng không thể không những kênh thương mại công nghệ để giảm thiểu chi phí và thời gian.

Như vậy, không nhất thiết chúng ta phải trực tiếp xây dựng (BUILD) hoặc mua lại (BUY) một ứng dụng công nghệ riêng cho mình, mà ta có thể tận dụng (BORROW) những sản phẩm công nghệ có thể hỗ trợ tích cực cho năng lực tiếp cận khách hàng, bán hàng, chăm sóc khách hàng hay thậm chí quản lý sản xuất. Mấu chốt quan trọng ở đây là cần làm chủ được những kênh công nghệ ấy.

Lâu nay ta vẫn nghĩ doanh nghiệp Việt vốn có nền tảng công nghệ tương đối yếu khó làm được những điều này. Nhưng sự thành công của nhiều doanh nghiệp và khởi nghiệp gần đây cho ta quyền hy vọng ở tương lai.

CEO Công ty Missonizer Trần Xuân Hải: Bốn câu hỏi quản lý thời 4.0 (Kỳ 2)

Tác giả: Trần Bằng Việt, Chủ tịch Liên đoàn các nhà lãnh đạo và doanh nhân trẻ toàn cầu (JCI)tại Việt Nam, Chuyên gia tư vấn cao cấp & Tổng giám đốc Đông A Solutions